Tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch sáu khu vực dự trữ titan.
Ngày 9/10, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh này đã có công văn tiếp tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đến những khó khăn khi triển khai quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan theo phê duyệt tại Quyết định số 1546 ngày 3/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị tạm dừng cấp phép thăm dò, khai thác
Theo tỉnh Bình Thuận, quy hoạch trên đến nay đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập bởi chồng lấn với 33 dự án phát triển kinh tế - xã hội khác đã được chấp thuận đầu tư với tổng diện tích chồng lấn 4.576 ha.
Tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng, phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia lên đến 82.700 ha thuộc địa bàn tỉnh gây rất nhiều khó khăn trong việc thu hút, kêu gọi đầu tư.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị điều chỉnh quy hoạch titan theo hướng cắt giảm diện tích thăm dò, khai thác. Cụ thể, đối với tám khu vực chưa cấp phép thăm dò, tỉnh này đề nghị chỉ để lại một khu vực là Lương Sơn III với diện tích 1.000 ha nhằm hoán đổi các dự án đã cấp phép, một khu vực đưa vào dự trữ và sáu khu vực đưa ra khỏi quy hoạch.
Tỉnh Bình Thuận đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan sớm hoàn tất việc điều chỉnh quy hoạch titan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2018. Đồng thời đề nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường tiếp tục tạm dừng cấp mới giấy phép thăm dò quặng titan cho đến khi ban hành quy hoạch titan điều chỉnh, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bình Thuận cũng đề nghị rà soát tổng quy mô trữ lượng, công suất khai thác của các mỏ đã cấp phép thăm dò, khai thác và hiện trạng đầu tư nhà máy chế biến sâu để quy hoạch phân kỳ cấp phép thăm dò, khai thác hợp lý, đảm bảo nguyên tắc khai thác gắn với chế biến sâu. Trường hợp chưa đầu tư được nhà máy chế biến sâu titan thì kiến nghị cơ quan liên quan tạm dừng cấp phép thăm dò, khai thác để thuận lợi cho việc chấp thuận đầu tư các dự án khác.
Đánh giá lại việc đảm bảo môi trường 3 dự án
Đặc biệt, tỉnh cũng đề nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường thanh tra toàn diện giấy phép các dự án titan theo định kỳ hằng năm để kịp thời xử lý các sai phạm và hướng dẫn cho chủ đầu tư thực hiện tốt các quy định của pháp luật về khoáng sản, môi trường, tài nguyên nước và đất đai, không để xảy ra các sự cố môi trường và các sai phạm khác.
Tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ chấp thuận đưa một số vị trí đã cấp phép thăm dò, khai thác titan ra ngoài quy hoạch hoặc đưa vào trữ lượng khoáng sản và hoán đổi vị trí khác để giảm sự chồng lấn giữa quy hoạch titan với các dự án kinh tế - xã hội khác của tỉnh.
"Đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận đánh giá lại, từ bỏ tư duy phát triển dựa vào tài nguyên khoáng sản vốn rất có hạn, không tái sinh để đảm bảo phát triển kinh tế một cách bền vững", TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng Ban chiến lược và khoa học công nghệ, Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam nhìn nhận.
Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, khai thác khoáng sản titan phải đi đôi với phát triển bền vững, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội và bảo vệ môi trường.
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.