Đề xuất dự án 8,4 nghìn tỷ đồng phát triển thủy sản bền vững

Hạ Vũ - 13:06, 06/08/2019

TheLEADERDự án phát triển thủy sản bền vững trị giá 8,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 363 triệu USD vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đề xuất chiều qua, với phần lớn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới.

Đề xuất dự án 8,4 nghìn tỷ đồng phát triển thủy sản bền vững
Khu nuôi tôm của Công ty thủy sản Việt Úc.

Ông Phạm Anh Tuấn, đại diện nhóm công tác chuẩn bị đề xuất dự án cho biết, dự tính dự án thực hiện trong 6 năm (2021 - 2026), với mục tiêu nâng cao năng lực quản lý và giá trị gia tăng sản phẩm thuỷ sản, hội nhập quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu.

Trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 6.605 tỷ đồng, vốn đối ứng trong nước là 1.616 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) là 138 tỷ đồng.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho ngành kiểm ngư phục vụ khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản hiệu quả, bền vững; nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiết yếu phục vụ chọn tạo giống tôm bố mẹ nhằm chủ động sản xuất trong nước tôm bố mẹ có chất lượng cao, sạch bệnh.

Đồng thời, tăng cường quản lý, tổ chức sản xuất chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU); giảm tổn thất sau khai thác hải sản, giảm dịch bệnh, nâng cao chất lượng, năng suất, giá trị sản phẩm tôm nuôi, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Đối với các địa phương, xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá hiện đại, đồng bộ; hình thành và phát triển các trung tâm nghề cá lớn có quy mô cấp quốc gia, tạo động lực hỗ trợ khai thác hải sản đặc biệt là khai thác hải sản xa bờ, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Bên cạnh đó, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thiết yếu các vùng sản xuất tôm giống, vùng nuôi tôm nước lợ tập trung nhằm sản xuất tôm giống có chất lượng cao, sạch các tác nhân gây bệnh, nuôi tôm có hiệu quả...

Trong phạm vi của dự án, đối với cấu phần do Bộ NN&PTNT thực hiện sẽ đầu tư hạ tầng tại Cơ quan Kiểm ngư Vùng I (Hải Phòng), các cơ sở nghiên cứu chọn tạo giống tôm bố mẹ thuộc Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I, II, và III tại Hải Phòng, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu và Khánh Hoà.

Các đầu tư phi công trình cần thiết như xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thuỷ sản, nâng cao năng lực quản lý khai thác hải sản tuân thủ IUU, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, tiến tiến trong khai thác, bảo quản sau khai thác... triển khai trên toàn quốc, tập trung ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. 

Trong đó đặc biệt ưu tiên các tỉnh Thanh Hoá, Quảng Trị, Bình Định, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang là các địa phương trọng điểm về khai thác hải sản và nuôi tôm nước lợ.

Đối với cấu phần do các tỉnh thực hiện, dự án sẽ triển khai tại 33 huyện của 10 tỉnh gồm: Thanh Hoá, Quảng Trị, Bình Định, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

Dự án Phát triển thuỷ sản bền vững là dự án có tính chất quan trọng, giúp giải quyết những khó khăn, thách thức đối với ngành khai thác hải sản và nuôi tôm nước lợ.

Ngành thủy sản đang được kỳ vọng lớn, đòi hỏi phải có giải pháp phát triển toàn diện, đồng bộ cho cả khai thác và nuôi trồng như đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, sản phẩm trọng điểm của ngành.