Để hàng Việt được người Việt trân trọng

Đặng Hoa - 18:40, 15/10/2020

TheLEADERTư duy “của ngon đem đi xuất khẩu, trong nước hưởng chất lượng kém hơn” đã dần trở thành câu chuyện của quá khứ khi người tiêu dùng Việt hoàn toàn có nhu cầu, có đủ khả năng tài chính để mua được những sản phẩm thuần Việt mang chất lượng quốc tế đang được định hướng quay trở lại chinh phục thị trường 100 triệu dân.

Để hàng Việt được người Việt trân trọng
Sắp diễn ra tuần hàng "Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam"

Dù là chủ một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây tới các thị trường khó tính bậc nhất thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… nhưng ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group cũng là một người tiêu dùng như bao người Việt Nam khác.

Vào siêu thị, tìm đến quầy trái cây, ông nhận thấy trái cây nhập khẩu được bày biện đẹp “lung linh”, dù giá cao nhưng người Việt vẫn sẵn sàng bỏ túi mua. Trong khi đó, hàng của Việt Nam, theo mô tả của ông Tùng, là trông rất xơ xác.

“Tại sao lại như vậy trong khi người tiêu dùng trên thế giới rất thích ăn trái cây Việt, cưng chiều trái cây Việt. Ở Nhật, nếu đến nhà ai mà được mời ăn quả thanh long Việt Nam thì chắc chắn phải là một người khách VIP”, ông Tùng nói tại buổi họp báo về tuần hàng "Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam" diễn ra sáng 15/10 tại Hà Nội.

Ông Tùng cho rằng, nếu sản phẩm được bảo đảm sạch, chất lượng, và được trân trọng trong cách bày biện thì người Việt cũng sẽ sẵn sàng bỏ tiền mua.

Sau khi đã đưa được thương hiệu trái cây Việt Nam tới các thị trường lớn trên thế giới và khẳng định vị thế, Chủ tịch Vina T&T quyết định nâng tầm trái cây Việt trong mắt của chính người Việt Nam, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng trong nước. Ông mở một cửa hàng ngay trung tâm TP. HCM, trái cây chất lượng cao, mẫu mã đẹp được bày biện không thua kém trái cây ngoại.

Chưa bao giờ hết niềm đam mê nâng tầm trái cây Việt, ở đâu có quả ngon thì ông Tùng sẽ tìm đến, cho dù đường sá gập ghềnh, thời tiết rất bất lợi, thậm chí đi đường xóc bị say xe rồi “bị ói” như lời kể của ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) trong buổi họp báo.

“Mọi người bảo tôi trong Nam có sẵn trái cây rồi cần gì phải vượt mưa bão lên Sơn La cho vất vả. Tôi đã mang các sản phẩm tinh hoa xuất đi Mỹ nhưng thấy bà con khổ quá. Tôi làm vì đam mê, muốn mang tất cả sản phẩm Việt ra thế giới. Tôi cũng muốn người Việt trân trọng sản phẩm Việt Nam, tại sao thế giới trân trọng mà mình lại chê”, ông Tùng chia sẻ.

Để hàng Việt được trân trọng hơn trên tay người Việt
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group

Từ ngày 23-25/10 tới đây, Vina T&T Group sẽ cùng 83 doanh nghiệp khác là những đơn vị đến từ các ngành hàng chủ lực của Việt Nam như: cà phê, trà, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản, dệt may, da giày, balo, túi xách,…làm nên 100 gian hàng tại khu vực sân vườn hoa tượng đài vua Lý Thái Tổ, khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong sự kiện Tuần hàng “Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam”.

Đây là sự kiện lớn đầu tiên được Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, và UBND thành phố Hà Nội tổ chức nhằm quảng bá cho các sản phẩm Việt Nam có chất lượng cao tới người tiêu dùng cả nước, góp phần thúc đẩy cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, danh mục hàng hoá được trưng bày là những sản phẩm thuần Việt, mang đậm bản sắc, đã được chỉ dẫn địa lý, được tôn vinh là hàng nông sản tiêu biểu, hàng OCOP…đã được thị trường quốc tế công nhận.

Năm nay, do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Central Retail tại Việt Nam đã linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sang tổ chức tại Hà Nội thay vì tổ chức tại Thái Lan như mọi năm nhằm nêu cao giá trị tự hào hàng Việt Nam – tự hào tinh hoa dân tộc và thúc đẩy phát triển tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước với gần 100 triệu dân.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam còn cho biết sẽ áp dụng triển khai chương trình này tại hơn 200 cửa hàng của Central Retail trên toàn quốc (bao gồm GO!/Big C, Robins, Nguyen kim, LanChi). 

Tại mỗi siêu thị sẽ thiết kế riêng một khu vực trưng bày, quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia tuần hàng, kèm với đó là hàng loạt hoạt động dùng thử, trải nghiệm sản phẩm, và các chương trình khuyến mại lớn để quảng bá các sản phẩm Việt Nam. Từ đó, người Việt sẽ hiểu chất lượng hàng Việt, để tin dùng và tự hào về hàng Việt hơn.

“Cơ hội ngàn năm có một”

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố tháng 10/2020, IMF dự báo GDP Việt Nam năm 2020 sẽ đạt 340,6 tỷ USD. Theo đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam được IMF dự báo sẽ đạt gần 3.500 USD/người và xếp thứ sáu trong khu vực ASEAN. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2019 khoảng 2.700 USD.

Bà Nga cho rằng, đây là “cơ hội ngàn năm có một” để hàng hoá mang chất lượng quốc tế của Việt Nam tiếp cận với thị trường trong nước. Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bản thân các nước nhập khẩu không đủ lực lượng lao động để bốc dỡ hàng hoá. Nhận ra điều này, các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã có các chương trình thúc đẩy tiêu thụ nội địa.

Để hàng Việt được trân trọng hơn trên tay người Việt 1
Buổi họp báo công bố sự kiện tuần hàng "Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam"

Thu nhập bình quân đầu người gia tăng khiến cho sức mua tăng lên, người tiêu dùng Việt đã có khả năng mua các sản phẩm trước đây vốn chỉ dành cho xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.

Qua thời gian, cùng với những thay đổi không ngừng, và đặc biệt là sau “cú sốc” Covid-19, thói quen, hành vi của người tiêu dùng cũng như phương thức phục vụ và cách tiếp cận thị trường đã thay đổi.

Đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khoẻ, người tiêu dùng dù hạn chế chi tiêu bằng việc cắt bớt các khoản không cần thiết và lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng nhưng cũng sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để mua các sản phẩm tốt cho sức khoẻ.

Theo ông Toản, sản phẩm nông sản vẫn luôn chiếm lĩnh hầu hết trên mâm cơm hàng ngày nhưng cách ăn, cách tiêu dùng đã khác xưa. Con người ăn ít hơn nhưng đòi hỏi chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và có thương hiệu, ngày càng nhiều người tìm đến mua hàng ở các siêu thị thay vì “tiện đường” mua hàng ở các chợ cóc.

Trong đó, thị trường thủ đô là một thị trường hấp dẫn với 10 triệu dân, khách vãng lai du lịch nhiều, cũng là nơi nhiều người có mức thu nhập cao từ các vùng miền tìm đến sinh sống. Bên cạnh đó, quy mới dân số Hà Nội có 2/3 là giới trẻ, đòi hỏi chất lượng sản phẩm ngày càng cao.

Bản thân Hà Nội là trung tâm tiêu dùng nhưng cơ cấu nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ. Khả năng tự cung chưa đủ nhưng nhu cầu rất lớn, đặc biệt đối với các sản phẩm chất lượng cao. Ông Toản cho rằng Hà Nội cần trở thành trung tâm để các địa phương vệ tinh là nhà cung cấp.

Lãnh đạo Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản nhìn nhận, các doanh nghiệp, nhà phân phối và người nông dân rất vất vả. Cần tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thêm thương hiệu và nhãn mác cho bà con, thậm chí là tìm hiểu cái gu của người tiêu dùng mỗi thị trường để điều chỉnh trong sản phẩm, bán giá tốt để bù đắp chi phí. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa nhà cung cấp và nhà phân phối để thiết lập mạng lưới phân phối rộng khắp.

“Phải làm thế nào để tất cả các bên, bao gồm cả khách hàng, cùng được hưởng lợi. Phải tiêu dùng với giá trị xứng đáng với công sức người nông dân bỏ ra”, ông Toản nói.

Trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực, những lô hàng Việt Nam đầu tiên đã cập bến thị trường châu Âu khó tính với mức thuế suất ưu đãi, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu hoàn toàn có quyền lựa chọn Việt Nam là một điểm đến cho các sản phẩm của họ.

Lúc này, hàng hoá của Việt Nam cũng cần phải được nâng cấp về chất lượng, mẫu mã để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm cao cấp từ nước ngoài và khẳng định được chỗ đứng trên chính mảnh đất của mình.