Đằng sau công ty bí ẩn đăng ký vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng

Hứa Phương - 15:00, 03/06/2021

TheLEADERMột doanh nghiệp vừa đăng ký thành lập mới với vốn điều lệ ‘khủng’ lên đến 500 nghìn tỷ đồng (tương đương 21,7 tỷ USD) đã khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi như mục đích phía sau.

Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ngày 20/5 vừa cập nhật thông tin tại TP.HCM có một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn điều lệ lên đến 500.000 tỷ đồng (quy đổi tỷ giá hiện tại tương đương 21,7 tỷ USD).

Cụ thể, doanh nghiệp đó có tên là Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư công nghệ tự động toàn cầu (Auto Investment Group), trụ sở chính đặt tại tầng 46, tòa nhà Bitexco Financial Tower (số 2 đường Hải Triều, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM). Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986), cũng là tổng giám đốc của công ty.

Cơ cấu cổ đông gồm ông Quốc Anh sẽ góp 499.998 tỷ đồng (tương đương 99,99%) vào Auto Investment Group, hai cá nhân còn lại là Nguyễn Thị Diễm Hằng và Lưu Hữu Thiện (cùng trú tại TP. Thủ Đức, TP.HCM) mỗi người góp 1 tỷ đồng.

Auto Investment Group đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là lập trình máy vi tính, bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm, sản xuất linh kiện điện tử, bán lẻ đồ điện gia dụng, tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống máy vi tính, xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan.

Nếu Auto Investment Group được thành lập với số vốn 500.000 tỷ đồng thì sẽ là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam. Bởi vì hiện nay doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng chỉ có 281.500 tỷ đồng (bằng khoảng ½ so với số vốn Auto Investment Group đăng ký), Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đứng thứ hai với 194.100 tỷ đồng.

Trong khi đó ngân hàng Vietcombank đang có vốn điều lệ khoảng 37.000 tỷ đồng, còn tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam là VinGroup cũng có vốn điều lệ là 34.400 tỷ đồng.

Chiêu trò đánh bóng tên tuổi?

Sau khi thông tin về doanh nghiệp Auto Investment Group được công bố, ngay lập tức đã khiến dư luận tò mò về vị “đại gia” 8X mới nổi này và đặt nhiều câu hỏi như mục đích đằng sau là gì?

Hay đây chỉ là chiêu trò làm thương hiệu của một công ty mới được thành lập và cơ quan quản lý nhà nước quản lý việc góp vốn như thế nào, trong thời gian quy định của pháp luật, người đăng ký không góp đủ số vốn điều lệ thì sẽ bị xử lý ra sao?

Thực tế dư luận nghi ngờ Auto Investment Group cũng có lý bởi vì đầu tháng 1/2020 tại Hà Nội cũng từng xảy ra sự việc doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng (tương đương 6,5 tỷ USD), đăng ký hoạt động trong 59 lĩnh vực.

Tuy nhiên sau khi dư luận lên tiếng, báo chí vào cuộc tìm hiểu thì lộ ra sự thật là người đi đăng ký thành lập doanh nghiệp này say rượu nên ghi nhầm. Sau 90 ngày (thời hạn góp vốn), doanh nghiệp này không thực hiện góp vốn đúng theo cam kết.

Đối với ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (sinh năm 1986), là cổ đông lớn, người đại diện theo pháp luật kiêm tổng giám đốc, dù góp tới 499.998 tỷ đồng để thành lập Auto Investment Group, nhưng theo tìm hiểu của TheLEADER.vn hiện vị “đại gia” 8X này đang sinh sống tại căn nhà cấp 4 trên đường số 3, khu phố Phước Bình, TP Thủ Đức (TP.HCM).

Còn trụ sở chính của Auto Investment Group theo như đăng ký đặt tại tầng 46, tòa nhà Bitexco Financial Tower, quận 1 (TP.HCM) thực chất hiện thuộc khai thác của Compass Offices, một doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cho thuê văn phòng ảo và văn phòng dịch vụ.

Tức là doanh nghiệp “khủng” này thuê văn phòng ảo từ một doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cho thuê văn phòng ảo và văn phòng dịch vụ khác để làm trụ sở. Trụ sở ảo được thuê này là một địa chỉ thực và các tiện ích văn phòng như địa chỉ đăng ký kinh doanh, hòm thư, dịch vụ trả lời tổng đài hay các dịch vụ khác nhưng không có không gian làm việc.

Còn đối với nghi vấn đây là chiêu trò đánh bóng tên tuổi của một công ty mới được thành lập, theo nhận định của chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang thì khi nổi tiếng quá mức sẽ đem lại hiệu ứng ngược.

Cụ thể, như Auto Investment Group trong mấy ngày qua dư luận luôn tò mò đây là doanh nghiệp nào, chủ nhân của doanh nghiệp đó là ai… tức là họ sẽ biết từ chân tơ kẽ tóc để nhìn ra giá trị thật. Khi giá trị thật bị phơi bày, dư luận nhìn thấy đây chỉ là “thùng rỗng kêu to” thì đi đến đâu cũng sẽ bị né tránh.

Trong nguyên tắc xây dựng thương hiệu luôn luôn có lý thuyết paradox (nghịch lý) chứ không phải lúc nào cũng là hiệu ứng một chiều. Tức là khi nói quá lên thì dư luận sẽ biết cái hay, cái dở cho nên làm thương hiệu phải luôn luôn xuất phát từ giá trị thật. 

Căn bản nhất hay còn gọi bản chất thương hiệu là giá trị thật, trên cơ sở tuân thủ pháp luật và đạo đức chứ không phải những gì hào nhoáng, lấp lánh.

Còn ở góc độ kinh doanh, với các đối tác làm ăn thì họ không nhìn vào tờ giấy đăng ký mà là soi vào chiến lược kinh doanh mà cụ thể ở đây sản phẩm là gì, kế hoạch tài chính, ai góp vốn và quan trọng nhất là dòng tiền mang về như thế nào?

Từ đó, ông Quang cho rằng cách làm của Auto Investment Group có thể là một chiêu trò nhằm đánh bóng tên tuổi của một doanh nghiệp mới thành lập chứ không phải là hoạt động xây dựng thương hiệu đích thực.

Luật còn kẽ hở

Trước thực trạng nổi lên các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn điều lệ lên đến chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng sau thời hạn góp vốn lại không thực hiện theo cam kết.

Luật sư Nguyễn Đăng Tư, Công ty Luật TNHH TriLaw, đoàn luật sư TP.HCM cho rằng về bản chất những doanh nghiệp này đang lợi dụng kẽ hở của pháp luật.

Cụ thể, luật sư Đăng Tư phân tích tại khoản 1, Điều 113 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn”.

Như vây, Luật Doanh nghiệp quy định các cổ đông khi đăng ký góp vốn không bắt buộc phải góp vốn ngay, không bắt buộc phải chứng minh có khả năng tài chính để thực hiện việc góp vốn. Đây là các quy định nhằm khuyến khích quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Do việc không quy định bắt buộc ngày góp vốn cụ thể mà chỉ quy định góp trong vòng 90 ngày, nên điểm d, khoản 3, Điều 113 Luật Doanh nghiệp quy định thêm: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại khoản 1 Điều 113, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập”.

Điều này có nghĩa là nếu các cổ đông đã góp đủ thì không phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ. Trường hợp không góp đủ thì đăng ký giảm vốn điều lệ bằng với vốn thực góp trong vòng 30 ngày.

Đây chính là kẽ hở của luật đã bị lợi dụng trong thời gian qua khi xuất hiện các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn điều lệ lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng trong khi đó khả năng tài chính thực sự không đủ.

Cá nhân thoải mái đăng ký mà không bị vi phạm quy định của pháp luật, chỉ cần kết thúc thời gian góp vốn đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, nếu không góp đủ thì đăng ký giảm vốn điều lệ.

Điều này có thể dẫn đến nhiều doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ hàng trăm nghìn tỷ nhằm thu hút sự chú ý của dư luận, hòng đánh bóng tên tuổi và dẫn đến hệ quả là các số liệu thống kê đăng ký kinh doanh không chuẩn xác, gây khó khăn cho công tác thống kê, quản lý nhà nước về vốn cũng như quản lý doanh nghiệp.

Còn với trường hợp không góp đủ vốn điều lệ như đăng ký mà không đăng ký thay đổi thì theo quy định tại khoản 3, Điều 28, Nghị Định số 50/2016/NĐ-CP doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng và bắt buộc phải điều chỉnh vốn. Luật sư Đăng Tư cho rằng chế tài quá nhẹ nên chưa đủ sức răng đe.