Công suất phát biến động mạnh, điện tái tạo đang thách thức hệ thống điều phối

Nhật Minh - 09:54, 01/05/2022

TheLEADERViệc thiếu ổn định về công suất phát điện từ điện gió dẫn tới khả năng hỗ trợ tăng cường phát điện cho hệ thống điện quốc gia hiện nay chỉ ở mức thấp, gần như không đáng kể.

Thông tin từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết đến thời điểm hiện tại, tổng công suất lắp đặt nguồn điện gió của toàn quốc đã được công nhận vận hành thương mại (COD) và đưa vào vận hành đạt 3.980MW.

Mặc dù vậy, khả năng phát của nguồn điện gió không ổn định, biên độ dao động về công suất phát khả dụng từ điện gió rất lớn.

Qua theo dõi thực tế, công suất phát điện gió không những chỉ biến động theo mùa gió mà còn biến động hàng ngày, thậm chí biến động mạnh giữa các thời điểm khác nhau trong ngày, Trung tâm Điều độ hệ thống điện cho biết.

Số liệu thống kê cho thấy không nhiều thời điểm điện gió phát cao hơn mức 2.000MW, tức tương đương khoảng 50% tổng công suất đã được công nhận vận hành thương mại.

Cá biệt trong nửa cuối tháng 3/2022, trong khoảng thời gian dài, tổng công suất có khả năng phát của điện gió luôn ở mức rất thấp, tối đa trong ngày khoảng hơn 500MW, và nhiều thời điểm không có gió để phát điện. Điển hình như vào ngày 19/3/2022, tổng công suất phát của điện gió toàn quốc xuống rất thấp, có thời điểm chỉ còn 15MW, tương đương tỷ lệ 0,37%.

Việc thiếu ổn định về công suất phát điện từ điện gió dẫn tới khả năng hỗ trợ tăng cường phát điện cho hệ thống điện quốc gia hiện nay chỉ ở mức thấp, gần như không đáng kể.

Trong tháng 3, do nhiều nguyên nhân khác nhau như việc cung cấp than cho sản xuất điện gặp nhiều khó khăn, có lúc công suất điện than không phát điện được do thiếu than ước tính tổng cộng khoảng 3.000 MW.

Trong bối cảnh đó, các nguồn phát từ điện gió cũng chỉ ở mức thấp như đã nêu, thậm chí rất thấp, nên khả năng tăng cường hỗ trợ phát điện cho hệ thống điện quốc gia của điện gió tại thời điểm đó gần như không đáng kể.

Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết sẽ tiếp tục theo dõi thường xuyên về sự biến động của công suất phát điện gió theo diễn biến thời tiết, để tiếp tục tối ưu hóa phương án vận hành toàn hệ thống điện.

Không chỉ điện gió không thể tối ưu hóa công suất lắp đặt, điện mặt trời cũng rơi vào cảnh tương tự khi bị buộc giảm phát do tình trạng quá tải lưới điện.

Đơn cử, giữa năm ngoái, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết nguồn điện mặt trời phát triển rất nhanh trong thời gian ngắn đã làm cho một số đường dây 220kV khu vực Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông luôn trong tình trạng thường xuyên đầy tải, quá tải vào ban ngày.

Một số đường dây đầy và quá tải không thể cắt điện vào ban ngày để sửa chữa, bảo dưỡng, thí nghiệm định kỳ mà phải thực hiện bố trí cắt điện vào ban đêm khi điện mặt trời ngừng phát.

Sự gia tăng mạnh mẽ nguồn điện năng lượng tái tạo đã gây nên khó khăn khi các tổ máy thủy điện phải thay đổi linh hoạt công suất để bù đắp thay đổi năng lượng tái tạo, ảnh hưởng đến an ninh cấp điện cuối mùa khô cũng như tăng số lần khởi động/thay đổi công suất các tổ máy nhiệt điện than/tuabin khí, làm tăng nguy cơ sự cố tổ máy.

Do đó, việc huy động các nguồn điện hàng ngày cần được tính toán hợp lý, cơ cấu nguồn phải đảm bảo có dự phòng để đáp ứng không những các thay đổi của phụ tải tiêu thụ điện mà còn với các thay đổi bất thường của chính các nguồn năng lượng tái tạo với mức độ thay đổi hàng nghìn MW trong vài giây.

“Việc tiết giảm khả năng phát các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua cũng như hiện nay là bắt buộc phải thực hiện để đảm bảo an toàn cung cấp điện”, EVN nhấn mạnh.

Trước đó, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cũng đưa ra cảnh báo tương tự trong bối cảnh sản lượng huy động từ năng lượng tái tạo đóng góp tỷ trọng cao hơn đáng kể trong hệ thống so với trước đây, nhưng lại thay đổi thường xuyên, khó dự báo.