Để ngành gỗ đạt mục tiêu xuất khẩu

Phạm Nhật - 08:35, 22/01/2024

TheLEADERThách thức và cơ hội đối với ngành lâm nghiệp trong năm 2024 cũng như giai đoạn xa hơn đều liên quan đến vấn đề về tính bền vững.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt 14,4 tỷ USD, giảm 15% so với năm 2022 và thấp hơn so với mục tiêu đề ra, do những khó khăn, bất ổn tại những thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Nhật Bản, EU.

Theo ông Cao Chí Công, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), bước sang năm 2024, xuất khẩu lâm nghiệp có thể còn khó khăn hơn. Không chỉ đối mặt với bài toán kinh tế thế giới bất ổn, ngành lâm nghiệp còn phải giải quyết vấn đề về rào cản thương mại.

Tiêu biểu phải kể đến việc EU triển khai đạo luật về chống suy thoái rừng. Tính riêng 11 tháng năm 2023, quy định mới này khiến xuất khẩu gỗ vào thị trường EU giảm đến hơn 30% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam là Mỹ cũng đưa ra yêu cầu thắt chặt các quy định liên quan đến sử dụng lao động trong ngành lâm nghiệp.

Với những yêu cầu mới, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản phải giải quyết nhiều bài toán như xác định vị trí đất sản xuất không liên quan đến phá rừng, đảm bảo các tiêu chí về lao động, rất khó khăn và phát sinh nhiều chi phí.

Khó khăn gia tăng nhưng ngành lâm nghiệp không thiếu cơ hội để tận dụng. Theo ông Thang Văn Thông, Phó chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam, phụ phẩm của ngành lâm nghiệp có thể đạt đến 32 tấn/héc-ta nhưng chưa được khai thác phù hợp.

Tuy là phụ phẩm nhưng giá trị những của những sản phẩm này không hề thấp. Chẳng hạn, vỏ cây có thể được ứng dụng làm dăm gỗ, viên nén đốt, được bán với giá hơn 1 triệu đồng mỗi tấn.

Hiện nay, nhu cầu chuyển đổi xanh đang tăng cao ở tất cả các ngành công nghiệp, do đó tiềm năng phát triển thị trường cho sản phẩm viên nén đốt làm từ phụ phẩm gỗ là rất lớn.

Bên cạnh đó, vừa qua, Việt Nam đã nhận được khoản tiền thanh toán đầu tiên từ việc bán tín chỉ carbon rừng. Cụ thể, hơn 10 triệu tín chỉ rừng được bán cho Ngân hàng Tái thiết và phát triển thuộc Ngân hàng Thế giới với đơn giá 5 USD/tín chỉ. Hiện nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã nhận số tiền thanh toán đợt một là hơn 40 triệu USD và giải ngân toàn bộ cho các địa phương có diện tích rừng thuộc dự án.

Có thể thấy, cơ hội và thách thức của ngành lâm nghiệp trong năm 2024 và giai đoạn tới đều liên quan đến tính bền vững. Đây cũng là lý do, theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest, cho biết, giải pháp trọng tâm của ngành gỗ và lâm nghiệp Việt Nam năm 2024 là phát triển bền vững dựa trên giảm phát thải và sử dụng gỗ có chứng chỉ.

Ông Lập nhấn mạnh, xây dựng hình ảnh gỗ, lâm sản Việt Nam dựa trên tính bền vững là điều kiện tiên quyết để xây dựng thị trường, từ đó đảm bảo xuất khẩu được thông suốt, hướng đến mục tiêu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt ra là tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 17,5 tỷ USD năm 2024.

Song song với đó, triển khai giải pháp chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp lâm nghiệp thông qua áp dụng công nghệ cũng là giải pháp quan trọng.