‘Covid-19 là cơ hội cho Việt Nam bắt kịp với thế giới’

Phạm Sơn - 13:59, 30/10/2020

TheLEADERNền tảng vĩ mô ổn định, duy trì được niềm tin từ phía người dân cũng như nhà đầu tư quốc tế là liều vắc xin giúp Việt Nam tránh được khủng hoảng dài hạn, chuẩn bị cho thời kỳ bùng nổ mạnh mẽ hơn, bắt kịp với thế giới.

‘Covid-19 là cơ hội cho Việt Nam bắt kịp với thế giới’
Nền kinh tế Việt Nam hiện nay thể hiện ra sức chịu lực tốt hơn nhiều so với thời kỳ khủng hoảng kinh tế 2008 – 2009.

Giữ vững mức tăng trưởng 6 – 7% suốt nhiều thập kỷ, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế năng động hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn thời kỳ bùng nổ kinh tế, với mức tăng trưởng cho năm 2020 được nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế dự đoán rơi vào khoảng 2 – 3% cho những kịch bản lạc quan nhất.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là có sức chống chịu đáng ngưỡng mộ khi vẫn duy trì được tăng trưởng, nhờ vào các phương án ứng phó dịch bệnh được tiến hành nhất quán, kịp thời và nhận được sự ủng hộ của toàn thể nhân dân.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho biết, mặc dù mức tăng trưởng thấp, nền kinh tế Việt Nam hiện nay thể hiện ra sức chịu lực tốt hơn nhiều so với thời kỳ khủng hoảng kinh tế 2008 – 2009. Điều này đến từ sự ổn định trong nền tảng vĩ mô.

Cụ thể, Việt Nam hiện vẫn đang duy trì mức lạm phát dưới 4%, tỷ giá được giữ ở mức ổn định, lãi suất có xu hướng giảm, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công từ những gói chậm giải ngân các năm trước.

“Nền kinh tế vĩ mô ổn định, khả năng khống chế dịch hiệu quả sẽ là yếu tố thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài cũng như kích thích tiêu dùng, đầu tư trong nước khi đại dịch qua đi”, ông Minh nhấn mạnh..

Từ đó, ông Minh nhận xét, trong khi nhiều nền kinh tế lớn vẫn đang vật lộn với khủng hoảng kéo dài, nhờ những nền tảng và lợi thế nhất định, Việt Nam có thể hoàn toàn chớp lấy cơ hội để vươn mình mạnh mẽ sau đại dịch, bắt kịp thế giới.

Chia sẻ góc nhìn tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV cho biết, Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào hiệu lực cũng là một điểm sáng cần được nhắc đến.

“Tác động của EVFTA là rất tích cực, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng nhanh sau 2 tháng, đây là điều hết sức khả quan”, ông Lực nhận định.

Ngoài ra, các xu hướng như dịch chuyển dòng vốn đầu tư, chuyển đổi số, bùng nổ thương mại điện tử cũng sẽ là những bước đệm quan trọng cho sự chuyển mình của Việt Nam hậu đại dịch.

Việt Nam đã, đang và cần tiếp tục đi đúng hướng

Bình luận về nền tảng vĩ mô ổn định, các chuyên gia cho rằng đây là kết quả của những chính sách mang tính bước ngoặt từ năm 2012 – 2013, với mục tiêu tổng quát “kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế” theo Nghị quyết số 11/2011/QH13 của Quốc hội.

Theo ông Minh, mục tiêu này là rất sáng suốt và cần được tiếp tục giữ vững, kể cả trong tình trạng khủng hoảng, vì vậy nên tránh những khoản chi không cần thiết, gây ra gánh nặng cho nền kinh tế.

TS. Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết: “Khả năng chống chịu khủng hoảng của người dân Việt Nam rất tốt, do đặc thù của nền kinh tế, những người lao động, đặc biệt là lao động xuất thân từ các vùng nông thôn có thể quay về địa phương, duy trì được cuộc sống khi rơi vào tình trạng tạm nghỉ hoặc mất việc”.

Từ đó, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị không nên “bắt chước” các quốc gia khác, chi tiêu quá nhiều vào phòng chống dịch mà nên sử dụng các chính sách mang tính dài hạn như giảm thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế trần để củng cố niềm tin của doanh nghiệp, khuyến khích họ đầu tư phát triển.

Điều này cũng phù hợp với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) cho khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Cụ thể, các chuyên gia WB cho rằng, trong bối cảnh nguồn ngân sách bị suy giảm, các chính sách cần căn cứ cụ thể vào tình hình mỗi quốc gia, tránh bỏ lỡ những mục tiêu lâu dài và quan trọng.

Các chính sách phòng chống dịch trong giai đoạn này nên dựa trên những phương án ít gây ảnh hưởng nhất tới kinh tế. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra chỉ đạo không được chủ quan với đại dịch nhưng cũng không thể đóng cửa, mà phải đảm bảo cho cuộc sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cùng với đó, các chuyên gia WB đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư theo hướng ngăn ngừa phá sản và mất việc để tránh gây ra bất ổn liên quan tới phân bổ nguồn lực giữa doanh nghiệp và các ngành nghề, làm mất đi đà phục hồi và tăng trưởng.