Coteccons tìm cách xử lý hơn 3.000 tỷ đồng tiền mặt

Trần Anh - 16:16, 27/04/2021

TheLEADERSở hữu lượng tiền lớn có thể giúp giảm bớt rủi ro hoạt động của doanh nghiệp, nhưng trên thực tế lượng tiền mặt và tiền gửi lớn ở Coteccons đang gây ra nhiều hạn chế hơn là lợi ích cho công ty.

Ghi nhận tại Đại hội cổ đông thường niên 2021 của Coteccons, Ban lãnh đạo công ty cho biết quý 1/2021, doanh thu hợp nhất ước đạt 2.568 tỷ đồng, chỉ bằng 14,7% kế hoạch năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 54,5 tỷ đồng, bằng 16% kế hoạch cả năm.

So với năm 2020, quý đầu năm nay Coteccons giảm 28% doanh thu và 56% lợi nhuận. Đây cũng là kết quả kinh doanh thấp nhất của Coteccons, kể từ giai đoạn đi xuống năm 2017. Tuy vậy, trong kế hoạch kinh doanh năm 2021, Coteccons đặt mục tiêu đạt 17.413 tỷ đồng doanh thu và 340 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; lần lượt tăng 20% và 2% so với năm ngoái.

Hoạt động kinh doanh sụt giảm mạnh trong bối cảnh Coteccons liên tục mất các hợp đồng thi công xây dựng vào tay đối thủ. Thời gian gần đây, Newtecons lần lượt trở thành đối tác tổng thầu thi công xây dựng loạt dự án căn hộ cao cấp của chủ đầu tư Masterise Homes tại TP.HCM và Hà Nội. Những siêu dự án này trước đây do Coteccons dưới thời ông Nguyễn Bá Dương làm nhà thầu.

Không chỉ đánh mất các hợp đồng lớn, hàng loạt lãnh đạo cũ của Coteccons cũng lần lượt rời công ty. Dù các nhân sự cao cấp liên tục xuất hiện nhưng các cổ đông có lý do để nghi ngại về viễn cảnh Coteccons sẽ dần đánh mất vị thế dẫn đầu của mình.

Để trấn an các cổ đông, Ban lãnh đạo mới của Coteccons – đứng đầu là Chủ tịch HĐQT ông Bolat Duisenov, cần một chiến lược mới phù hợp hơn với tình hình hiện tại.

Coteccons tìm cách xử lý hơn 3.000 tỷ đồng tiền mặt
Chủ tịch HĐQT Coteccons, ông Bolat Duisenov

Đầu năm nay, Coteccons đã trình cổ đông phương án phát hành trái phiếu 500 tỷ đồng. Con số này sau đó được tăng lên 1.000 tỷ đồng và thông qua tại Đại hội cổ đông vừa diễn ra.

Lần đầu tiên trong nhiều năm, Coteccons phá vỡ truyền thống không vay nợ của mình. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh lượng tiền mặt trong công ty vẫn còn rất lớn. Tính tới cuối năm 2020, Coteccons ghi nhận hơn 3.000 tiền mặt và các khoản tiền gửi ngắn hạn và hoàn toàn không vay nợ.

Lý giải về điều này, ông Bolat Duisenov cho biết Coteccons nhiều năm được gọi là công ty nhiều tiền nhất thị trường. Hiện tại công ty cũng chưa cần tiền, nhưng trong thời gian tới, việc mở rộng sang những lĩnh vực có hàm lượng chất xám và công nghệ cao như EPC, các công trình hạ tầng sẽ đòi hỏi nguồn lực vốn lớn. Ban lãnh đạo Coteccons quan niệm không phải lúc nào làm mới huy động mà sẽ chuẩn bị trước từ 1-2 năm.

Trước khi trở thành Chủ tịch của Coteccons, ông Bolat Duisenov từng là quản lý danh mục đầu tư PE (vốn cổ phần) quy mô lớn trong nhiều năm tại Việt Nam, do đó vị doanh nhân này hiểu rõ sức mạnh của đòn bẩy tài chính, cũng như có góc nhìn khác về việc “có nhiều tiền mặt”. 

Trên lý thuyết, một công ty có nhiều tiền giúp giảm bớt rủi ro hoạt động của doanh nghiệp, nhưng thực tế lượng tiền lớn ở Coteccons đang gây ra nhiều hạn chế hơn là lợi ích cho công ty trong những năm qua.

Với lượng tiền mặt và đầu tư ngắn hạn hiện tương ứng với khoảng 25% tổng tài sản, hiệu quả sử dụng nguồn tiền này của Coteccons có ảnh hưởng đáng kể tới giá trị doanh nghiệp. Thống kê cho thấy từ năm 2014 tới nay, trung bình hàng năm lượng tiền mặt và tiền gửi tại Coteccons đạt lãi suất khoảng 5,7%/năm, thấp hơn trung bình lãi suất huy động tiền VND 12 tháng cùng kỳ.

Nguồn tiền này đang có hiệu quả sử dụng thấp hơn lãi suất huy động, đồng thời làm hạn chế hiệu quả sinh lời trên vốn của Coteccons trong giai đoạn tăng trưởng cao. Trong khi đó, với cơ cấu nguồn vốn không có nợ vay, lượng tiền lớn này trên thực tế không đóng góp đáng kể vào an toàn tài chính của Coteccons.

Mặt khác, nếu nhìn diễn biến trên thị trường chứng khoán, có thể thấy việc các nhà đầu tư không đánh giá cao một công ty tích trữ quá nhiều tiền mặt. Hiện tại, cổ phiếu CTD của Coteccons đang giao dịch quanh mức 63.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với giá trị vốn hóa khoảng 4.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu trừ đi phần giá trị tiền mặt ròng gần 3.500 tỷ đồng, những cấu phần còn lại của doanh nghiệp, bao gồm các dự án, hàng tồn kho, hay giá trị thương hiệu, chỉ đáng giá hơn 1.300 tỷ đồng. Đây rõ ràng là một con số không tương xứng với giá trị của Coteccons.

Vì vậy, một chuyên gia tài chính như ông Bolat Duisenov hiểu rằng đã đến lúc phải “xử lý” đống tiền mặt để định giá Coteccons tốt hơn. Có nhiều biện pháp, đơn giản nhất là trả cổ tức tiền mặt để giảm quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu, từ đó cải thiện tỷ suất sinh lời, hay hướng tới các sản phẩm tài chính mang về lãi suất lớn hơn như trái phiếu doanh nghiệp, cho vay margin…

Thậm chí, tiền có thể được sử dụng để “lướt sóng” cổ phiếu. Đầu năm nay, Covestcons – doanh nghiệp thuộc sở hữu của Coteccons đã bán 22,54 triệu cổ phiếu Idico, giảm tỷ lệ sở hữu tại đây từ 8,13% xuống 0,62% chỉ sau hơn 1 tháng mua vào.

Tại Đại hội cổ đông, ban lãnh đạo Coteccons xác nhận việc có tham gia giao dịch cổ phiếu Idico, và khẳng định giao dịch này có lợi nhuận. Ban lãnh đạo Coteccons cho biết tham gia giao dịch này để thiết lập mối quan hệ hợp tác với Idico.

Với những thông tin từ Đại hội cổ đông năm nay, Coteccons đang hướng tới một mục tiêu lớn hơn, không chỉ giúp doanh nghiệp có thể sử dụng hết lượng tiền mặt đang có, mà còn cần thêm cả đòn bẩy tài chính. Đó là định hướng sang các mảng xây dựng mới ngoài dân dụng. Công ty sẽ bổ sung một số ngành nghề như xây dựng công trình điện, viễn thông liên lạc, khai khoáng và năng lượng tái tạo.

Trong năm đầu tiên thực hiện chiến lược này, ban lãnh đạo đặt mục tiêu ký hợp tác chiến lược với 2 tổ chức tư vấn, 2 nhà thầu, 1 dự án hạ tầng và 1 dự án năng lượng. Công ty cũng nghiên cứu ít nhất 5 công ty trong lĩnh vực hạ tầng để cho mục tiêu mua bán – sáp nhập.