Điểm sáng đầu tiên trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2022

Nhật Hạ - 20:00, 28/06/2022

TheLEADERSo với trung bình giai đoạn 2017-2021, vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong nửa đầu năm 2022 ghi nhận mức cao kỷ lục khi gấp 1,2 lần và số doanh nghiệp trở lại hoạt động cũng tăng mạnh 1,9 lần. Đây được xem là một trong những điểm sáng của kinh tế nửa đầu năm nay.

Hoạt động khởi sự kinh doanh ghi nhận sự sôi động trong nửa đầu năm nay. Con số 116.900 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đang là động lực tăng trưởng quan trọng, phản ánh xu hướng phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022.

Điểm sáng đầu tiên trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2022

Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư), cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong nửa đầu năm nay với số vốn đăng ký là 882 nghìn tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng 13,6% và số vốn giảm 6,5%. Tuy nhiên, so với trung bình giai đoạn 2017-2021, số vốn đăng ký nửa đầu năm nay đã cao gấp 1,6 lần.

Tổng số lao động đăng ký trong các doanh nghiệp này là 514,8 nghìn lao động, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong nửa đầu năm nay đạt 11,6 tỷ đồng, giảm 17%.

Bên cạnh đó, 40.667 doanh nghiệp trở lại hoạt động trong nửa đầu năm nay, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,9 lần so với trung bình giai đoạn 2017-2021.

Trong đó, các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (15.381 doanh nghiệp, chiếm 37,8%); xây dựng (5.015 doanh nghiệp, chiếm 12,3%); xông nghiệp chế biến, chế tạo (4.493 doanh nghiệp, chiếm 11,0%).

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở 17/17 lĩnh vực, mức tăng cao nhất ghi nhận ở một số lĩnh vực như: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (652 doanh nghiệp, tăng 222,8%); hoạt động dịch vụ khác (1.124 doanh nghiệp, tăng 202,2%); kinh doanh bất động sản (1.409 doanh nghiệp, tăng 69,6%); bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (15.381 doanh nghiệp, tăng 68,2%); giáo dục và đào tạo (977 doanh nghiệp, tăng 67,6%) và dịch vụ lưu trú và ăn uống (2.362 doanh nghiệp, tăng 63,5%).

Mặt khác, cả nước có 51 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước; 8,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 14%.