Đầu tư vào văn hoá để hướng đến thương hiệu vĩ đại và trường tồn

Đặng Hoa - 07:50, 15/09/2020

TheLEADERVăn hóa doanh nghiệp tồn tại tự nhiên như khí trời mà con người vẫn hít thở, nhưng lại là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành hay bại của doanh nghiệp trong việc chiếm trọn trái tim của bất kỳ ai có tương tác với tổ chức.

Đầu tư vào văn hoá để hướng đến thương hiệu vĩ đại và trường tồn
Vingroup nổi tiếng với bộ giá trị cốt lõi gồm 6 chữ: Tín, tâm, trí, tốc, tinh, nhân.

Góc nhìn từ đại dịch

Khi Covid-19 xảy ra, nhà lãnh đạo nhiều khi phải ra mặt nhiều hơn, phải đưa ra các quyết định khó khăn hơn rất nhiều bởi cả ba nguồn vốn quan trọng của doanh nghiệp gồm tổ chức, thông tin và nhân sự đều bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh mọi thứ đang trở nên bất ổn và không chắc chắn, việc thực hành và duy trì văn hoá vốn được nói đến rất nhiều những ngày yên ổn trước đây không phải là điều mà doanh nghiệp nào cũng làm được.

Theo ông Lê Quang Vũ, CEO Blue C, việc nói về văn hoá doanh nghiệp hay vẽ ra một số tầm nhìn, giá trị cốt lõi và mỹ từ thường không quá khó; nhưng để có thể thực hiện, để đội ngũ thấm nhuần và để tất cả mọi người có thể hiểu và tin vào văn hoá lại không hề đơn giản.

Đặc biệt, Covid-19 diễn ra là lúc các doanh nghiệp nhìn thấy được độ khớp nối giữa những gì họ nói và những thứ họ làm. Khi những thứ doanh nghiệp nói và những điều doanh nghiệp thể hiện giống nhau cũng là lúc doanh nghiệp chứng tỏ được sự tồn tại vững chắc trên thực tế của văn hoá, chứ không chỉ được thể hiện qua mỹ từ.

Vietnam Airlines nói rằng họ đặt tầm nhìn trở thành hãng hàng không số 5 sao hàng đầu châu Á, sứ mệnh là hãng hàng không quốc gia của Việt Nam, với năm giá trị cốt lõi gồm: An toàn là số 1, khách hàng là trung tâm, người lao động là tài sản quý giá nhất, không ngừng sáng tạo, và là tập đoàn hàng đầu có trách nhiệm.

Khi Covid-19 diễn ra, những gì hãng bay này thực hiện thể hiện đúng với những gì đã nói. Cụ thể, các phi công, tiếp viên xung phong tham gia hàng chục chuyến bay giải cứu người Việt còn bị mắc kẹt tại các tâm dịch như Vũ Hán, Guinea xích đạo. 

Người Vietnam Airlines sáng tạo ra các quy trình mới, các thay đổi để vận chuyển hàng thay vì vận chuyển khách; đồng lòng giảm lương, giảm việc, động viên hỗ trợ nhau, tiếp động lực ở khu cách ly. Hãng cũng tăng cường an toàn cho nội bộ và hành khách; đồng thời nêu cao tinh thần các chiến binh sen vàng.

Sun Group nói rằng sứ mệnh của họ là kiến tạo những công trình, sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp, nâng cao chất lượng sống cho người dân và làm đẹp cho những vùng đất mà doanh nghiệp này đặt chân tới; với ba giá trị cốt lõi gồm: đẳng cấp, chất lượng và khác biệt.

Trong mùa Covid, doanh nghiệp này đã xây dựng bệnh viện dã chiến Tiên Sơn có đầy đủ trang thiết bị với tốc độ thần tốc, nhờ huy động được hơn 500 nhân viên tham gia làm việc 24/24. Sun Group cũng đã khơi dậy được niềm tự hào trong nội bộ và tiếp nối bằng cuộc thi "Mặt trời trong tôi".

Viettel nói rằng sứ mệnh của hãng là khởi tạo thực tại mới. Khi Covid-19 diễn ra, Viettel hỗ trợ hệ thống cầu truyền hình phục vụ công tác điều hành chống dịch; hỗ trợ giải pháp công nghệ cho 11 quốc gia chống dịch; miễn giảm cước truy cập internet cho giáo dục trực tuyến. Hãng này cũng triển khai nền tảng y tế trực tuyến giúp hàng trăm triệu người ở 11 quốc gia cập nhật tin dịch bệnh.

Vingroup nói rằng sứ mệnh của họ là vì một cuộc sống tốt hơn cho người Việt với bộ giá trị cốt lõi gồm sáu chữ: tín, tâm, trí, tốc, tinh, nhân. Khi Covid-19 diễn ra, Vingroup và Alibaba là hai tập đoàn đóng góp chống dịch nổi bật nhất châu Á.

Nhắc đến những “ông lớn” này không có nghĩa rằng chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực mới có văn hoá và để văn hoá sống sót được qua đại dịch. Doanh nghiệp nhỏ với nguồn lực về tài chính và hạn hẹp hơn cũng có thể thể hiện theo cách của riêng mình.

Từ những ngày đầu xây dựng, Blue C đã xác định tầm nhìn trở thành công ty tư vấn số 1 về truyền thông nội bộ và văn hoá doanh nghiệp. Sứ mệnh là tăng cường nội lực cho các doanh nghiệp qua các giải pháp truyền thông nội bộ và văn hoá doanh nghiệp. Ba giá trị cốt lõi của doanh nghiệp này bao gồm: làm chủ, sáng tạo, tư duy tích cực.

Khi Covid-19 diễn ra, doanh nghiệp này thể hiện đúng thế mạnh của một đơn vị mạnh về truyền thông nội bộ thông qua các hoạt động như: "C Vui 14" giúp nhân sự công ty lan toả tinh thần lạc quan đến toàn công ty trong mùa dịch thông qua các mẩu chuyện nhỏ diễn ra hàng ngày; "Time To Share" là chương trình để các nhân viên được lần lượt “lên sóng” làm nhân vật chính một ngày, để được hỏi và trả lời, để thấu hiểu nhau và gắn kết hơn.

Có thể thấy, Covid-19 xảy ra cũng để lại cho các doanh nhân nhiều bài học sâu sắc. Trong hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu” do Báo Văn hoá phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức, CEO Blue C cho rằng, khủng hoảng chính là cơ hội để thể hiện sứ mệnh lớn, lý tưởng lớn càng trong khó khăn càng cần được thắp sáng. 

Đầu tư vào văn hoá để hướng đến thương hiệu vĩ đại và trường tồn
Ông Lê Quang Vũ, CEO Blue C cho rằng, khủng hoảng Covid-19 để lại cho các doanh nhân nhiều bài học sâu sắc

Khủng hoảng cũng là phép thử của giá trị cốt lõi, bởi lẽ nếu những điều doanh nghiệp làm không giống với những điều doanh nghiệp nói thì sẽ không còn ai tin vào nó.

Khủng hoảng là cơ hội để gắn kết, bởi lửa thử vàng gian nan thử sức. Những người cùng lãnh đạo và công ty vượt qua khó khăn sẽ là những người đi lâu cùng doanh nghiệp. Khủng hoảng là cơ hội để lãnh đạo lắng nghe và gần gũi với nhân viên. Khủng hoảng cũng là cơ hội để đánh giá con người, nhìn rõ giá trị và đóng góp của cá nhân và khả năng tiềm tàng của mỗi người.

Khủng hoảng là cơ hội để doanh nghiệp tái cấu trúc, đưa mọi thứ về thực chất và chuẩn bị cho sự trở lại mạnh mẽ hơn hậu đại dịch. Khủng hoảng là cơ hội để lãnh đạo doanh nghiệp nhìn vào bên trong tổ chức, nhìn lại chính mình và sẵn sàng cho những thay đổi.

Sau Covid-19, cách thức làm việc và lãnh đạo của các doanh nghiệp sẽ không còn như trước đây. Họ sẽ lãnh đạo bằng mục đích lớn và sự nhân văn, trao quyền và khả năng tự chủ cho nhân viên, linh hoạt với chế độ làm việc từ xa, bổ sung các lợi ích tinh thần cho nhân viên, tăng cường môi trường làm việc số.

Qua đó, cách thức truyền thông của các doanh nghiệp cũng thay đổi. Họ sẽ thực hiện điều phối thay vì khởi tạo, thảo luận thay vì truyền đạt và quản trị cộng đồng thay vì quản trị chiến dịch.

Văn hoá bắt nguồn từ điều mà vì nó doanh nghiệp tồn tại

Văn hoá doanh nghiệp, theo ông Vũ, như một cái cây. Phần rễ không nhìn thấy được là những gá trị cốt lõi, những ngầm định, ngầm hiểu và suy nghĩ chung của mọi người. Phần thân cây có thể thấy được là các quy định chính sách hệ thống được vận hành trong doanh nghiệp, lá cây là những hoạt động tập thể, văn hoá văn nghệ…

“Phần lá cây thay đổi theo mùa có thể nhìn thấy được trong khi phần rễ biểu trưng cho những giá trị cốt lõi không nhìn thấy được nhưng lại quyết định văn hoá doanh nghiệp có sống được hay không”, ông Vũ nói.

Có rất nhiều loại cây khác nhau, tương tự, văn hoá doanh nghiệp là sự lưa chọn, không có đúng sai. Mỗi doanh nghiệp có một lựa chọn văn hoá phù hợp, thể hiện sự đa dạng của văn hoá doanh nghiệp. Cây sống được hay không phụ thuộc vào môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu. Cũng tương tự, văn hoá doanh nghiệp sống được hay không phụ thuộc môi trường.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Elite PR School, ngay từ khi doanh nghiệp thành lập, văn hoá đã tồn tại. Văn hoá doanh nghiệp là tập hợp các nguyên tắc ứng xử và quy định để huy động hiệu quả các nguồn lực nội bộ để thực thi được chiến lược và kế hoạch của công ty. Văn hoá doanh nghiệp là cách các thành viên của doanh nghiệp tương tác với nhau và tương tác với đối tượng hữu quan của doanh nghiệp.

Đầu tư vào văn hoá để hướng đến thương hiệu vĩ đại và trường tồn 1
Ông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Elite PR School

Nói như chuyên gia nghiên cứu các tổ chức Edgar H. Schein, văn hoá doanh nghiệp được khám phá, sáng tạo ra trong quá trình những con người trong doanh nghiệp tìm cách thích ứng với bên ngoài và hội nhập bên trong. Văn hoá doanh nghiệp phải bắt nguồn từ điều mà vì nó doanh nghiệp tồn tại.

Theo ông Thành, văn hoá doanh nghiệp gồm có tám thành tố cơ bản. Một là văn bản về nền tảng thương hiệu như: tên, ý nghĩa, triết lý, tầm nhìn, nhiệm vụ cần hoàn thành, đặc tính, định vị, lời hứa, bộ nhận diện thương hiệu. Hai là văn bản về lịch sử thương hiệu. Ba là các văn bản quy định, nội quy, quy chế, quy trình, quy chuẩn. Bốn là các giá trị cốt lõi. Năm là sổ tay văn hoá, hành xử, ứng xử. Sáu là tài liệu đào tạo định hướng. Bảy là văn bản mô tả, hướng dẫn các quy trình, quy chuẩn. Tám là hệ thống quản trị chất lượng.

Tất cả đi kèm với một hệ thống truyền thông nội bộ rõ ràng về chiến lược và KPI, minh bạch về thông tin, chính xác về nhiệm vụ.

Trong các yếu tố trên, tầm nhìn hay mục đích cốt lõi của doanh nghiệp và nhiệm vụ cần hoàn thành được ví như trụ cột quan trọng nhất, xoay quanh nó là 6 giá trị cốt lõi của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp chọn mô hình 6 chiều kích của tổ chức.

Văn hoá doanh nghiệp là một mô hình để định hướng, điều chỉnh, hướng dẫn, kiểm soát hành vi của tất cả thành viên trong tổ chức. Văn hoá doanh nghiệp được sinh ra vì con người, do con người, bởi con người và tại con người vì hệ biểu tượng trong văn hoá doanh nghiệp cần được xây dựng trên cơ sở 6 chiều kích của con người để có thể được sử dụng trên thực tế một cách tự nguyện và hiệu quả.

Như vậy, trong văn hoá doanh nghiệp, các yếu tố kinh tế không chỉ đáp ứng về mặt chức năng mà còn là thiết kế; không chỉ là cuộc tranh luận mà còn là câu chuyện có tính thuyết phục; không chỉ là sự tập trung mà còn là sự hoà hợp; không chỉ là tư duy logic mà còn là sự đồng cảm; không chỉ cần sự nghiêm túc mà còn cần giải trí; không chỉ làm giàu mà còn tìm kiếm ý nghĩa.

Ông Thành nhấn mạnh, văn hoá doanh nghiệp cởi mở, kích thích sự sáng tạo, tôn trọng con người, liên tục cải tiến, đặt khách hàng vào trung tâm của mọi hoạt động sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

“Có thể hiểu, văn hoá doanh nghiệp là cái mà các thành viên nhìn thấy, nghe thấy và tin tưởng vào”, ông Thành nhận định.

Văn hoá doanh nghiệp là cái mà các thành viên nhìn thấy, nghe thấy và tin tưởng vào.
Ông Nguyễn Đình Thành
Đồng sáng lập Elite PR School

Sau khi đội ngũ nhân sự đã tin tưởng, theo bà Nguyễn Thu Huệ, nguyên Phó ban tổ chức văn hoá của FPT, hai bước quan trọng không kém là khiến đội ngũ hành động và quyết tâm hành động đến cùng.

Ông Thành nhận định, để văn hoá doanh nghiệp có thể đi vào đời sống một cách tự nhiên, cách duy nhất là chứng minh hiệu quả khi ứng dụng. Muốn làm được, mọi cá nhân và bộ phận trong tổ chức cần đưa các giá trị này vào thảo luận trước khi hành động, tôn trọng các giá trị ấy như một yêu cầu công việc không được bỏ qua trong khi hành động và rút ra các kinh nghiệm cần thiết sau khi hành động.

Theo bà Huệ, cũng giống như tập gym. Ai cũng biết, hiểu và tin vào lợi ích của việc tập gym, nhiều người đã tiến hành những ngày tập đầu tiên nhưng mấy ai duy trì được đến cùng. Văn hoá doanh nghiệp phải được thực hành liên tục và đều đặn để trở thành một cái nếp hàng ngày, phải thấm vào máu, biểu hiện hành vi một cách tự nhiên mà không cần cố gắng.

Muốn làm được, bà Huệ cho rằng phải áp dụng kỷ luật, “kỷ luật là tự do”. Lúc đầu, nhân sự sẽ thấy khó chịu với kỷ luật, nhưng khi đã nhận thức được, thấy hiệu quả lớn trong việc xây dựng môi trường văn minh và tăng hiệu quả công việc, họ sẽ hành xử một cách tự nhiên. Ngoài ra, cũng như tập gym, nếu tập một mình sẽ thấy chán, nhưng nếu có một tập thể cùng nhau thực hiện văn hoá thì quyết tâm sẽ cao hơn rất nhiều.

Đặc biệt, sự quan tâm quyết liệt của lãnh đạo, chủ doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc triển khai thành công văn hoá doanh nghiệp. 

Điều kiện đủ, theo ông Thành, bao gồm 3 yếu tố: sự hưởng ứng tham gia của các trưởng bộ phận, quản lý cấp trung; sự hoạt động hiệu quả của bộ phận kiểm soát chát lượng; sự tồn tại và vận hành thực sự của một bộ phận chuyên trách truyền thông nội bộ chuyên nghiệp, sáng tạo và nhiệt huyết.