Đi chợ, mua rau, mua cá, uống cà phê bằng mã QR

Việt Hưng - 14:44, 12/01/2024

TheLEADERKhông chỉ những cửa hàng lớn tích hợp thanh toán với các fintech, mà cả các cửa hàng bán rau, thịt cá hay ở các cửa hàng tạp hoá cũng đã áp dụng cách nhận tiền thanh toán của khách hàng qua phương thức mã QR.

Những năm gần đây, phương thức thanh toán không tiền mặt và thanh toán di động đã trở thành một xu hướng tất yếu của thời đại số.

Đây cũng là làn sóng công nghệ lớn có sức mạnh thay đổi cục diện thị trường tài chính - tiêu dùng, ngày càng lan rộng và được chứng minh bằng những con số ấn tượng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, tăng gần 50% so với năm 2022. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu tỷ đồng.

Trong đó, thanh toán qua phương thức mã QR đạt gần 183 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 116 nghìn tỷ đồng (tăng gần 172% về số lượng và hơn 74% về giá trị so với năm trước). So với các xu hướng khác thì thanh toán không tiền mặt trở nên hiện thực hóa nhanh hơn bao giờ hết tại Việt Nam.

Không chỉ những cửa hàng lớn tích hợp thanh toán với các fintech, mà cả các cửa hàng bán rau, thịt cá hay ở các cửa hàng tạp hoá cũng đã áp dụng cách nhận tiền thanh toán của khách hàng qua phương thức mã QR.

Thậm chí, thế hệ gen Z hay dân văn phòng, shipper…. giờ đây ngày càng hiếm việc đọc số tài khoản mà thay vào đó mọi người đưa mã QR để người khác chuyển tiền. Hình thức này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chính xác thông tin người nhận mà người dùng còn tận hưởng sự thuận tiện và an toàn trong các giao dịch thanh toán.

Đi chợ, mua rau, mua cá, uống cà phê bằng mã QR
Thanh toán qua mã QR đạt gần 183 triệu giao dịch trong năm 2023

Thanh toán không tiền mặt trở nên phổ biến đến nỗi nhiều người bây giờ có thể ra đường mà không cần cầm tiền mặt. Điều này như giấc mơ của các nhà sáng lập MoMo, một giấc mơ mà vào mỗi buổi sáng thức dậy đi mua gói xôi, uống ly cà phê đá, ly nước mía… chỉ cần một chiếc điện thoại.

Bà Nguyễn Linh Trang - Giám đốc Trung tâm Thanh toán và Dịch vụ hằng ngày của MoMo cho biết: "Là một xu thế tiến bộ của xã hội, việc sử dụng một ứng dụng có thể thanh toán được mọi mã QR Ngân hàng để chuyển tiền đang được người tiêu dùng Việt hưởng ứng vì không cần phải tải nhiều ứng dụng hay phải mất nhiều thao tác".

Bà Trang cho biết, điều này lý giải được việc dùng MoMo quét mọi mã QR ngân hàng (VietQR) được nhiều người yêu thích và chọn sử dụng trong thời gian gần đây.

Nhất là trong bối cảnh càng vào dịp cuối năm, nhu cầu chuyển tiền thanh toán hàng hóa, dịch vụ và mua sắm tiêu dùng tăng cao.

Năm nay, nỗi ám ảnh xếp hàng rút tiền từ máy ATM tại các siêu thị, hay khu công nghiệp đã giảm đi rất nhiều khi người người sử dụng các phương thức không sử dụng tiền mặt, điển hình là sử dụng ứng dụng tài chính quét mã QR.

Đi chợ, mua rau, mua cá, uống cà phê bằng mã QR 1
Việc quét mọi mã QR ngân hàng được nhiều người yêu thích

Đồng quan điểm, đại diện Visa Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng trong nước đang nhanh chóng thích nghi với thanh toán số và ngày càng hạn chế sử dụng tiền mặt khi thực hiện giao dịch.

Nghiên cứu của Visa chỉ ra, có tới 90% người được khảo sát đã thực hiện giao dịch thanh toán không tiền mặt, có 66% người dùng thanh toán thẻ trực tuyến, 70% thanh toán ví điện tử trực tuyến hoặc trong ứng dụng, tăng 32% so với năm trước; tỷ lệ thanh toán bằng mã QR gia tăng vượt bậc, với 61% (năm trước 35%).

Hai lý do phổ biến nhất khiến người dùng hạn chế mang tiền mặt là nguy cơ bị mất hoặc bị đánh cắp, và thực tế là ngày càng có nhiều doanh nghiệp tạo điều kiện và áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra 90% người tiêu dùng Việt quan tâm đến hình thức ngân hàng số. Tiềm năng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam là rất lớn, vì hiện chỉ có 30% người trưởng thành sử dụng dịch vụ này.

Khi giá trị thanh toán kỹ thuật số được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới, các doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội đầy tiềm năng để mở rộng dịch vụ kinh doanh ở thị trường trong nước.

Bước sang năm 2023, Visa ghi nhận các xu hướng sinh hoạt mới hậu Covid-19, bao gồm việc chi tiêu tại các điểm bán lẻ và các nền tảng quản lý tài chính.