Đại gia ngoại ‘nhắm’ điện sinh khối ở Việt Nam

Quỳnh Chi - 15:40, 19/03/2022

TheLEADERViệt Nam có tài nguyên sinh khối rất lớn nhưng việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng sinh khối rất thấp, chỉ chiếm 0,13% lượng điện thương phẩm và 0,42% công suất lắp đặt trên toàn quốc.

Đại gia ngoại ‘nhắm’ điện sinh khối ở Việt Nam

Ngay trong tháng 2/2022, ông Honna Hitoshi, Chủ tịch kiêm Giám đốc đại diện Tập đoàn Erex (Nhật Bản) đã cùng đối tác Việt Nam đi khảo sát tại 16 tỉnh, thành của Việt Nam.

Qua khảo sát cho thấy Việt Nam có nguồn tài nguyên sinh khối phong phú cũng như có thể phát triển vùng nguyên liệu sinh khối. Khi thực hiện dự án, doanh nghiệp có thể phát triển giống cây có khả năng tạo ra tài nguyên sinh khối lớn để chuyển thành năng lượng điện.

Từ kết quả khảo sát, doanh nghiệp có thể xây dựng 19 dự án với 1.400 Megawatt (MW) đến năm 2035 tại Việt Nam; cùng với đó có thể mở rộng quy mô hơn trên cơ sở phát triển giống cây mới, mở rộng nhà máy có công suất điện lớn.

Chẳng hạn, Tập đoàn Erex đã đề xuất tỉnh Đắk Lắk cho chủ trương ủng hộ để đơn vị đầu tư một nhà máy điện sinh khối công suất tối thiểu 100MW; hỗ trợ cung cấp thông tin về khả năng cung cấp nguồn sinh khối cho nhà máy (bả mía, rơm rạ, vỏ trấu, mùn cưa, phế phẩm cây công nghiệp…); hỗ trợ cung cấp thông tin về các nhà máy điện đang hoạt động hoặc đang xây dựng trên địa bàn…

Trong cuộc gặp với Phó thủ tướng Lê Văn Thành ngày 15/3 vừa qua, ông Honna Hitoshi cho biết, nếu công việc được thuận lợi, dự kiến việc đầu tư xây dựng các dự án có thể diễn ra sau khoảng 1 năm chuẩn bị.

Tập đoàn Erex là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản về điện sinh khối với việc sở hữu 5 nhà máy điện sinh khối tại Nhật Bản. Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà Tập đoàn có ý tưởng đầu tư phát triển dự án điện sinh khối ngoài Nhật Bản.

Theo Phó thủ tướng, kế hoạch đầu tư phát triển dự án điện sinh khối và chuyển đổi các dự án điện than hiện nay sang nhà máy điện sinh khối của Tập đoàn Erex phù hợp với thời điểm Việt Nam đang nỗ lực thực hiện cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), trong đó có việc chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch Điện VIII, trong đó có việc xem xét nâng tỉ trọng phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm cả điện sinh khối.

Việt Nam có tài nguyên sinh khối rất lớn, khoảng 120 triệu tấn. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, bao gồm phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp. Nguồn tài nguyên sinh khối từ nông nghiệp sẽ góp phần phục vụ phát triển công nghiệp, nhất là trong điều kiện nguyên liệu than, khí thiên nhiên hóa lỏng phải nhập khẩu, giá thành ngày càng tăng. Sử dụng nguồn tài nguyên sinh khối góp phần cung cấp nguồn điện ổn định, giá thành cạnh tranh, nâng cao khả năng tự cung cấp điện.

Dù tài nguyên lớn như vậy nhưng hiện nay, việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng sinh khối rất thấp, chỉ chiếm 0,13% lượng điện thương phẩm và 0,42% công suất lắp đặt trên toàn quốc.

Hiện Việt Nam mới có khoảng mười dự án nhà máy điện sinh khối và chỉ có ba dự án được ghi nhận công suất trên Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, bao gồm: nhà máy KCP-Phú Yên, nhà máy điện sinh khối An Khê (Gia Lai) và nhà máy điện sinh khối Bourbon (Tây Ninh).

Doanh nghiệp ngoại ‘nhắm’ điện sinh khối ở Việt Nam
Danh sách nhà máy điện sinh khối tại Việt Nam, chỉ 10 nhà máy đang hoạt động, còn lại theo dự thảo đề án quy hoạch điện VIII (2021). Nguồn: Bộ Công thương

Lý giải về những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của nguồn năng lượng này, ông Nguyễn Anh Tuấn - đại diện Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, giá nhiên liệu thay đổi theo mùa vụ, khả năng cung cấp nhiên liệu thiếu ổn định và bền vững; vốn đầu tư ban đầu khá lớn; cơ chế giá khuyến khích mua điện chưa hấp dẫn các nhà đầu tư; thiếu kinh nghiệm phát triển, kỹ sư và nhân công lành nghề các dự án nhiên liệu sinh học...

Bà Phạm Hương Giang, Phó trưởng phòng Năng lượng mới và năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) đưa ra một số đề xuất. Một là cần có cơ chế khuyến khích biến chất thải thành điện năng do mang lại nhiều lợi ích. Hai là giá FIT sinh khối cần được xem xét lại và không nên dựa trên công nghệ. Ba là nên xem xét “thưởng thêm” cho các công nghệ tiên tiến, mang lại hiệu quả cao. Bốn là sớm ban hành cơ chế khuyến khích phát triển khí sinh học…

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nguồn năng lượng sinh khối tại một số quốc gia trên thế giới, ông Mathias Eichelbronner, chuyên gia quốc tế về năng lượng sinh khối (GIZ), cho hay, hiện nay, nhiều nước trong khu vực đã có mức giá ưu đãi FIT (một giá) với điện sinh khối rất tốt như Thái Lan, Malaysia... 

Vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam cũng đã có cơ chế giá FIT, tuy nhiên, chưa đủ để khuyến khích loại hình năng lượng này phát triển. Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ người dân vùng nguyên liệu, cơ giới hóa, hướng tới mục tiêu phát triển nền năng lượng carbon thấp...

Ông Christoph Kwintkiewicz, chuyên gia quốc tế cũng cho biết, đặc điểm chung có thể thấy ở các dự án năng lượng sinh học thành công trên thế giới bao gồm: khả năng tiếp cận vốn chủ sở hữu và tín dụng với lãi suất phù hợp (bên cho vay đánh giá rủi ro thực hiện), nguồn cung sinh khối đảm bảo, hỗ trợ pháp lý đầy đủ (quy trình phê duyệt, nối lưới) , hỗ trợ tài chính đầy đủ (FiT, thuế CO2, chứng chỉ năng lượng tái tạo)…