Công ty tài chính thua lỗ lớn được VNPT chào bán 500 tỷ đồng

10:25, 25/12/2017

TheLEADERCó vốn điều lệ 500 tỷ đồng nhưng đến năm 2013 Công ty tài chính Bưu Điện đã bị âm vốn chủ sở hữu hàng trăm tỷ đồng.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ bán đấu giá Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) vào ngày 1/2/2018 với giá khởi điểm 500 tỷ đồng. Đây chính là mức vốn điều lệ công ty này được cấp theo giấy phép năm 1998.

Tuy nhiên theo bản công bố thông tin gửi các nhà đầu tư trước phiên đấu giá, vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm giữa năm 2017 chỉ còn 414 triệu đồng. Trước đó các năm 2015 và 2016, vốn chủ sở hữu của PTF đều bị âm 44 và 29 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo của công ty, từ năm 2013 đến năm 2016, công ty có tổng lợi nhuận 104 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, ước tính lợi nhuận của PTF đạt 31 tỷ đồng.

Như vậy trước năm 2013, PTF đã bị âm vốn chủ sở hữu hàng trăm tỷ đồng.

Công ty tài chính thua lỗ lớn được VNPT chào bán 500 tỷ đồng

Theo báo cáo đánh giá kết quả kinh doanh các năm qua, PTF cho biết, khó khăn lớn nhất của công ty là không khai thác được chức năng của một tổ chức tín dụng trong hoạt động tín dụng, đầu tư do tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động thấp.

Ngoài việc bị mất gần như toàn bộ vốn điều lệ, tính đến giữa năm 2017, công ty còn các khoản nợ phải trả 347 tỷ đồng, trong đó có các khoản nợ tập đoàn VNPT.

Quy chế bán đấu giá PTF quy định, nhà đầu tư trúng đấu giá phải có trách nhiệm kế thừa toàn bộ tài sản, công nợ của công ty tại thời điểm chốt số liệu bàn giao.

Ngoài ra, nhà đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán hợp lệ của một ngân hàng trong nước cam kết thanh toán vô điều kiện, không hủy ngang cho VNPT số tiền mà PTF phải trả VNPT tại thời điểm 30/6/2017.

Tài sản của PTF hiện nay chủ yếu là các khoản đầu tư tài chính, đến cuối năm 2016, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là 263 tỷ đồng và đầu tư dài hạn là 36 tỷ đồng, chiếm 77% tổng tài sản công ty.

Dựa trên các công bố về việc bán quyền mua cổ phần của PTF tại một số doanh nghiệp, có thể thấy PTF đã đầu tư vào tập đoàn bất động sản C.E.O, tập đoàn Hòa Phát, Công ty Dịch vụ kỹ thuật Mobifone, Công ty bất động sản Phương Nam, Công ty cấp nước Setfil Hà Nam hay Công ty Thủy điện Quế Phong.

Chỉ có 2 đối tượng được tham gia đấu giá PTF là các ngân hàng thương mại trong nước và tổ chức tín dụng nước ngoài. Quy chế đấu giá quy định, ngân hàng trong nước phải có tổng tài sản trên 100 nghìn tỷ đồng và tổ chức tín dụng nước ngoài phả có tổng tài sản trên 10 tỷ USD mới đủ điều kiện tham gia đấu giá.

Tập đoàn VNPT mới đây cũng công bố tiếp tục thoái vốn khỏi một loạt công ty bao gồm cả khoản đầu tư vào ngân hàng Maritime Bank có giá trị 850 tỷ đồng. Đây là lần thứ 3 VNPT thoái vốn khỏi ngân hàng này sau các lần đầu giá năm 2016 và tháng 3 năm nay không thành công.

Ngoài ra, VNPT cũng công bố thoái vốn hỏi Công ty Đầu tư Xây dựng Viễn Thông Cần Thơ, Công ty Tư vấn Đầu tư và Phát triển Bưu điện Hà Hội, Công ty Xây lắp Bưu Điện Miền Trung và Công ty Bất động sản Bưu chính Viễn thông Việt Nam.