Để cam kết bền vững không chỉ là những ‘lời hứa suông’

Phạm Sơn - 09:44, 05/04/2022

TheLEADERNếu bất chấp những hành động “có vẻ” như đang bảo vệ môi trường nhưng không mang tính thực chất, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với sự quay lưng, thậm chí là làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng.

Vừa qua, tại Philippines, nhân Ngày Nước thế giới, các thành viên thuộc tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace đã “đưa” rác thải nhựa quay lại văn phòng của một doanh nghiệp được cho là gây ô nhiễm nhựa hàng đầu tại quốc gia này.

Theo bà Quách Thị Xuân, Điều phối viên Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA), hành động này nhằm đưa ra thông điệp về sự “công bằng môi trường”. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp tại Philippines đang cung cấp các sản phẩm bao gói nhỏ, với lập luận “đáp ứng nhu cầu của tầng lớp có thu nhập thấp”.

Tuy nhiên, việc sử dụng các bao gói nhỏ dùng một lần đã gây ra tác động không nhỏ với chính cộng đồng thu nhập thấp này. Lượng rác thải nhựa bao gồm nhiều bao gói rò rỉ ra biển đã làm giảm thu nhập của những người đánh cá ven bờ khi mà tỷ lệ cá và rác nhựa càng ngày càng thay đổi theo hướng rác nhiều lên còn cá ít đi.

Hành động của Greenpeace nhấn mạnh quan điểm “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Họ đề nghị doanh nghiệp có trách nhiệm hơn; đề nghị chính phủ sớm có hành lang pháp lý và cảnh tỉnh người dân cần nhận biết được đâu là sản phẩm thiên thiện với môi trường và đâu là cách tiêu dùng bền vững.

Khác với Philippines, Việt Nam mới đây đã chính thức áp dụng Luật Bảo vệ môi trường 2020, với nhiều nội dung tiến bộ về kinh tế tuần hoàn, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) cũng như nhấn mạnh quan điểm “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đưa ra nhiều cam kết, triển khai nhiều hoạt động hướng tới giảm rác thải ra môi trường, tăng cường tính hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Những hành động này nhận được sự đánh giá cao từ phía người tiêu dùng cũng như các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn tồn tại một số doanh nghiệp không đưa ra cam kết hoặc cam kết thiếu nghiêm túc về môi trường. Hiện tượng này khá phổ biến trên thế giới và có nguy cơ tiếp diễn tại Việt Nam khi khung pháp lý về bảo vệ môi trường tuy đã được ban hành nhưng vẫn chưa thực sự được hoàn thiện và cụ thể hóa.

TheLEADER đã có buổi trao đổi với bà Xuân để có một cái nhìn rõ nét hơn về thực trạng này.

Hiện tại, xu thế phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn đã trở thành điều tất yếu. Tuy nhiên, dường như một số doanh nghiệp vẫn chưa thực sự sẵn sàng với sự chuyển đổi này. Theo bà, nguyên nhân của hiện tượng này đến từ đâu? Liệu đại dịch Covid-19 có phải là nguyên nhân?

Bà Quách Thị Xuân: Đúng là xu thế phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn đã trở thành tất yếu. Điều này được minh chứng bởi quy định về kinh tế tuần hoàn được ghi trong Điều 142, Luật Bảo vệ môi trường 2020 với 3 tiêu chí, bao gồm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Bên cạnh đó, Điều 54 và 55 quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất/nhập khẩu (EPR); Điều 79 quy định phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng…

Như vậy các doanh nghiệp tạo ra nhiều chất thải, chất thải không có tính tuần hoàn sẽ phải trả phí cao hơn. Nhằm giảm thiểu chi phí này, rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sang áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất và kinh doanh, như việc sử dụng lại vải vụn ở các doanh nghiệp dệt may, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, tuần hoàn nước thải ở các cơ sở sản xuất rượu bia, sử dụng xỉ gang và xỉ thép làm vật liệu xây dựng ở các nhà máy thép...

Dựa trên kinh tế tuần hoàn, nhiều sáng kiến, giải pháp kinh doanh mới đã được hình thành, tạo ra những mô hình kinh doanh tuần hoàn, giúp giải quyết bài toán vừa đạt mục tiêu lợi nhuận, vừa giảm thiểu chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường.

Tuy nhiên, việc chuyển hệ thống hiện có sang hệ thống tuần hoàn không hề dễ dàng với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là ở các doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng và hệ thống đã được thiết kế cho nền kinh tế tuyến tính. Khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng cho thấy, khoảng 88% doanh nghiệp đã đặt kế hoạch gắn với mục tiêu phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai trên thực tế.

Đơn cử với ngành chế biến, doanh nghiệp cho biết vấn đề giải quyết đầu ra của sản phẩm được sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn là rất quan trọng vì phải cạnh tranh với những sản phẩm truyền thống có tính năng tương tự.

Từ phía doanh nghiệp, họ cần rất nhiều nỗ lực và đầu tư khi thiết kế giao diện hay hình ảnh của sản phẩm tiêu chuẩn của kinh tế tuần hoàn. Các doanh nghiệp nhỏ thường không thể tự thiết kế mẫu mã sản phẩm. Doanh nghiệp cũng cần có sự lựa chọn vật liệu đầu vào nhằm thay đổi thiết kế và đặc tính kỹ thuật cho sản phẩm. Tuy nhiên, việc này lại ảnh hưởng đến nhà cung cấp hoặc các công ty sản xuất truyền thống.

Việc thay đổi hệ thống của bất kỳ chuỗi nào cũng đòi hỏi sự đồng bộ về tiêu chuẩn, theo đó cần sự thay đổi về con người, kỹ thuật, đầu tư và quan trọng là sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Đây là những lý do dẫn đến nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sẵn sàng áp dụng kinh tế tuần hoàn. Đại dịch Covid-19 cũng là một trong những yếu tố làm chậm quá trình, nó ảnh hưởng tới tất cả các ngành, các lĩnh vực nhưng nó không phải là yếu tố cố hữu.

Để cam kết bền vững không chỉ là những ‘lời hứa suông’ 1
Bà Quách Thị Xuân, Điều phối viên Liên minh Không rác Việt Nam.

Trên thế giới đã có nhiều vụ việc doanh nghiệp cố ý sử dụng thông điệp về phát triển bền vững để quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ của mình trong khi không thực sự có những hành động hướng tới phát triển bền vững. Bà đánh giá thế nào về hiện tượng này?

Bà Quách Thị Xuân: Đây là hiện tượng “tẩy xanh” (greenwashing), một hiện tượng tương đối phổ biến trên thế giới, thậm chí cả đối với những doanh nghiệp lớn.

Ví dụ, vào năm 2018, một công ty đồ uống hàng đầu thế giới đưa ra một tuyên bố nói rằng họ có “tham vọng” về việc bao bì của mình có thể tái chế hoặc tái sử dụng 100% vào năm 2025.

Tuy nhiên, các tổ chức về môi trường đã nhanh chóng chỉ ra, công ty này không đưa ra các mục tiêu rõ ràng, không có mốc thời gian để hoàn thành tham vọng của mình cũng như không có nỗ lực bổ sung tạo điều kiện cho việc tái chế.

Tổ chức Greenpeace nhận xét: “Tuyên bố của công ty về bao bì nhựa nêu trên bao gồm nhiều bước tẩy xanh để giải quyết cuộc khủng hoảng mà công ty đã tạo ra. Điều này không thực sự thúc đẩy việc giảm lượng nhựa sử dụng một lần một cách có ý nghĩa".

“Tẩy xanh” (greenwashing) về cơ bản là hành động một công ty hoặc tổ chức dành nguồn lực về thời gian và tài chính để tự tiếp thị bản thân là bền vững nhưng lại không có hành động thực sự giảm thiểu tác động đến môi trường. Đây là phương pháp quảng cáo gian dối để giành được sự ưu ái với những người tiêu dùng chọn ủng hộ các doanh nghiệp quan tâm đến việc bảo vệ hành tinh.

Đây có phải giải pháp thích hợp cho doanh nghiệp khi vừa không phải tiêu tốn chi phí chuyển đổi mô hình, vừa xây dựng được hình ảnh thương hiệu thân thiện với môi trường và xã hội?

Bà Quách Thị Xuân: Như đã nói, tẩy xanh là hành động phổ biến ở nhiều doanh nghiệp. Với nhiều khách hàng có nhận thức chưa đầy đủ hoặc thông tin một chiều, họ sẽ dễ dàng tin rằng đây là những doanh nghiệp thân thiện với môi trường.

Theo tôi, với tư duy ngắn hạn thì đây có thể là giải pháp thích hợp cho doanh nghiệp khi vừa không phải tiêu tốn chi phí chuyển đổi mô hình, vừa xây dựng được hình ảnh thương hiệu thân thiện với môi trường và xã hội.

Tuy nhiên, về dài hạn, đây không phải là một lựa chọn khôn ngoan vì “cái kim trong bọc lâu ngày cũng sẽ lòi ra”. Nhận thức của người tiêu dùng ngày càng tăng. Đặc biệt, trong thời đại 4.0, chỉ cần một từ khóa, một cú nhấp chuột hay quét mã vạch, người tiêu dùng nhanh chóng có thể nhận ra công ty nào có sản phẩm thực sự thân thiện với môi trường, công ty nào đang tẩy xanh.

Về dài hạn, “tẩy xanh” không phải là một lựa chọn khôn ngoan vì “cái kim trong bọc lâu ngày cũng sẽ lòi ra”!

Khi người tiêu dùng phát hiện ra họ bị lừa dối, họ sẽ quay lưng lại với sản phẩm. Nếu nghiêm trọng có thể xuất hiện làn sóng tẩy chay sản phẩm của các công ty tẩy xanh.

Việt Nam mới đang bắt đầu “đặt những viên gạch đầu tiên” để xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn. Liệu có nguy cơ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng sự chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật cũng như nhận thức của người tiêu dùng để sử dụng chiêu bài tẩy xanh?

Bà Quách Thị Xuân: Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Khoản 2 Điều 140 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định “Tổ chức, cá nhân có hoạt động, dự án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thuộc đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường, dự án được cấp tín dụng xanh theo quy định của pháp luật được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ…”. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có các hướng dẫn chi tiết về các chỉ tiêu cụ thể của một mô hình kinh tế tuần hoàn, hay hướng dẫn như thế nào là “tín dụng xanh”.

Thực tế, một số doanh nghiệp nhựa đang coi các giải pháp “tái chế hóa học”, “biến rác nhựa thành năng lượng” hay “sử dụng rác nhựa làm đường giao thông”… là các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên, có thể thấy các giải pháp này không đáp ứng các tiêu chí theo định nghĩa về kinh tế tuần hoàn vì không giúp giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên (dầu mỏ), không kéo dài vòng đời của sản phẩm, đồng thời gây ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước.

Dấu chân carbon của năng lượng hỗn hợp là 250 g CO2/Kwh, trong khi đó con số này từ đốt rác phát điện là khoảng 600-700 g CO2/Kwh. Việc sử dụng rác nhựa làm đường giao thông chỉ là giải pháp trì hoãn việc đưa chất thải nhựa ra môi trường bằng cách tích lũy chúng lại và theo thời gian đây là nguồn của hạt vi nhựa.

Có những biện pháp nào để ngăn chặn hiện tượng này, thưa bà?

Bà Quách Thị Xuân: Theo quan điểm của tôi, trong quá trình xây dựng hướng dẫn thi hành luật, cần phải nhấn mạnh rằng pháp luật khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn nhưng không phải cứ tái sử dụng chất thải là được công nhận là kinh tế tuần hoàn.

Doanh nghiệp được khuyến khích làm kinh tế tuần hoàn nhưng không được ảnh hưởng tiêu cực tới các mục tiêu bảo vệ môi trường khác

Nghĩa là doanh nghiệp được khuyến khích làm kinh tế tuần hoàn nhưng không được ảnh hưởng tiêu cực tới các mục tiêu bảo vệ môi trường khác. Hiện nay để giải quyết bài toán tín dụng xanh, các quốc gia trên thế giới phát triển hệ thống danh mục dự án xanh với các tiêu chí, ngưỡng sàng lọc rất rõ ràng, kèm theo các yêu cầu không gây hại cho môi trường. Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thì Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ trình Chính phủ bộ danh mục này trong năm nay.

Ngoài việc cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật thì giải pháp về tăng cường nhận thức cho người tiêu dùng và các bên liên quan là cần thiết. Nên có hoạt động đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp để hiểu rõ hơn về kinh tế tuần hoàn; khuyến khích đổi mới sáng tạo và tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần huy động sự tham gia của tổ chức và cá nhân trong việc phản biện, giám sát, đánh giá về bảo vệ môi trường.

Trong xu hướng toàn cầu hóa, Việt Nam không thể thực hiện kinh tế tuần hoàn theo cách của riêng mình mà cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế nếu chúng ta muốn thâm nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy việc đặt ra và phổ biến các tiểu chuẩn thiết kế, các chỉ tiêu của kinh tế tuần hoàn được quốc tế chấp nhận là hết sức cần thiết.

Xin cảm ơn về những chia sẻ của bà!