Bất động sản
'Đại bàng' về xây tổ, bất động sản Hà Nam vào chu kỳ mới
Như một cô gái đẹp ngủ quên, Hà Nam bắt đầu được đánh thức bởi những dự án bất động sản quy mô lớn.
Những ngày gần đây, những người làm môi giới nhà đất tại Hà Nam chộn rộn hơn bao giờ hết. Không chỉ có người địa phương mà những môi giới từ Hà Nội cũng đang đổ về đây đón sóng đầu tư bất động sản đang manh nha trỗi dậy.
Sức hút của tỉnh Đồng bằng sông Hồng này ngày càng tăng sau khi những thông tin về những dự án bất động sản quy mô lớn dần được hé lộ.
Thu hút sự chú ý nhất hiện là dự án khu đô thị rộng gần 200ha do Công ty CP Mặt trời Hà Nam - thành viên của Sun Group - làm chủ đầu tư. Mặc dù chưa công khai kế hoạch đầu tư và bán hàng, nhưng với tên tuổi của Sun Group đã gây dựng trên thị trường bất động sản, những người làm môi giới kỳ vọng dự án sẽ tạo nên làn sóng đầu tư mới.
Ngoài Sun Group, Hà Nam cũng đón nhận thêm các tên tuổi mới về đầu tư. Chỉ ít ngày nữa, Taseco Land sẽ khởi công dự án khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III phía đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Dự án khu công nghiệp này được Chính phủ phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư cuối năm ngoái với quy mô sử dụng đất 223 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.320 tỷ đồng.
Những tên tuổi mới này sẽ cùng các doanh nghiệp đã hiện diện như Flamingo Holdings, CEO Group kích hoạt chu kỳ mới cho thị trường bất động sản Hà Nam.
Bệ đỡ hạ tầng – công nghiệp
Hiện tại, Hà Nam đã và đang tiếp tục duy trì định hướng phát triển dựa trên nền tảng công nghiệp, hạ tầng và đô thị nhằm tối ưu tiềm năng về vị trí, điều kiện tự nhiên cũng như đáp ứng yêu cầu hoàn thiện các bản quy hoạch, kế hoạch chuyên ngành.
Hạ tầng giao thông vốn là một trong những yếu tố góp phần tạo nên giá trị của bất động sản. Về điểm này, Hà Nam sở hữu vị trí giàu tiềm năng khi giáp ranh Hà Nội, là đầu mối giao thông kết nối cửa ngõ phía Nam Thủ đô với các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Về đường sắt, Hà Nam là một trong 21 tỉnh có tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua. Mới đây, dự án nâng cấp tuyến đường sắt này, trong đó có đoạn qua TP.Phủ Lý được chấp thuận nghiên cứu, thẩm định cũng bổ sung tích cực vào bức tranh hạ tầng giao thông đang dần cải thiện.
Về đường thủy, Hà Nam sở hữu 196 km đường sông và 18 cảng, trong đó sông Hồng bốn cảng và sông Đáy 14 cảng nằm trong quy hoạch cảng nội địa phía Bắc, tạo thành một mạng lưới giao thông khép kín, giúp thuận tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Đặc biệt, về đường bộ, ngoài tám tuyến quốc lộ hiện hữu giúp thuận tiện kết nối với Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Hà Nam cũng được quy hoạch thêm ba tuyến cao tốc kết nối với tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Phủ Lý - Nam Định và đường Vành đai 5 Thủ đô Hà Nội.
Những tuyến giao thông này được coi là những bước đột phá về hạ tầng, góp phần mở lối giao thương giữa Hà Nam với các khu vực lân cận, qua đó tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản.
Vị trí địa lý thuận lợi đã đưa Hà Nam 'lọt mắt xanh' của các nhà sản xuất công nghiệp và đưa công nghiệp trở thành một trong những lĩnh vực then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam, các khu công nghiệp của tỉnh đã thu hút gần 500 dự án đầu tư, trong đó 341 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 4,9 tỷ USD, với 285 dự án FDI đi vào hoạt động, kinh doanh và 56 dự án đang trong quá trình xây dựng.
Đồng thời, Hà Nam ghi nhận 82 doanh nghiệp Nhật Bản và 108 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư hoạt động hiệu quả, mang lại cơ hội việc làm cho hàng trăm nghìn lao động địa phương.
Các khu công nghiệp cũng không ngừng được mở rộng và xây mới để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Khu công nghiệp Đồng Văn, Khu công nghiệp Châu Sơn và Khu công nghiệp Hòa Mạc.
Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Hà Nam cũng đặt mục tiêu tỉnh sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao của vùng.
Ngoài 10 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.000ha, Hà Nam dự kiến thành lập mới 14 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 3.500ha, thành lập mới 14 cụm công nghiệp và cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 805ha.
Không chỉ vậy, bất động sản công nghiệp Hà Nam càng trở nên hấp dẫn giới đầu tư nhờ tác động lan tỏa từ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ mới, theo đó, khu vực phía Nam Hà Nội sẽ trở thành một cực phát triển quan trọng.
Các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức của Hà Nội được quy hoạch trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh hiện đại; là trung tâm đầu mối tiếp vận hậu cần lớn của Hà Nội kết nối khu vực phía Nam. Hà Nội cũng xác định sẽ nghiên cứu thành lập thêm thành phố phía Nam.
Đây là lý do khiến nhiều "đại bàng" đã tìm về Hà Nam xây tổ thông qua những dự án khu công nghiệp cũng như các dự án nhà ở, khu đô thị tổ hợp dịch vụ phục vụ đi kèm với quy mô đáng kể.
Chỉ báo về lực hút đầu tư vào công nghiệp nơi đây đã góp phần lý giải nguyên nhân vì sao nhiều "đại bàng" không hẹn mà gặp tại bản đồ bất động sản Hà Nam.
Sẵn sàng đón sóng trong bối cảnh mới
Nhịp đập dồn dập của bất động sản công nghiệp cũng đồng pha với phát triển của bất động sản nhà ở, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của đội ngũ chuyên gia nước ngoài cùng người lao động làm việc tại Hà Nam.
Đòi hỏi này, cũng vừa là động lực thúc đẩy sức hút mạnh mẽ của thị trường bất động sản Hà Nam, nhất là khi tỉnh đang dồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, mở rộng không gian đô thị để vươn mình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035.
Dự kiến đến năm 2025, tổng số dân ở Hà Nam là 971.600 người, trong đó dân đô thị khoảng 461.200 người, tỷ lệ đô thị hóa 47,5%.
Vài năm trở lại đây, Hà Nam được ví như 'cô gái đẹp ngủ quên' bởi xét về vị trí địa lý, vai trò và tiềm năng phát triển công nghiệp cũng như bất động sản nhà ở đô thị, Hà Nam có thể sánh vai cùng Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang hay Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thị trường bất động sản Hà Nam thời gian qua vẫn chưa sôi động trong bối cảnh sóng đầu tư sôi sục ở các địa phương khác.
Thậm chí, khi nhà đất vào cơn sốt hơn ba năm trước, giá đất nền - phân khúc chủ đạo của thị trường bất động sản Hà Nam - vẫn lừng khừng ở ngưỡng 15-20 triệu đồng/m2.
Ở khu vực trung tâm như thành phố Phủ Lý, mức giá cũng khó vượt qua ngưỡng 40 triệu đồng/m2. Vì thế, mặt bằng giá đất nền nói chung của Hà Nam đang bị bỏ khá xa so với những địa phương “xếp cùng hạng” về vị trí, tốc độ phát triển công nghiệp và hạ tầng khớp nối tốt.
Việc “bị bỏ lại” về chất lượng lẫn tốc độ giao dịch bất động sản ở Hà Nam trong khoảng hai năm qua, dù phát triển tốt mảng công nghiệp, được ThS. Phạm Thị Miền, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, lý giải là do tính chất các dự án khu công nghiệp chủ yếu là công nghiệp phụ trợ.
Do tính chất đặc thù nên giá trị đầu tư các dự án khu công nghiệp phụ trợ ở Hà Nam chỉ ở mức trung bình và thấp, so với công nghiệp công nghệ cao tại các địa phương như Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên hay Vĩnh Phúc. Tương ứng theo đó, chất lượng trình độ, thù lao trả cho đội ngũ chuyên gia và người lao động cũng chưa cao.
“Vì vậy, mức chi trả hay tiêu thụ cho các dịch vụ thiết yếu về ăn uống, nghỉ ngơi, thuê, sở hữu bất động sản cũng hạn chế. Tương ứng kéo theo việc đầu tư phát triển các đại dự án đô thị quy mô lớn, cao cấp đầy đủ tiện ích cũng khó tăng tốc”, bà Miền nhận xét.
Dẫu vậy, điểm yếu có thể lại là điểm cộng cho đầu tư hiện tại, khi hầu hết các địa phương mang tính vệ tinh của Hà Nội như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang đã cơ bản đi qua cơn sốt và bước vào trạng thái bão hòa, cùng với việc hạn chế về dư địa, quỹ đất công nghiệp lẫn không gian phát triển đô thị.
Trước một thị trường “đi sau” về giá trị đất đai, nhưng giàu dư địa về hạ tầng đô thị, giao thông kết nối thuận tiện, lại chưa từng qua “cơn sốt”, bà Miền cho rằng thị trường bất động sản Hà Nam đang sẵn sàng cho một chu kỳ mới.
Rõ nhất, như một minh chứng cho nhận định trên, là giá trị giao dịch bất động sản tại Hà Nam trong quý II vừa qua đã vọt lên hơn 2.500 tỷ đồng, tăng khoảng ba lần so với ba tháng trước đó.
Trong đó, các giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở phân khúc nhà ở thấp tầng, đất nền – một phân khúc đang được giới đầu tư thứ cấp, nhà đầu tư cá nhân chờ đợi bùng nổ sản phẩm từ những đại dự án đô thị và thương mại.
Loạt dự án hạ tầng khơi thông thị trường bất động sản Hà Nam
V-Green cùng Prime Group phát triển 100.000 trạm sạc VinFast tại Indonesia
V-Green và Tập đoàn đa ngành Prime Group, thông qua công ty con tại UAE, công bố biên bản ghi nhớ (MoU) về việc phát triển trạm sạc xe điện VinFast tại Indonesia.
Vườn cam FVF: Điển hình nông nghiệp xanh bền vững từ Tập đoàn TH
Dự án phát triển vườn cam thương hiệu FVF trên diện tích tập trung lớn của Tập đoàn TH có thể xem như một điển hình về ứng dụng công nghệ hiện đại phát triển nông nghiệp xanh bền vững.
OceanBank đổi tên, có lãnh đạo mới từ MB
Oceanbank sẽ đổi tên và có chủ tịch, tổng giám đốc mới là nhân sự từ ngân hàng Quân đội.
Khách hàng SHB cần bổ sung sinh trắc học trước 31/12/2024
Chỉ còn khoảng ba tuần, để giao dịch tài chính không bị gián đoạn, SHB một lần nữa khuyến nghị khách hàng sớm bổ sung thông tin sinh trắc học và trước ngày 31/12/2024.
PVcomBank tặng xe cứu thương cho bệnh viện Đa khoa Vân Đình
PVcomBank đã tặng Bệnh viện Đa khoa Vân Đình một xe cứu thương Ford Transit đi kèm trang thiết bị y tế chất lượng cao, tổng giá trị lên tới 1,5 tỷ đồng.
Chọn bất động sản xanh tại nội đô: Dự án đáng sống nhất Tây Nam Linh Đàm
Dịch chuyển tới ven đô để tận hưởng các yếu tố xanh là điều thường thấy, nhưng với những cư dân nội đô, dự án căn hộ nào sẽ là lựa chọn hàng đầu khi xu hướng bất động sản xanh là không thể đảo ngược?
Giá chung cư Hà Nội khó giảm
Giá chung cư Hà Nội không còn tình trạng sốt nóng như nhiều tháng trước.