Đằng sau kế hoạch tăng vốn tỷ USD của Vingroup

Minh An - 11:08, 13/03/2019

TheLEADERTriển vọng thị trường chứng khoán tích cực có thể giúp các doanh nghiệp quay lại huy động vốn từ cổ đông sau thời gian dùng kênh trái phiếu và lãi suất có xu hướng tăng dần.

Đằng sau kế hoạch tăng vốn tỷ USD của Vingroup
Tòa nhà Landmark 81 tại TP.HCM. Ảnh: Forty Media

Hôm qua tập đoàn Vingroup công bố kế hoạch phát hành thêm 7% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài để huy động tối thiểu 25.000 tỷ đồng trong năm 2019. Theo tập đoàn 60% số vốn dự kiến huy động được sẽ sử dụng vào hoạt động kinh doanh và 40% sẽ dùng để thanh toán các khoản vay và lãi vay đến hạn.

Động thái này được các nhà đầu tư đánh giá là phản ứng nhanh và chính xác của Vingroup nhằm đối mặt với nhu cầu vốn đầu tư và đảo nợ cao, trong khi tận dụng được lợi thế về giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán có thể tăng cao hơn.

Ngoài ra, xu hướng tăng lãi suất có thể khiến chi phí lãi trái phiếu mà Tập đoàn phải trả cao hơn trong các năm tới do phần lớn các trái phiếu đều có cấu trúc lãi bao gồm phần cố định và phần thả nổi. Tuy vậy việc phát hành thêm cổ phiếu khiến các cổ đông hiện tại của Vingroup đối mặt với rủi ro pha loãng.

Trong những năm gần đây, dù phát triển thành một tập đoàn đa ngành, nhưng phần lớn tài sản và doanh thu của Vingroup vẫn đến từ lĩnh vực bất động sản. Với nhu cầu đầu tư lớn vào các dự án này, cùng với dự án ô tô Vinfast trị giá nhiều tỷ USD đang được triển khai, Vingroup đã tăng vay nợ gần gấp đôi trong năm 2018.

Cụ thể, tổng giá trị vay và nợ của tập đoàn tăng từ hơn 51.000 tỷ đồng cuối năm 2017 lên khoảng 91.000 tỷ đồng vào cuối năm ngoái. Trong đó chủ yếu, Vingroup đã tăng phát hành trái phiếu khoảng 22.000 tỷ đồng và tăng các khoản vay dài hạn thêm gần 19.000 tỷ đồng.

Trong tổng số nợ này, hơn 19.115 tỷ đồng là nợ và vay ngắn hạn (phải thanh toán trong năm 2019). Một phần nguồn vốn huy động từ các nhà đầu tư nước ngoài trong đợt phát hành sắp tới sẽ được sử dụng để thanh toán từng phần các khoản nợ và vay này.

Ngoài ra, tập đoàn sẽ phải thanh toán phần lãi vay hàng nghìn tỷ đồng trong năm 2019. Trong năm ngoái, do quy mô vay nợ tăng nhanh, tổng chi phí lãi vay tập đoàn phải trả là 4.337 tỷ đồng.

Một nhà phát triển bất động sản lớn khác ở phía Nam là Tập đoàn Novaland cũng tăng mạnh quy mô vay nợ bằng hình thức trái phiếu trong năm ngoái. Đến cuối năm 2018, quy mô các khoản trái phiếu của Novaland là hơn 13.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 85% tổng vay nợ của tập đoàn.

Khoảng 5.041 tỷ đồng trái phiếu này sẽ đến hạn trong năm nay. Phần còn lại, chủ yếu là trái phiếu có khả năng chuyển đổi thành cổ phần của Novaland được tập đoàn phát hành cho một ngân hàng nước ngoài trong năm 2018.

Tập đoàn Đất Xanh cũng là doanh nghiệp đã tăng gần gấp đôi giá trị trái phiếu đã phát hành trong năm 2018 lên mức 2.277 tỷ đồng. Các trái phiếu của Đất Xanh do VIB, TPBank và VPBank thu xếp phát hành.

Ngoài ra, Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cũng là doanh nghiệp thường xuyên phát hành trái phiếu để huy động vốn. Đến cuối năm ngoái, tổng giá trị các trái phiếu của doanh nghiệp này đạt gần 3.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn một nửa sẽ đến hạn trong năm 2019. Mới đây, CII thông báo tiếp tục phát hành thành công 370 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 3 năm .

Đằng sau kế hoạch tăng vốn tỷ USD của Vingroup
Khối lượng trái phiếu đã bán của TCBS. Đơn vị: Tỷ đồng

Ngoài lĩnh vực bất động sản, tập đoàn Masan là một trong những doanh nghiệp huy động vốn bằng trái phiếu lớn nhất trên thị trường tài chính. Báo cáo giữa năm 2018 cho biết các khoản trái phiếu của tập đoàn có giá trị 26.700 tỷ đồng. Tuy vậy, đến cuối năm 2018, quy mô trái phiếu đã giảm xuống còn khoảng 15.000 tỷ đồng. Điều này diễn ra sau khi Tập đoàn bán cổ phiếu cho nhà đầu tư Hàn Quốc (SK Group) và thu về khoảng 11.000 tỷ đồng.

Làn sóng phát hành trái phiếu để huy động vốn trên thị trường tài chính phát triển mạnh trong vài năm gần đây, trong đó chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp bất động sản. Trong năm 2018, theo Công ty chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), doanh nghiệp này đã phát hành thành công gần 62.000 tỷ đồng trái phiếu cho các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.

Theo đánh giá của Công ty quản lý quỹ Techcom Capital, trong năm 2019, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi động với các tập đoàn lớn như EVN, Masan, Vingroup, Sungroup sẽ tiếp tục phát hành các loại trái phiếu trung hạn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.