Cuộc đua tăng CASA của các ngân hàng

Trần Anh - 15:02, 07/10/2019

TheLEADERTiền gửi không kỳ hạn (Current Account Savings Account- CASA) là nguồn vốn chi phí thấp mà các ngân hàng đang tìm mọi cách để gia tăng.

Từ năm 2018, các quy định chặt chẽ hơn về vốn (Basel 2, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn) sẽ khiến việc mở rộng biên lãi ròng của các ngân hàng trở nên khó khăn. Về nguồn vốn đầu vào, các ngân hàng phải cạnh tranh huy động bằng việc nâng lãi suất tiền gửi khách hàng cũng như đẩy mạnh phát hành trái phiếu dài hạn.

Xu hướng tăng chi phí vốn bình quân rõ rệt nhất ở TPB, VIB - các ngân hàng đẩy mạnh cho vay rất cao trong thời gian gần đây, theo sau là BIDV, MB, VPBank, và HDBank.

Để kiểm soát chi phí vốn, việc duy trì tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (tỷ lệ CASA - Current Account Savings Account) đóng một phần quan trọng. Tiền gửi không kỳ hạn là nguồn vốn chi phí thấp và nếu có thể duy trì được tăng trưởng tốt so với tổng huy động thì sẽ có khả năng bù đắp cho việc tăng chi phí từ huy động có kỳ hạn và phát hành trái phiếu.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thống kê, những ngân hàng như BIDV, VPBank, MB, VIB có xu hướng CASA giảm khá rõ kể từ cuối 2017, cùng với đó chi phí vốn bình quân cũng đang có xu hướng tăng lên. Trong khi đó, CASA tăng khá tích cực ở Techcombank, kéo theo chi phí vốn được cải thiện nhiều vào nửa đầu năm nay.

BCA – ngân hàng với tỷ lệ CASA xấp xỉ 80%

Ðể tăng CASA, nhiều ngân hàng trên thế giới đã phát triển hệ thống thanh toán hiện đại, có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng nhằm tăng cường số lượng các giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng. Mục tiêu đơn giản đó là làm sao để khách hàng gần như không bao giờ cần phải rút tiền ra để thực hiện bất kỳ một giao dịch nào.

Một trong các ngân hàng giao dịch tiêu biểu đó là Bank Central Asia (BCA). BCA hiện là một trong 4 ngân hàng lớn nhất Indonesia, với hoạt động cốt lõi tập trung vào mảng thanh toán bên cạnh việc cho vay và cung cấp các giải pháp tài chính khác cho khách hàng.

Năm 2018, thu nhập hoạt động của BCA tăng trưởng 10,6% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận tăng trưởng 10,9%.

Theo BCA, ngân hàng có thể duy trì tăng trưởng năm 2018 tích cực trong bối cảnh thanh khoản thắt chặt và lãi suất tăng ở Indonesia là nhờ khai thác hiệu quả các lợi thế của mình. Việc đầu tư phát triển các nền tảng công nghệ và khả năng đổi mới cũng như việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ được phát triển trên nền ngân hàng số giúp BCA phục vụ tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng và trở thành ngân hàng giao dịch chính.

Nhờ đó, BCA duy trì được tỷ lệ CASA rất cao và ổn định (đạt 76,7% vào cuối năm 2018) từ đó đóng góp vào nguồn vốn rẻ và biên lãi ròng cao. Chiến lược này giúp BCA được định giá rất cao so với các ngân hàng khác tại Indonesia.

Ở Việt Nam, Vietcombank là ngân hàng có một số điểm tương đồng với BCA, như hệ số định giá, vai trò ngân hàng thanh toán hàng đầu và hệ số CASA ở mức cao.

Vietcombank luôn là ngân hàng dẫn đầu trong lĩnh vực thẻ và thanh toán với 13% thị phần thẻ quốc tế và 19% thị phần thẻ nội địa. Số lượng người dùng ngân hàng điện tử cũng tăng rất nhanh và đạt 10,6 triệu người dùng dịch vụ SMS Banking, và 6,2 triệu người dùng dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ngân hàng di động vào cuối năm 2018.

Khối lượng thanh toán thẻ của Vietcombank năm 2018 là 114,2 nghìn tỷ, tăng 31% so với năm trước. Thị phần dẫn đầu, thương hiệu mạnh, mạng lưới đối tác lớn, hệ thống ngân hàng lõi được nâng cấp gần đây là những yếu tố quan trọng giúp Vietcombank tiếp tục có lợi thế trên thị trường thẻ và thanh toán, nhờ đó duy trì được hệ số CASA liên tục ổn định ở mức 30%.

Chiến lược của các ngân hàng tư nhân

Mặc dù vậy, điểm yếu dễ thấy của Vietcombank đó là hệ thống thanh toán trực tuyến chưa thực sự thuận lợi và phí dịch vụ cao nhất ngành ngân hàng. Nhận ra điều đó, một số ngân hàng đã theo đuổi chiến lược ngân hàng số, chú trọng mở rộng thanh toán để cải thiện CASA.

Techcombank có thể xem là ngân hàng tư nhân đầu tiên tập trung xây dựng các lợi thế về thanh toán và số hóa với mục tiêu trở thành ngân hàng giao dịch chính. Là ngân hàng đi đầu trong lĩnh vực cho vay mua nhà, mục tiêu của Techcombank đó là khách hàng không chỉ duy trì số dư để trả nợ vay bất động sản, mà còn duy trì số dư cho nhiều hoạt động chi tiêu khác như vay mua ô tô, điện thoại, tiêu dùng,...

Kể từ tháng 9/2016, nhiều chương trình khuyến mãi cho khách hàng đã được áp dụng như miễn phí các giao dịch trên ngân hàng điện tử/ngân hàng di động, miễn phí quản lý tài khoản nếu số dư bình quân hàng tháng đạt trên 2 triệu đồng, hay chính sách hoàn tiền không giới hạn khi chi tiêu qua thẻ.

Theo Techcombank, nhờ những chương trình này mà ngân hàng đã có tăng trưởng đáng kể về mảng thanh toán và CASA. Các số liệu của ngân hàng cho thấy số lượng khách hàng sử dụng ngân hàng điện tử cuối quý 2/2019 là hơn 2 triệu người, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, còn tổng giá trị giao dịch ngân hàng điện tử trong 6 tháng đầu năm là hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 3 lần so với cùng kỳ. Cùng với đó, CASA được cải thiện từ mức 22,7% của năm 2016 lên 30,4% vào cuối quý 2/2019, giúp giảm chi phí vốn và trở thành một trong những ngân hàng có tỉ lệ CASA cao nhất Việt Nam.

Cho đến gần đây, nhiều ngân hàng tư nhân khác bắt đầu học theo chiến lược khuyến mãi phí tài khoản và thanh toán ở các mức độ khác nhau. VIB có chính sách miễn phí chuyển tiền, rút tiền cho khách hàng mới hoặc tài khoản thanh toán có số dư bình quân đạt mức tối thiểu 5 triệu đồng. Ngân hàng cũng miễn phí dịch vụ và hoàn tiền qua thẻ với khách hàng sử dụng một số gói tài khoản mới.

Tương tự, VPBank có chính sách miễn phí chuyển tiền trong 3 tháng cho khách hàng kích hoạt dịch vụ ngân hàng điện tử trong một thời hạn nhất định. ACB cũng xác định đẩy mạnh CASA là ưu tiên sắp tới với mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 25% vào năm 2021. Theo đó, ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi số tài khoản có tiền gửi thanh toán trong 2 năm tới lên 5 triệu tài khoản, thông qua việc mở rộng cả kênh vật lý và trực tuyến, đồng thời miễn phí chuyển tiền trên ứng dụng mobile banking.

Mặc dù miễn phí giao dịch là cách để tăng CASA hiệu quả, song nó cũng phải đánh đổi khi các ngân hàng phải hi sinh thu nhập từ phí dịch vụ.

Các chính sách miễn phí cũng làm hạn chế tăng trưởng thu nhập từ hoạt động thanh toán và chính sách hoàn tiền cũng khiến chi phí thanh toán tăng nhanh hơn. Đối với trường hợp của Techcombank, thu thuần từ thanh toán của Techcombank chỉ tăng không đáng kể so với các ngân hàng khác.

Techcombank cho biết, hiện nay phần chi phí vốn tiết kiệm được nhờ tăng CASA chỉ đủ bù đắp phần tăng lên của chi phí thanh toán, tức ngân hàng chưa thu được lợi nhuận trực tiếp từ việc này. Như vậy, thực tế lợi ích thu được chủ yếu sẽ là gián tiếp trong dài hạn, như mở rộng thu hút khách hàng và tăng cường sự gắn bó với ngân hàng.

Hiện tại, MBB và VCB vẫn đang là những ngân hàng có mức CASA cao dẫn đầu ngành và chi phí vốn bình quân thấp nhất trong ngành. Tuy nhiên, VDSC nhận định, với những nỗ lực của các ngân hàng tư nhân khác, cạnh tranh về CASA sẽ ngày càng lớn dần. Điều này đồng nghĩa với việc đầu tư ngân hàng số và chính sách khuyến khích phí một mặt có thể giúp các ngân hàng hỗ trợ CASA nhưng cũng sẽ làm tăng chi phí hoạt động và chi phí thanh toán. Để duy trì tính bền vững, các ngân hàng sẽ cần có chiến lược đầu tư và cạnh tranh hiệu quả để duy trì CASA và thu được lợi ích trong dài hạn.