Đằng sau cơn sốt điện mặt trời tại Việt Nam

Kiều Mai - 08:05, 05/06/2019

TheLEADERLà nguồn năng lượng tái tạo nổi bật, điện mặt trời mang lại không ít rủi ro cho nhà đầu tư cũng như bản thân quốc gia đang phát triển loại năng lượng này.

Đằng sau cơn sốt điện mặt trời tại Việt Nam
Điện mặt trời cho thấy dấu chân rõ ràng và ngày càng nhiều của các doanh nghiệp tư nhân.

Thời gian qua, các dự án điện mặt trời được công bố ồ ạt tại Việt Nam, chạy đua với mục tiêu được cấp chứng nhận vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019 để hưởng mức giá ưu đãi.

Việc đóng điện hàng loạt nhà máy sẽ góp phần bổ sung nguồn điện, giảm bớt sự thiếu hụt về năng lượng.

Sự xuất hiện các nhà máy điện mặt trời này đã giúp thay đổi cơ cấu cung cấp điện tại Việt Nam theo hướng bền vững hơn và thậm chí, vượt cả quy hoạch.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, khoảng 340 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất dự kiến khoảng 28.000 MW đã được gửi lên trong vòng một năm qua trong khi mức được phê duyệt đến hết năm 2018 mới chỉ ở mức 7.500 MW.

Không chỉ vậy, lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam nói chung và điện mặt trời nói riêng đã cho thấy dấu chân rõ ràng và ngày càng nhiều của các doanh nghiệp tư nhân.

Cuối tháng 4 vừa qua, Tập đoàn BIM Group đã khánh thành cụm nhà máy điện mặt trời tại Thuận Nam và hòa lưới điện quốc gia với công suất 330 MW sau hơn 9 tháng chính thức thi công.

Đây là tổ hợp nhà máy năng lượng điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á đi vào hoạt động và dự kiến sản xuất khoảng 600 triệu kWh/năm.

Tập đoàn Thành Thành Công, một trong những nhà phát triển các dự án điện mặt trời lớn nhất cả cả nước đã đưa vào hoạt động 2 nhà máy tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế (35MW) và Krong Pa (49MW).

Ngoài ra, lĩnh vực này còn có sự xuất hiện của nhiều cái tên đáng chú ý khác như Tập đoàn Trung Nam, Công ty Xuân Cầu, TTVN Group hay Bamboo Capital.

Những thương vụ bán lại cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài sau đó đã mang lại không ít doanh thu cho các doanh nghiệp tư nhân này.

Tuy vậy, việc đầu tư một nhà máy năng lượng mặt trời đòi hỏi nguồn vốn lớn, từ 50 đến 500 triệu USD tùy vào quy mô từng dự án, buộc không ít nhà đầu tư tìm đến khoản vay từ ngân hàng.

Sau ngày 30/6 tới, giá mua điện nhiều khả năng được điều chỉnh thấp hơn nhiều, dẫn tới nguy cơ doanh nghiệp không có tỉ suất sinh lợi tốt để trả vốn và lãi vay ngân hàng, gây ra rủi ro tài chính.

Chưa hết, việc bán điện của các nhà máy điện mặt trời còn phụ thuộc vào bên mua là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

Điều 7, chương II dự thảo Bộ Công thương đang lấy ý kiến để trình Chính phủ ban hành và áp dụng sau thời điểm tháng 6/2019 quy định bên mua có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời nối lưới trong điều kiện vận hành lưới điện cho phép.

Điều này đặt ra khả năng EVN có thể từ chối mua điện với lý do vượt quá công suất truyền tải, đẩy nhà đầu tư điện mặt trời vào tình trạng “cho không ai lấy, bán chẳng ai mua”, gia tăng áp lực lên vấn đề tài chính.

Những bất cập về mạng lưới truyền tải cho điện mặt trời là viễn cảnh hoàn toàn có thể xảy ra khi nhà máy “mọc lên như nấm”, bỏ xa công suất được thiết kế trước đó.

Không chỉ vậy, các dự án điện mặt trời cũng mang lại mối đe dọa bởi pin năng lượng.

Hơn 1 triệu tấm pin được lắp đặt tại cụm nhà máy điện mặt trời của BIM Group, khoảng 300.000 tấm panel tại dự án của Srêpok và Quang Minh hay gần 150.000 tấm pin năng lượng tại dự án TTC Phong Điền cũng như nhiều dự án khác là những nguy cơ đối với môi trường khi hết hạn sử dụng.

Theo Cục Năng lượng Mỹ, một tấm pin mặt trời có thời gian sử dụng khoảng 20 - 30 năm tùy vào điều kiện môi trường. Nhiệt độ cao có thể khiến thời gian sử dụng ngắn hơn và yếu tố tiêu cực như tuyết, bụi sẽ gây tổn hại vật liệu bề mặt và mạch diện bên trong, làm giảm dần năng suất.

Một tấm pin mặt trời chứa các kim loại như chì, đồng, nhôm với các tế bào năng lượng mặt trời làm từ tinh thể silicon và được bọc trong lớp nhựa dày để bảo vệ.

Việc phân loại và xử lý rác tốn chi phí lớn, chưa kể các hóa chất sinh ra trong quá trình tái chế gây hại cho môi trường.