Cuộc cách mạng trong giáo dục trẻ em giữa tâm dịch Covid-19

Kim Yến - 10:09, 25/02/2020

TheLEADERTrong thời buổi công nghệ 4.0 đang tràn ngập từ mỗi mái nhà đến từng công xưởng thì ngành giáo dục dường như bị bỏ lại phía sau.

Cuộc cách mạng trong giáo dục trẻ em giữa tâm dịch Covid-19
Brad Nguyen, nhà sáng lập kiêm CEO Joikid

Từng là chuyên gia trong ứng dụng công nghệ VR (thực tế ảo) vào sáng tạo sản phẩm game tại Mỹ, con đường trở về với Brad Nguyen cũng chính là hiện thực hoá giấc mơ tạo dựng một doanh nghiệp cộng đồng theo mô hình kinh tế chia sẻ, để mang đến những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam thông qua giáo dục, bằng mô hình “trường học nâng cao”, tập trung vào học sinh dựa trên công nghệ, biến mỗi bài học thành nhiều cấu trúc bài phù hợp với các loại trí thông minh khác nhau (theo Thuyết đa trí thông minh của nhà giáo dục Howard Gardner).

Mô hình “lớp học đột phá”

Một thực tế rất rõ ràng ở Việt Nam là giáo dục chưa thực sự phát triển tối đa tiềm năng của con người. Tình trạng học theo kiểu tập trung, giáo viên dạy cùng một chủ đề, theo cùng một cách và theo cùng một tốc độ cho toàn bộ học sinh trong lớp sẽ khiến cho nhiều em bị bỏ lại phía sau.

Trong thời buổi công nghệ 4.0 đang tràn ngập từ mỗi mái nhà đến từng công xưởng, thì ngành giáo dục dường như bị bỏ lại phía sau. Vấn đề cơ bản nữa mà trường học đang đối mặt chính là động lực trong học tập, chất xúc tác trong mọi quá trình đổi mới để thành công…

Là người tiên phong mang ứng dụng VR vào sáng tạo sản phẩm game, hình ảnh và video tại Mỹ và Việt Nam, Joikid của Brad Nguyen là một trong những đơn vị đầu tiên ứng dụng công nghệ VR vào sáng tạo nội dung sách, truyện tương tác, chủ đề giáo dục dành cho trẻ em. Tâm huyết với giáo dục, anh muốn tạo ra những chương trình dạy học giá phải chăng mà hiệu quả cho trẻ em.

Dùng VR làm công cụ, chỉ với một bước chạm màn hình, trẻ em sẽ có cả một thế giới để học tập, trò chuyện, sáng tạo nội dung câu chuyện theo hướng của riêng mình. Các bài học được xây dựng theo “Bộ 5 phẩm chất – 10 năng lực cốt lõi trong chương trình đào tạo học sinh phổ thông” của Bộ Giáo dục và đào tạo nên dễ dàng tích hợp với chương trình của các trường công, trường tư, trường quốc tế. Công nghệ làm cho việc học trở nên hấp dẫn và thú vị hơn nhờ thiết kế 3D, công nghệ thực tế ảo VR/AR, giúp học sinh làm phản ứng hóa học không cần phòng Lab, xem hệ mặt trời ngay trong phòng học…

Brad Nguyen cho biết, Joikid muốn tạo ra một thế giới ứng dụng công nghệ thực tế ảo để mang đến những câu chuyện tương tác trực quan giúp trẻ vừa chơi vừa học, phát triển trí tưởng tượng và khả năng tự học. 

Rõ ràng, mạng Internet mở ra những cơ hội học hỏi dành cho trẻ nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro. Những người làm Joikid mơ ước tạo ra một không gian an toàn và có tính tương tác cao. AR/VR được minh chứng là hình thức tiếp nhận thông tin đầy đủ, tương tác cao và sẽ là một công nghệ đột phá trong giải trí và giáo dục. 

Dùng VR làm một công cụ, các nghệ sĩ có thể thoả chí vẽ và sáng tạo những nội dung 3D bằng những ứng dụng như Tiltbrush VR hay Quill VR. Không còn những menu phức tạp trong các phần mềm 3D truyền thống. Các hoạ sĩ có thể di chuyển tự do trong không gian để vẽ 3D. Các sản phẩm của họ sẽ được tối ưu hoá lại và đưa lên app JoiKid cho các bạn nhỏ khám phá.

Vượt qua những chông gai của một startup trong ngành giáo dục

Là chuyên gia phát triển phần mềm với 12 năm kinh nghiệm ở bang Texas, Hoa Kỳ, từng đăng ký làm nhà phát triển của Facebook. Cách đây 3 năm về thăm gia đình, vô tình Brad Nguyen được trải nghiệm công nghệ VR ở một quán cà phê tại Việt Nam, thấy tiềm năng khá lớn, anh đã quyết định startup công ty công nghệ đầu tiên Deamer Land Studio tại Việt Nam để phát triển nội dung VR, cho người dùng trải nghiệm thực tế, tưởng tượng như đang ở trong thế giới thật trong các ngành nghề khác nhau như y tế, giáo dục, phim ảnh…

Quyết định startup công ty thứ hai Joikid đến với anh khá bất ngờ, nhất là khi thấy hai đứa con yêu của mình bước vào ngưỡng cửa tiểu học, cần rất nhiều sự khai sáng của nền giáo dục mới. Cuộc trở về của anh đã mang thêm một ý nghĩa khác, mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, dấn thân hơn.

Chia sẻ về cơ duyên đến với Joikid của mình, Brad Nguyen cho biết, Joikid bản thân nó đã mang ý nghĩa của niềm vui, đó là mô hình khá mới trong giáo dục, tạo ra một thế giới ảo mà khi các em nhỏ bước vào sẽ quên là mình đang học, tự nhiên tiếp xúc với kiến thức một cách hấp dẫn và đầy hình ảnh, có thể gặp gỡ với trẻ em khắp thế giới bằng tiếng Anh, phản xạ rất tự nhiên, và nhớ rất lâu những bài học đó.

Trong việc học tiếng Anh, điều khó nhất của trẻ con là sợ hãi khi mình nói sai, thầy cô không hiểu. Nỗi sợ đó sẽ hoàn toàn biến mất khi các em được biến thành con gấu, con thỏ, gặp người nước ngoài như bạn hươu, bạn sóc, có thể nói chuyện thoải mái không ngại ngùng gì cả, nói sai cũng kệ, không sợ ai cười mình. 

Ngoài phản xạ bằng tiếng nói, các em còn được phản xạ bằng hình ảnh, cá quá trình đó diễn ra rất tự nhiên, vượt qua giới hạn về địa lý, thời gian, không gian… Một bạn Việt Nam có thể tiếp xúc với người bạn ở Mỹ, Anh, Pháp…

"Mình muốn đem về công nghệ đó về Việt Nam, tập trung vào đối tượng con nít. Con mình đang ở độ tuổi vào lớp 1, các đối tác của mình cũng thế, nên có sự đồng cảm rất cao. Joikid nhằm tạo công cụ cho ba mẹ, học sinh, cô giáo có cách học và dạy vui hơn. Trẻ con bây giờ hầu như đều đứng trước vấn nạn say mê điện thoại, iPad, làm sao cho bớt ảnh hưởng tiêu cực? Vì con nít cũng học ở đó rất nhiều.

Hiện chúng tôi đang tập trung phát triển nội dung bài học về toán, vật lý, tiếng Anh, xã hội học như giữ gìn vệ sinh, môi trường, cơ thể… cuối bài đều có trắc nghiệm để đánh giá trẻ con, có thưởng như củ cà rốt, các em sẽ dùng cà rốt mua sách vở, bút, áo, tạo cho các em có động lực, vừa học vừa kiếm được tiền”, Brad Nguyen nói.

Nhưng làm thế nào để hiện thực hoá những bài học đó bằng ngôn ngữ, văn hoá Việt Nam? Đội ngũ chất xám nào có thể kết hợp giữa khả năng sáng tạo nghệ thuật với thực tế ảo để biến những bài học khô cứng trở nên sống động hơn? Làm thế nào để thâm nhập vào các hệ thống trường công và trường tư… là cả một thách thức lớn với một startup trong lĩnh vực giáo dục.

Brad Nguyen chia sẻ: “Từng là người phát triển phần mềm cho ngành bán lẻ bên Mỹ, tôi hiểu hơn ai hết cách để làm cho khách hàng trung thành với một thương hiệu. Nước ứng dụng hiệu quả nhất công nghệ giáo dục thực tế ảo hiện nay là Hàn Quốc. Tham gia triển lãm giáo dục của họ, tôi thấy chính phủ hỗ trợ rất nhiều cho những startup đưa công nghệ vào phục vụ giáo dục. Mình mong tìm hiểu, ứng dụng và thử nghiệm ở Việt Nam.

Để bước vào hệ thống trường công, tôi chọn một vài trường điểm, áp dụng một số công nghệ đã từng được sử dụng trong lĩnh vực bán lẻ như dùng trí tuệ nhân tạo để hiểu về khách hàng của mình, công nghệ này thực ra được ứng dụng rất ít vào giáo dục. Mình cố gắng làm sao cho mỗi đứa bé có một chương trình, bài học, cách giải thích từng bài học khác nhau…

Đội ngũ chất xám là các hoạ sĩ, nhà văn, những người đã từng dạy học, viết truyện tranh cho con nít… sẽ sáng tạo ra những bài trắc nghiệm không khô khan theo truyền thống, mà được vẽ ra bằng những hình ảnh sinh động. Tuy tốn công, về lâu dài sẽ tạo ra kho dữ liệu rất tốt.

Khó nhất là tiếp cận được với các mô hình giáo dục khác nhau tại Việt Nam. Cách làm của mình thì… muôn hình muôn vẻ. Có nhiều hướng khác nhau, tiếp xúc các phụ huynh ở trường quốc tế, các khoá học thêm về tiếng Anh, tạo robot”.

Joikit - Cuộc cách mạng trong giáo dục trẻ em
Joikid muốn tạo ra một thế giới ứng dụng công nghệ thực tế ảo để mang đến những câu chuyện tương tác trực quan trong giáo dục.

Với triết lý quan trọng nhất đặt học sinh là trung tâm để phục vụ. Học là phải vui, làm thế nào để triển khai triết lý đó là cả một thách thức lớn với tư duy giáo dục đã lỗi thời.

“Cũng phải đi từng bước nhỏ, mình có lợi là người đi sau, xem được các ngành khác chuyển động thế nào để học hỏi. Tôi rất bất ngờ khi thấy phụ huynh chính là người tác động rất lớn vào trường học, ví dụ trường Lê Quý Đôn đã áp dụng rất nhiều công nghệ vào trường học. Nói chuyện với các trường quốc tế, tôi thấy họ cũng rất cần, nhất là các chương trình dạy theo chuẩn quốc tế, tìm giáo viên chuẩn rất khó. Họ muốn có công cụ để hỗ trợ giáo viên dạy các bé theo kiểu tự học, hoàn toàn bằng tiếng Anh. Các bé khi hiểu bằng tiếng Anh hoàn toàn có thể lên mạng tìm hiểu chuyên sâu bằng tiếng Anh thì lượng cơ sở dữ liệu sẽ lớn hơn rất nhiều.

Chúng tôi đang làm việc riêng với các trường để làm thế nào thay đổi cách dạy, cách học. Rất khó vì ban đầu họ sẽ phản kháng, như thể bắt họ làm thêm công việc, nên phải tạo ra cách để họ cảm thấy dễ dàng như cách họ dùng mạng xã hội.

Thứ hai, về phần thiết kế, chúng tôi sẽ tạo không gian mở để ngoài các bạn trong studio ra, người bên ngoài cũng có thể vào tham gia làm nội dung, chia sẻ lợi nhuận, cảm giác đầu tư chính đáng. Đây là mô hình kinh tế chia sẻ mới như Youtube, Uber, Grab… Tôi muốn làm mô hình này cho giáo dục, để có thể kết nối với các nhà giáo dục khắp toàn cầu như Nhật, Hàn Quốc…mở ra giới hạn về địa lý.

Hiện tại đã có trường đề nghị xây dựng chương trình dạy về khoa học, tài liệu đến từ Oxford, để xây dựng các bài tương tác, cách dạy khác đi. Một số trường đã dạy bằng video, mình muốn phát triển hơn bằng trí tuệ nhân tạo như mô hình ở Hàn Quốc, trong lớp học hoàn toàn không có giấy bút, các bé học gì giáo viên biết được hết, tương tác rất nhanh.

Để thay đổi quy trình dạy ở Việt Nam rất khó, trước hết là bằng mối quan hệ của mình, sau khi chứng minh nó thực sự tốt mới có thể nhân rộng. Tuổi đời của Joikid còn rất trẻ, 6 tháng nữa mới có thể hình thành lượng bài học đã được kiểm định, sau đó sẽ phát triển nhanh hơn”, Brad Nguyen cho biết thêm.

Bộ ba 8X Brad Nguyen - Nguyễn Tiến Huy - Đỗ Thái Thanh

Joikid được tạo dựng bởi thế “kiềng ba chân” khá vững chắc. Đảm nhận về phát triển nền tảng công nghệ chính là Brad Nguyen, người từng được biết đến với không gian 3D của điện Thái Hoà trong một triển lãm tại Úc, khiến các bạn ở Úc rất bất ngờ. Khách nước ngoài có thể đeo kính vào Điện Thái Hoà, cảm nhận như thực tế.

Anh cũng từng làm trải nghiệm về ô nhiễm môi trường, hợp tác với “Loài Plastic”, khách tới được dùng túi nhựa, biến thành quái vật dễ thương cho các bé trong trường được trải nghiệm… Mua bản quyền 48 cuốn sách của Hàn Quốc, phát triển lên thành những bài học tương tác như những trò chơi, trong thời gian ngắn anh đã phát hành bộ trò chơi giáo dục này.

Mỗi sản phẩm anh đều cố gắng tạo ra một hệ sinh thái, ba mẹ muốn con học tiếng Anh sẽ tìm ra những bài học về tiếng Anh, học về hội hoạ sẽ tạo ra hệ thống bài học về hội hoạ… Mục tiêu của anh là xây dựng hệ thống bài học chỉn chu để bán ở Việt Nam và nước ngoài.

Nguyễn Tiến Huy, nổi tiếng trong giới startup là một chuyên gia trong lĩnh vực marketing, vừa là giáo viên, vừa là CEO một công ty riêng. Huy là cánh tay phải đắc lực của Brad Nguyen trong marketing. Bên cạnh anh còn có Đỗ Thái Thanh phụ trách phần nội dung và hình ảnh, từng làm cho Vinagame, từng dạy hội hoạ…

“Ý tưởng khởi nghiệp Joikid bắt đầu từ tôi, một người chuyên nghiên cứu công nghệ, cảm thấy mừng lắm, giống như nhà khoa học phát minh ra được điều gì đó, tạo ra nội dung thử nghiệm. Tìm những bạn biết vẽ trên mạng, tôi may mắn phát hiện ra hoạ sĩ Thanh, mê làm giáo dục, cách vẽ dễ thương, quen làm truyện tranh con nít cho các nhà xuất bản. Về đây, Thanh được thoả chí sáng tạo cho con nít, vừa học vừa chơi.

Sau đó là Huy, một CEO công ty truyền thông có tiếng, Huy cũng nhận ra cần làm cái gì đó cho con nít, và có dự án riêng của mình. Ban đầu Huy đặt hàng tôi sản xuất nội dung. Khi liên lạc, thấy đồng cảm quá, tôi chia sẻ ngược lại với Huy, làm buổi thuyết trình dự án với công ty Huy. Huy rất hứng thú. Sau 3 tuần bàn chi tiết, lên kế hoạch, chúng tôi đã tạo nên Joikit. Làm công nghệ phức tạp, tốn chi phí phát triển, nhiều startup khác quan tâm yêu thích, nhưng đụng vô công nghệ họ sợ lắm.

Nhóm làm việc này tôi thấy hiệu quả nhất so với các startup trước kia của mình. Nếu những bạn kia cũng là dân công nghệ giống tôi sẽ dễ cãi lộn. Mỗi bạn có chuyên môn riêng, tự chịu trách nhiệm. Chắc chắn mỗi bạn có định hướng khác nhau, người làm nội dung bao giờ cũng muốn phải đẹp, phải đỉnh, người làm kinh doanh thì trước tiên là phải làm sao bán được ngay, tạo được dòng tiền để làm động lực phát triển tiếp. Mình phải dung hoà để anh em có động lực, mỗi đứa đều từng làm công ty lớn, hiểu vấn đề nên dễ giải thích.

Hiện tại mô hình này khá mới mẻ, nhưng tôi tin trong tương lai ai cũng lo cho con cái mình, khi bắt đầu có tiền, tiếp cận nhiều thông tin thế giới, họ sẽ hiểu được nếu con định hướng sớm sẽ tốt hơn là bắt con học như cái máy.

Chính nhờ sự kết nối ba thế mạnh khác biệt ấy nên Joikit khá mạnh khi làm việc cùng các nhóm khác. Startup giáo dục đòi hỏi khá nhiều tiền bạc, thời gian, nhờ có sự kết hợp này mà chúng tôi rút ngắn nhiều đầu tư, rất mạnh dạn, có thể làm những nhiệm vụ bất khả thi”, anh chia sẻ.

Đề cập đến dịch Corona đang khiến cho ngành giáo dục bị đình trệ, Brad Nguyen cho biết, nhu cầu dạy online, áp dụng công nghệ, thực tế ảo rất lớn, nhất là như hiện nay, khi dịch bệnh kéo dài, các con có thể học ở nhà vẫn tạo 70% hiệu quả, khi ba mẹ đi làm. Công ty đang đẩy mạnh tiến độ thời điểm này, thí điểm liền khi có đối tác cần, sẽ đỡ chi phí hơn. 

Hiện các trường rất đau đầu trả lương cho thầy cô thế nào trong mùa dịch, mọi thứ xoay đổi hết, các giáo viên nước ngoài đâu có đợi mình. Họ đang tìm các phương thức khác nhau, dùng Facebook, Yuotube, Zalo… nhưng đâu biết các em học thế nào, làm sao điều phối nội dung cho phù hợp? Nhu cầu rất lớn, làm sao tạo thói quen cho người dùng mới cảm nhận hiệu quả.

"Ngày xưa đâu ai nghĩ ba mẹ mình có thể dùng Zalo, Facebook để gửi tấm hình cho cả gia đình đâu. Mình không dám nói sẽ thay thế hoàn toàn công cụ giáo dục, chỉ hy vọng tìm các đối tác quan tâm giáo dục để cùng tham gia, ai cũng có hoài bão riêng, làm sao tạo ra nhiều mảnh ghép khác nhau… để tạo nên một hệ sinh thái giáo dục bằng công nghệ, đó là sự kết hợp rất tốt để làm cho con nít”, anh cho biết.

Mong muốn truyền tải mô hình doanh nghiệp cộng đồng

Dùng chính con mình để làm “chuột bạch”, sau một thời gian áp dụng cách học mới, Brad Nguyen thấy sự học tương tác hiệu quả gấp 7 - 8 lần, con hết sạch cảm giác ngán học, thấy hứng thú hơn hẳn, đầy cảm xúc.

Hỏi anh vì sao thành danh bên Mỹ, có cuộc sống khá ổn định, lại về Việt Nam startup giáo dục, một lĩnh vực mạo hiểm vì “đốt tiền” nhanh mà rủi ro rất cao. Anh cười thật tươi: “Cũng do tính người thôi. Sang Mỹ 16 năm, từng học cử nhân công nghệ phần mềm tại Houston, tiểu bang Texas, sau đó học cao học về truyền thông. Khi ra trường đi làm thuê cho các công ty như một kỹ sư phần mềm, rồi làm quản lý, tôi học hỏi nhiều hơn để phát triển phần mềm cho điện thoại… Từng quản lý đội ngũ công nghệ phục vụ chính phủ, y tế, giáo dục, bán lẻ… Nhóm làm việc của tôi bên Mỹ có người Việt, người nước ngoài, tôi thấy nhóm Việt Nam rất giỏi về công nghệ, đó là điểm cộng.

Tôi từng mở vài startup ở Mỹ, rất tốn tiền cho chi phí nhân viên, văn phòng… Mình là người châu Á, khả năng bán hàng có giới hạn. Bài học thất bại lớn nhất với tôi là nhân tố con người. Giai đoạn startup cần tìm người có cùng đam mê, nhưng để giữ lửa rất khó, một thời gian các bạn nhảy việc chỗ khác… Mỗi người chỉ giỏi một lĩnh vực thôi, phải tìm những người bạn đồng hành, nhưng họ phải đủ mức sống để chấp nhận startup mạo hiểm, còn startup mà đứa nào cũng nghèo khó thì tiêu rất nhanh, vì công nghệ đốt tiền giữ lắm.

Chính vì thế lần này tôi chủ động tìm những bạn có gia đình, có hoài bão. May mắn nữa là về phía gia đình, ba mẹ, các chị tôi cũng đều ở đây. Gia đình xum vầy, con được học về văn hoá Việt Nam, khiến mình quyết tâm hơn, đặc biệt có sự đồng thuận của bà xã. Bà xã cũng khuây khoả khi thấy con cái đi học vui vẻ, hoà đồng. Cú xoay chuyển này tôi thấy khó khăn cũng đáng cho mình hy sinh

Một chi tiết nhỏ làm tôi vui. Mấy đứa con khi ở bên kia, các cô giáo chia sẻ con ngại tiếp xúc, sợ con bị tự kỷ, không dám chơi với các bạn. Giờ các con hoà đồng lắm, sáng chưa được đi học, con đã nói nhớ bạn rồi”.

Ở thời điểm này của cuộc đời, chọn con đường dấn thân cho giáo dục, Brad Nguyen hiểu rằng định hướng đúng, nhưng đừng làm kế hoạch quá lớn để bản thân gánh nặng, mà cần tạo ra những bước đi nhỏ, kết hợp truyền thông.

“Bất kỳ ngành nào cạnh tranh cũng rất lớn. Startup bằng công nghệ cũng đã trễ rồi, mình không phải làm cái gì lớn lao lắm, phải tạo hiệu quả bằng những dự án nhỏ để tạo động lực cho cả team. Được cái các bạn đều có cộng đồng riêng, có tầm nhìn, có kinh doanh riêng, và hiểu dự án liên quan văn hoá giáo dục như làm một việc tốt.

Huy đưa dự án dạy con nít bảo vệ thân thể, giáo dục giới tính, những việc rất khó dạy, mà cả thế giới quan tâm, chuyển thành những bài học dễ thương. Dự án cộng đồng vừa làm vừa kêu gọi, được nhiều người ủng hộ, tạo hồ sơ công ty tốt hơn.

Điều quan trọng nhất là phải truyền lửa cho các bạn hiểu mô hình này sẽ tạo đột phá trong xã hội, các bạn được đóng góp, rất mê, để thấy mình là một phần của thế giới. Các bạn cũng được tham gia các sự kiện của Facebook, để nhiều người biết chuyện mình đang làm, có duyên gặp được nhiều người cùng chí hướng hơn.

Tuy nhiên có bạn không tiếp nhận được đam mê thì rời đi, nhưng các bạn đam mê nghệ thuật, văn hoá, hoàn toàn có thể đóng góp xây dựng nội dung. Tới trường Văn Lang, FPT, Hoa Sen… khi mình giới thiệu công nghệ với khoa mỹ thuật, các bạn rất thích, làm một phim hoạt hình bây giờ không quá phức tạp, có thể làm trong 1-2 tuần, như mơ vậy đó”.

Chia sẻ về mơ ước lớn nhất của đời mình, Brad Nguyen có vẻ trầm tư hẳn: “Khi xa người thân, sống làm việc bên Mỹ, kiếm sống cũng đơn giản thôi, không hiểu sao trong người mình có gì đó cứ nhớ nhà, có lẽ do khoảng thời thơ ấu có quá nhiều kỷ niệm ở quê nhà. Tới khi lớn chợt nhận ra kỷ niệm không bao giờ quên được.

Có con rồi, tôi muốn con cũng có được những kỷ niệm như mình, các bạn Việt Nam ở Mỹ cũng rất cố gắng cho con cái mình có văn hoá Việt Nam. Khi về Việt Nam, thấy đất nước đang phát triển rất tốt, bạn bè mình quay về nước đầu tư làm ăn nhiều, bỏ công sức và tâm huyết. Tôi nhìn ra được cơ hội, phục vụ cho chuyện con mình, cũng được ảnh hưởng bởi người thân, trong lúc mình xây dựng ước mơ riêng thì quá tốt, coi như đóng góp cho xã hội xây dựng nền tảng cho con.

Văn hoá phương Tây cũng có cái tốt, cái xấu, tạo cho mỗi con người tự giác, quan tâm bản thân nhiều hơn, nhưng tới lúc tôi thấy ranh giới giữa cái đúng cái sai mong manh quá. Rất khó để dạy con mình sự hiếu thảo, trân quý mối quan hệ gia đình. Điều đó làm tôi trăn trở, thao thức. Về đây, nhờ sống bên ba mẹ và gia đình nên đã giải quyết được một phần nào. Tôi luôn cố gắng mỗi ngày về tới nhà cho con chạy xe đạp, bơi cùng con… Ai cũng qua giai đoạn đó, khi có con giật mình nhận ra quá nhiều thứ để lo, có giây phút cứ ngó con cười sao thấy dễ thương như vậy, đó là hạnh phúc bình dị nhất.

Bây giờ, các nước phát triển người ra rất sợ có con, vì thấy trách nhiệm cha mẹ lớn quá. Tôi mong muốn truyền tải mô hình doanh nghiệp cộng đồng, tôi không dấu cách làm ra một sản phẩm, mà sẵn sàng chia sẻ với bên ngoài để tìm kiếm đối tác, muốn ai cũng có thể tham dự vào nội dung này. 

Joikid đang liên lạc với các đối tác bên ngoài để mở rộng mô hình thành công ty đa quốc gia, đó là cách dễ làm nhất, phát triển nhanh nhất. Đó là cách tự phát triển, tự đào thải, để phục vụ tốt nhất cho cộng đồng, sử dụng sức mạnh của cộng đồng”.