Doanh nghiệp nội ngành điện tử có vị thế thấp trong chuỗi cung ứng nhưng hoàn toàn có cơ hội và tiềm năng vươn lên, mở ra không gian tăng trưởng mới.
Năm tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu điện tử đạt 49 tỷ USD, xuất siêu hơn 5 tỷ USD, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Tính đến hiện tại, Việt Nam là nhà xuất khẩu điện thoại di động lớn thứ hai, xuất khẩu máy tính và linh kiện xếp thứ năm trên thế giới.
Những con số tích cực trên cho thấy vai trò của ngành công nghiệp điện tử đối với kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, sự đóng góp cho ngành công nghiệp này phần lớn đến từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn khối doanh nghiệp Việt vẫn đang chịu cảnh “lép vế”.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, cho biết, doanh nghiệp Việt trong ngành điện tử chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, yếu về vốn, công nghệ chưa cao, khó thu hút lao động có tay nghề.
Điều đó dẫn đến tình trạng doanh nghiệp ngành điện tử nội địa luôn chịu sự chèn ép về đơn hàng. Khách quốc tế luôn ưu tiên doanh nghiệp FDI, chỉ có một phần nhỏ những hợp đồng “xương xẩu”, giá trị không cao, điều kiện thanh toán ngặt nghèo dành cho doanh nghiệp nội.
Tình trạng đó càng trầm trọng hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp biến động. Theo bà Hương, giá trị các đơn hàng của doanh nghiệp nội thấp hơn và không ổn định. Có trường hợp doanh nghiệp đã phải sa thải 70% lao động lâu năm, có tay nghề vì không thể duy trì dòng tiền.
“Vị thế của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng điện tử quá nhỏ bé”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), doanh nghiệp điện tử Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để vươn lên trong chuỗi cung ứng.
Ông Thành đánh giá, qua quan sát, trao đổi, doanh nghiệp Việt và kỹ sư người Việt hoàn toàn có đủ khả năng để sản xuất những sản phẩm chiến lược, ít quốc gia có thể làm được, đơn cử như máy bay không người lái hạng nhẹ hay máy quay an ninh.
Một số sản phẩm điện tử, bao gồm máy bay không người lái hạng nhẹ, có nguồn cung phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc. Tuy nhiên, có thể trong tương lai, việc xuất khẩu hàng điện tử Trung Quốc sẽ bị Mỹ và châu Âu kiểm soát chặt chẽ, mở ra một khoảng trống cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng.
“Kỹ sư Việt và doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế và sản xuất những sản phẩm này, thậm chí là không cần phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc”, ông Thành khẳng định, đồng thời nhấn mạnh đây có thể là không gian tăng trưởng mới cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo bà Hương, để tận dụng những cơ hội mới, cần phải hóa giải thách thức đang đặt ra với doanh nghiệp, trong đó nổi cộm nhất là vấn đề lao động.
Việt Nam đang mất dần lợi thế về lao động khi dân số đang già hóa với tốc độ nhanh, tuổi trung bình của lao động tăng lên. Nguồn cung lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, đã qua đào tạo trở nên khan hiếm khiến doanh nghiệp khó lòng ổn định đội ngũ để theo đuổi những chiến lược dài hơi.
Thay mặt Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, bà Hương đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về đào tạo nhân lực, thông qua tận dụng hỗ trợ từ phía các tổ chức quốc tế.
Bên cạnh đó, bà Hương cho rằng, cần cân nhắc kỹ các chiến lược đào tạo nhân lực, đặc biệt là mục tiêu đào tạo 50 nghìn nhân lực bán dẫn đến năm 2040. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam đánh giá, mục tiêu này có thể hơi quá lạc quan bởi thời gian không còn dài và nhân sự cần ít nhất trên 5 năm để có tay nghề trong lĩnh vực bán dẫn.
Mặt khác, bà Hương đặt câu hỏi có nhất thiết phải cần đặt mục tiêu về số lượng. Bởi lẽ, Đài Loan là một nền kinh tế hàng đầu về bán dẫn nhưng cũng chỉ đào tạo, cấp học bổng cho 25 sinh viên ngành bán dẫn mỗi năm. Theo kinh nghiệm đó, Việt Nam liệu có nhất thiết phải đặt mục tiêu số lượng hay nên đề cao chất lượng?
Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh bán dẫn đang là một điểm nghẽn lớn trong việc thu hút các tập đoàn công nghệ chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.
Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling tin rằng, dư địa của kênh xuất khẩu qua thương mại điện tử dành cho các doanh nghiệp Việt Nam đang rất lớn, nếu biết tận dụng lợi thế cạnh tranh về nguyên liệu, năng lực sản xuất, cũng như khả năng tạo điểm nhấn thương hiệu.
Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về trữ lượng đất hiếm phục vụ cho công nghiệp bán dẫn, chỉ sau Trung Quốc. Đây là một trong những lợi thế lớn của Việt Nam trong xu hướng mới của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Để đạt mục tiêu đào tạo 50-100 nghìn kỹ sư bán dẫn trong thời gian ngắn nhất, Thủ tướng cho rằng vừa cần giải pháp tiệm tiến, vừa cần các giải pháp đột phá.
Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.
PV Gas vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về các dự án khí, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ.
Phố đi bộ bên cạnh quảng trường Vạn Xuân sẽ sớm trở thành biểu tượng giao thương và điểm đến sôi động bậc nhất, giúp gia tăng giá trị bất động sản cho khu vực