Đề xuất lãi suất tiền gửi về 0% không khả thi, thiếu cơ sở

Hoài An - 14:09, 23/06/2021

TheLEADERTheo TS. Cấn Văn Lực, việc đưa lãi suất tiền gửi về mức 0% không khả thi trong bối cảnh mức độ rủi ro, lạm phát của Việt Nam cao hơn khu vực cũng như quốc tế.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) trong văn bản mới đây đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/ năm. 

Nguyên nhân là bởi hiện nay, lãi suất tiền gửi VND ngắn hạn và trung hạn đang ở mức 3,5 – 6,2% - được đánh giá là mức rất cao so với các nước Âu Mỹ hay so với ngay trong khối ASEAN, dẫn đến lãi suất cho vay gấp từ 2 – 3 lần.

VAFI nhận định đây là một bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình.

Cùng với đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những tiền đề vững chắc như các nước trong khu vực, để có thể thực hiện đưa dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm, như chính trị ổn định, tăng trưởng tốc độ cao, hàng năm có lượng kiều hối lớn.

Không chỉ vậy, dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng mạnh, hệ thống ngân hàng nội địa đã vững mạnh hơn trước rất nhiều, xét về quy mô vốn và trình độ quản trị doanh nghiệp.

Tuy vậy, ở góc độ chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đánh giá đề xuất trên còn thiếu cơ sở và không khả thi vì nhiều lý do:

Thứ nhất, so sánh lãi suất danh nghĩa quốc tế như trong đề xuất là khập khiễng, vì mức độ rủi ro của Việt Nam cao hơn so với đa số các nước trong khu vực. S&P xếp hạng Việt Nam ở mức BB, trong khi Indonesia ở mức BBB, Philippines, Thái Lan ở mức BBB+, Malaysia ở mức A-, Singapore ở mức AAA.

Theo quy luật tài chính, rủi ro cao thì mức lãi suất phải cao hơn để bù đắp rủi ro đó.

Đề xuất lãi suất tiền gửi về 0% không khả thi, thiếu cơ sở
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV.

Vì thế, khi doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đi vay vốn nước ngoài bằng USD trung hạn (kỳ hạn 1 – 5 năm), mức lãi suất yêu cầu thường là 3 – 6%/năm, tùy vào thời hạn, mức độ rủi ro cũng như tiềm năng của doanh nghiệp, các dự án đầu tư.

Cùng với đó, theo ông Lực, khi xếp hạng, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã tính đến hầu hết các yếu tố mà VAFI đề cập đến như chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế, yếu tố vĩ mô, hệ thống tài chính, ngân hàng.

Thứ hai, lạm phát tại Việt Nam cao hơn nhiều so với quốc tế và khu vực.

Đơn cử như năm 2020, CPI của Việt Nam là 3,2% trong khi mức toàn cầu chỉ là 2%. Dự báo lạm phát của Việt Nam có thể chạm 3,5% năm nay, trong khi toàn cầu chỉ khoảng 2,8%.

Do vậy, người dân khi gửi tiền vào ngân hàng, tâm lý hợp lý là kỳ vọng mức lãi suất cao hơn lạm phát để hưởng lãi suất dương, thay vì mất tiền vô hình.

Thứ ba, khi lãi suất tiền gửi là 0%, lạm phát ở mức 3,5%, người dân sẽ mang tiền đầu tư thay vì gửi vào ngân hàng. Điều này sẽ khiến hệ thống ngân hàng thiếu tiền gửi, đối mặt với rủi ro thanh khoản, không có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu tín dụng.

“Hệ thống tài chính, tín dụng có thể bị rối loạn, doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư kinh doanh, dẫn tới thiếu nguồn lực cho tăng trưởng”, ông Lực phân tích với TheLEADER.

Không chỉ vậy, khi lãi suất tiền gửi quá thấp, dòng tiền đầu tư có thể đổ vào các kênh như bất động sản, chứng khoản, vàng, tiền kỹ thuật số, gây ra nhiều rủi ro. Trên thực tế, những tháng đầu năm nay đã ghi nhận tình trạng này khi tiền gửi ngân hàng tăng nhẹ, tiền cá nhân đổ vào các lĩnh vực rủi ro tăng cao.

Cuối cùng, VAFI cho rằng dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán. Khi đó, doanh nghiệp huy động vốn thông qua trái phiếu, chủ yếu tín chấp thay vì có tài sản đảm bảo, doanh nghiệp sẽ phải trả lãi suất khá cao, đơn cử hiện nay lãi suất trái phiếu doanh nghiệp khoảng 10 – 12%, cao hơn mức vay ngân hàng khoảng 1 – 3%/năm.

“Liệu đây có phải là cách huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp hay không?”, ông Lực đặt vấn đề.