Covid-19 chặn dòng tiền vào bất động sản

Thu Phương - 09:26, 17/03/2020

TheLEADERNguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, rất khó để cứu thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại bởi không ai lại nghĩ đến chuyện đi mua bất động sản lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Covid-19 chặn dòng tiền vào bất động sản
GS. Đặng Hùng Võ

Ông đánh giá như thế nào về thị trường bất động sản Việt Nam thời gian gần đây với tác động của dịch bệnh Covid-19?

GS. Đặng Hùng Võ: Bất động sản vốn là một loại hàng hoá đắt tiền. Các sản phẩm như chung cư, liền kề, biệt thự, nhà phố hay các bất động sản nghỉ dưỡng đều có mức giá giao dịch rất đắt đỏ. Do tính đặc thù này mà khi nền kinh tế chung rơi vào hoàn cảnh khó khăn như thiên tai, dịch bệnh, thị trường bất động sản sẽ phải dừng lại. Bất động sản thường sẽ là lĩnh vực đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự đi xuống của nền kinh tế.

Đây là một quy luật tất yếu. Bởi khi kinh tế suy giảm, đời sống nhân dân gặp khó khăn, họ sẽ đặt ưu tiên hàng đầu cho những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như tiêu dùng, giáo dục chứ không phải là nhu cầu mua nhà để ở hoặc đầu tư bất động sản.

Đặc biệt, với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì người dân lại càng quan tâm hơn đến việc phòng dịch, sức khoẻ, thậm chí là cái chết có thể đến với mình. Bây giờ không ai lại nghĩ đến chuyện đi mua bất động sản, trừ những người đang cần thiết lắm một chỗ ở.

Thậm chí, ngay cả những người đang cần gấp chỗ ở thì họ cũng ngại mua chung cư vì đây là nơi tập trung đông người, rất nhạy cảm với dịch bênh. Trong thời điểm hiện tại, họ có thể đi thuê nhà hoặc ở nhờ tạm, chứ chưa chắc đã tính mua.

Còn đối với các nhà đầu tư bất động sản, trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế chững lại, họ sẽ ưu tiên tích trữ tiền mặt đề phòng rủi ro. Nhu cầu mua bất động sản để đầu tư vì vậy cũng bị hạn chế.

Việc phần lớn các ý định mua nhà, sở hữu bất động sản của người dân bị hoãn lại, tất yếu sẽ dẫn đến thị trường vắng bóng giao dịch. Nếu dịch bệnh kéo dài sẽ có thể làm cho giá bất động sản hạ thấp trong thời gian tới.

Sự khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay đang đặt gánh nặng lớn lên vai các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp buộc phải tuyên bố phá sản, ông nhận định như thế nào về việc này?

GS. Đặng Hùng Võ: Đương nhiên thị trường khó khăn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú phục vụ du lịch sẽ chịu tác động đầu tiên do sự sụt giảm của du khách. Trong mấy ngày gần đây, tôi đã nghe đến rất nhiều thông tin về đóng cửa khách sạn, khu du lịch... hoặc tạm dừng hoạt động vì vắng khách.

Các bất động sản cho thuê như văn phòng, mặt bằng bán lẻ sẽ chững lại nhiều do sự giảm sút của khách hàng.

Đối với các chủ đầu tư, sàn giao dịch cũng bị ảnh hưởng do giao dịch bị ách tắc, thị trường không có thanh khoản, không có nguồn thu để chi trả cho các hoạt động của doanh nghiệp. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp sẽ buộc phải cắt giảm nhân viên, thu hẹp quy mô và phạm vi hoạt động thậm chí đóng cửa.

Các sàn giao dịch không bán được hàng cũng sẽ không có hoa hồng để nuôi quân, nhân lực sẽ giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, thực tế không chỉ các doanh nghiệp bất động sản mà đây là khó khăn chung của tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Không dễ gỡ khó cho thị trường

Với thực trạng thị trường bất động sản khó khăn, theo ông Chính phủ nên có giải pháp gì để tháo gỡ cho doanh nghiệp?

GS. Đặng Hùng Võ: Với tình hình hiện nay, nếu đòi hỏi một giải pháp để khắc phục những khó khăn cho thị trường thì quả thực rất khó. Bởi dịch bệnh Covid-19 là một yếu tố khách quan, một tai nạn của thị trường, nằm ngoài dự đoán và khả năng của con người.

Hơn nữa, do tính chất của hàng hoá như đã phân tích ở trên, bất động sản chỉ có thể phát triển được khi cuộc sống bình yên, tốt đẹp, nền kinh tế phát triển ổn định, tiền tích trữ trong dân dồi dào. Khi nền kinh tế gặp khó khăn, thị trường bất động sản sẽ rơi vào ách tắc đầu tiên. 

Sự phát triển của thị trường bất động sản đã là một quy luật tất yếu. Do đó, nếu nói làm gì để "cứu" thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại thì rất khó vì nó đã là quy luật khó có thể tránh được. Bây giờ không thể hô hào người dân là mặc kệ dịch bệnh để đi mua bất động sản được, không ai làm như thế cả.

Các giải pháp tức thời nếu có chỉ có thể tháo gỡ phần nào đó khó khăn cho thị trường. Theo đó, trước hết, cần xem Covid-19 là một loại thiên tai bất khả kháng và kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản được liệt vào danh sách các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và nhận ưu đãi của Chính phủ.

Thời gian gần đây, Chính phủ cũng đã đưa ra một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như cho vay lãi suất thấp, hoãn trả nợ, cho phép chậm nộp nghĩa vụ tài chính, thuế. Trong đó, có khoản hỗ trợ cho những doanh nghiệp quá khó khăn.

Mặt khác, thị trường bất động sản từ năm ngoái đã tồn tại nhiều vướng mắc do khung pháp luật hiện hành, thủ tục hành chính khiến dự án chậm ra hàng. Đây đều là những khó khăn do chủ quan của con người từ hệ thống pháp luật đầy bất ổn nhưng không được sửa ngay. Việc sửa Luật Đất đai vốn được Quốc hội kiến nghị sửa đổi vào đầu năm 2020 nhưng cũng bị hoãn lại.

Do đó, để hồi phục thị trường bất động sản, các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp tháo gỡ những tồn đọng từ trước đó về cơ chế chính sách để khai thông cho thị trường.

Ông dự báo như thế nào về khả năng phục hồi của của thị trường bất động sản trong thời gian tới?

GS. Đặng Hùng Võ: Sự phát triển của thị trường bất động sản trong tương lai rất khó đoán. Bởi nó còn phụ thuộc vào việc dịch Covid-19 bao giờ chặn lại được. Hiện nay, dịch bệnh ở Trung Quốc, Hàn Quốc đã tạm ổn nhưng ở Châu Âu lại bùng lên mạnh.

Nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát và dừng lại thì ít nhất nửa năm sau đó, thị trường mới bắt đầu phục hồi. Ít nhất phải sang 2021, bất động sản mới bắt đầu hồi phục lại và phát triển. 

Xin cảm ơn ông!