Đề xuất giảm phí hạ tầng cảng biển ở TP.HCM

Hứa Phương - 15:16, 11/06/2022

TheLEADERSở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất giảm 50% phí hạ tầng cảng biển với hàng chở bằng đường thuỷ, áp dụngmức thu như nhau với doanh nghiệp mở tờ khai ở thành phố và các địa phương.

Sau hơn hai tháng triển khai thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn, Sở Giao thông vận tải vừa có báo cáo gửi UBND TP.HCM để trình HĐND thành phố điều chỉnh.

Cụ thể, giảm 50% mức phí với hàng xuất nhập khẩu chở bằng đường thuỷ nhằm khuyến khích doanh nghiệp giảm sử dụng đường bộ, góp phần hạn chế ùn tắc, tai nạn. Việc vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ đến cảng có chi phí thấp, chở được nhiều nhưng hiện nay thị phần chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại chủ yếu thông qua đường bộ.

Đề xuất giảm phí hạ tầng cảng biển ở TP.HCM
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất giảm phí hạ tầng cảng biển

Đáng chú ý, Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị thành phố xem xét giảm mức thu với doanh nghiệp các tỉnh bằng các tổ chức, cá nhân ở thành phố.

Trước đó, do lượng hàng qua cảng biển TP.HCM có 60% đến từ các địa phương khác nên thành phố áp dụng thu phí với hàng hoá xuất nhập nhẩu mở tờ khai từ các tỉnh cao hơn. Mục đích nhằm điều tiết hàng qua các cảng biển khác ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An...

Tuy nhiên việc thu phí này đã bị các địa phương, doanh nghiệp phản đối gay gắt. Bởi TP.HCM áp dụng thu phí với hàng hoá xuất nhập nhẩu mở tờ khai từ các tỉnh cao hơn làm các doanh nghiệp cho rằng bị phân biệt đối xử, làm phát sinh thêm nhiều chi phí.

Đơn cử như Công ty TNHH Dona Pacific Viet Nam, địa chỉ tại khu công nghiệp Sông Mây, tỉnh Đồng Nai cho rằng chi phí logistics của Việt Nam đang cao gấp đôi các nước phát triển và việc thu phí này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, làm tăng giá thành sản phẩm.

Ở góc độ thu hút đầu tư, thời gian qua nhiều doanh nghiệp FDI chọn các tỉnh phía Nam làm địa bàn sản xuất nhưng hiện TP.HCM áp dụng thu phí cảng biển sẽ khiến họ phải tính toán lại chi phí hoạt động. Qua việc TP.HCM áp dụng thu phí cảng biển, Công ty TNHH Dona Pacific Viet Nam nhận định sẽ làm giảm tính thu hút của các tỉnh thành khu vực phía Nam.

Còn theo Hội xuất nhập khẩu Bình Dương thì các doanh nghiệp dù hoạt động ở TP.HCM hay Bình Dương cũng đều được thành lập theo luật pháp Việt Nam và được bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật.

Do đó quy định có sự chênh lệch về mức phí phải nộp giữa các doanh nghiệp mở tờ khai ở TP.HCM và các tỉnh thành khác đã tạo ra sự bất bình đẳng về năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng nêu ba điểm không phù hợp.

Thứ nhất TP.HCM đã gia tăng thêm chi phí mới cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong bối cảnh chi phí logistics đã tăng quá cao. Việc áp dụng thu phí với hàng hoá xuất nhập nhẩu mở tờ khai từ các tỉnhcao hơn của TP.HCM cũng “ngược dòng” với chủ trương của Chính phủ về thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sau dịch Covid-19.

Thứ hai, quy định mức thu phí có sự chênh lệch giữa mở tờ khai ở TP.HCM và ngoài TP.HCM dẫn đến không phù hợp Luật phí, lệ phí và Luật Hải quan.

Thứ ba, việc quy định không chính xác về một số đối tượng thu phí cũng không phù hợp với pháp luật về phí, lệ phí qua đó làm ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp vào chính sách pháp luật của nhà nước.

Do có nhiều địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội bày tỏ ý kiến không đồng tình với việc thu phí hạ tầng cảng biển của TP.HCM, mới đây Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã làm việc với bộ ngành liên quan và thành phố. Sau đó, Sở Giao thông vận tải đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM để trình HĐND thành phố điều chỉnh.

TP.HCM triển khai thu phí hạ tầng cảng từ đầu tháng 4, sau hai lần lùi kế hoạch. Quy trình thu phí triển khai qua hệ thống điện tử, không dùng tiền mặt. Mức thu thấp nhất 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng không đóng trong container (hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM); cao nhất 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet (hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, chuyển khẩu).

Các trường hợp được miễn phí gồm hàng nhập khẩu phục vụ an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, khắc phục thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM tính toán, đến năm 2025 nguồn thu phí hạ tầng cảng biển dự kiến đạt 16.000 tỷ đồng. Sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu sẽ được đầu tư các công trình quanh cảng.

Đây là một phần trong kế hoạch bổ sung vốn đầu tư những tuyến đường kết nối các cảng bị chậm trễ nhiều năm do thiếu nguồn lực.