Covid-19 có thể ảnh hưởng tới hơn 10 triệu lao động Việt Nam

Hoài An - 17:35, 22/04/2020

TheLEADERTrong các lĩnh vực, lưu trú và ăn uống có nguy cơ phải đối diện với sự suy giảm đáng kể về sản lượng kinh tế ở mức cao nhất và lao động phi chính thức chiếm tới hơn 81% số lao động của lĩnh vực này.

Covid-19 có thể ảnh hưởng tới hơn 10 triệu lao động Việt Nam
Cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ tác động đặc biệt nặng nề đến lao động phi chính thức. Ảnh: ILO

Tổ chức lao động quốc tế (ILO) trong báo cáo đại dịch Covid-19 với thị trường lao động Việt Nam mới đây ước tính rằng đến cuối quý II năm nay, cuộc khủng hoảng có thể tác động tới sinh kế của 4,6 – 10,3 triệu lao động thông qua giảm số giờ làm việc, giảm lương hoặc mất việc làm.

Cụ thể, theo kịch bản có mức độ tác động lớn hơn khi phần lớn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh vẫn được áp dụng trong quý II, 3,8 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất, 2,6 triệu lao động trong lĩnh vực thương mại bán buôn và bán lẻ, sửa chữa xe gắn máy và xe máy cùng 1,4 triệu lao động làm các dịch vụ lưu trú và ăn uống sẽ bị ảnh hưởng.

Theo kịch bản có mức tác động thấp hơn khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng trong quý II, 1,8 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất, 0,9 triệu lao động trong lĩnh vực thương mại bán buôn và bán lẻ và 0,9 triệu lao động làm các dịch vụ lưu trú và ăn uống sẽ bị ảnh hưởng.

Trong các lĩnh vực, lưu trú và ăn uống có nguy cơ phải đối diện với sự suy giảm đáng kể về sản lượng kinh tế ở mức cao nhất, sau đó đến một số lĩnh vực có nguy cơ trung bình – cao như nghệ thuật, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác; vận tải, kho bãi và truyền thông; bán luôn bán lẻ, sữa chữa xe gắn máy và xe máy cũng như lĩnh vực sản xuất.

ILO lưu ý lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp hiện đang sử dụng tổng cộng 18,9 triệu lao động được đánh giá là lĩnh vực có nguy cơ thấp, nhưng các phân ngành phục vụ xuất khẩu cũng có thể phải đối diện với nhiều thách thức.

Những lao động dễ bị tổn thương

Cuộc khủng hoảng sẽ tác động đặc biệt nặng nề đến lao động phi chính thức. Trong thập kỷ qua, tỷ lệ việc làm phi chính thức đã và đang có xu hướng giảm đi nhưng phần đông lao động cả nước vẫn đang làm việc trong khu vực này.

Trong 5 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19, việc làm phi chính thức chiếm tỷ lệ lớn. Trong những ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, lao động phi chính thức chiếm tới hơn 81%.

Lao động phi chính thức không được hưởng các chế độ phúc lợi cơ bản như khi làm một công việc chính thức, bao gồm cả chế độ bảo trợ xã hội. Nếu họ phải ngừng làm việc do suy thoái kinh tế, ốm đau hay thực hiện giãn cách xã hội, họ sẽ không được tiếp cận mạng lưới an sinh xã hội do Nhà nước chi trả. Hàng triệu người lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam không được bảo vệ sức khỏe và khía cạnh tài chính.

Bên cạnh đó, hơn nửa lực lượng lao động của các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là phụ nữ và chiếm phần đa trên tổng số việc làm của tất cả các lĩnh vực đó. Ngay cả trước khi xảy ra khủng hoảng Covid-19, nhiều phụ nữ là lao động gia đình không được trả lương hơn so với nam giới, và tồn tại chênh lệch tiền lương theo giới.

Cuộc khủng hoảng cũng làm trầm trọng thêm những thách thức mà lao động di cư Việt Nam phải đối diện.

ILO đánh giá Việt Nam đã giải quyết cuộc khủng hoảng y tế liên quan đến Covid-19 một cách quyết liệt và mạnh mẽ, và quan trọng nhất là với mục tiêu bảo vệ tất cả mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Cách tiếp cận đó cần phải được áp dụng để giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội và thị trường lao động. Đây là thời điểm quan trọng phải đảm bảo rằng phản ứng chính sách kinh tế - xã hội được xây dựng một cách bao trùm, dựa trên tham vấn ba bên (Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động), và có thể tác động tới các đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thị trường lao động.

Thời điểm khó khăn này tạo cơ hội cho Việt Nam để thiết lập nền tảng cho con đường tăng trưởng toàn diện hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau, khi công cuộc hồi phục bắt đầu được thực hiện.