Điều chỉnh giá cả là chuyện thường, tại sao Hạ Long đòi tăng phí lại bị nhiều người phản đối?

Nguyễn Văn Mỹ* - 09:27, 12/08/2018

TheLEADERTrong kinh doanh, việc điều chỉnh giá cả, tăng - giảm tùy điều kiện thực tế là chuyện bình thường, ngành nào cũng có tăng và giảm. Hạ Long tăng phí cũng vậy, tại sao nhiều người lại phản đối?

Điều chỉnh giá cả là chuyện thường, tại sao Hạ Long đòi tăng phí lại bị nhiều người phản đối?
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours

Ban Quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) vừa có đề xuất tăng phí tham quan khủng: Tuyến 3, 4 lưu trú 1 đêm tăng 80% (từ 500.000 lên 900.000 đồng/ lần/ người); lưu trú 2 đêm tăng 85% (từ 650.000 lên 1,2 triệu đồng). Các tuyến khác cũng tăng đều, thấp nhất 20% trở lên.

Dư luận phản ứng mạnh mẽ, thậm chí có những đoàn đang tham quan cũng bỏ về để phản đối. Trong kinh doanh, việc điều chỉnh giá cả, tăng - giảm tùy điều kiện thực tế là chuyện bình thường. Ngành nào cũng có tăng và giảm. Hạ Long tăng phí cũng vậy, tại sao nhiều người lại phản đối?

Cái gốc là khâu quản lý 

Ở các nước, những điểm tham quan đều do bộ hoặc Tổng cục du lịch quản lý và được xếp loại theo từng cấp độ: Di sản thế giới, danh thắng và di tích quốc gia, danh thắng và di tích vùng… Mỗi cấp độ lại chia thành loại 1, 2, 3 hoặc phân loại theo sao để định phí tham quan gốc theo giá trần, phí này sẽ được cộng thêm quy mô đầu tư dịch vụ, phương tiện tại điểm đến. 

Giá cả do tiểu ban định giá đề xuất, Bộ Du lịch quyết định, có những điểm, phí tham quan mấy chục năm không đổi. Mùa thấp điểm còn giảm giá hoặc khuyến mãi kiểu mua 2 hay 3 tặng 1… Tuy nhiên, cái gốc của vấn đề không phải là liên tục tăng phí mà ở khâu quản lý, phí tham quan thả nổi, mạnh ai nấy quyết, chẳng có quy chuẩn, quy trình nào cả.

Nguồn thu chủ yếu của du lịch các nước không phải từ phí tham quan mà từ các chi phí sử dụng dịch vụ. Tiền thu từ bán vé sau khi trừ chí phí quản lý, nộp thuế, dành để bảo tồn và nâng chất dịch vụ. 

Việt Nam thì khác. Tiền thu bán vé ở Hạ Long được trích lại 11% cho Ban Quản lý thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, 89% số tiền còn lại sẽ giao cho UBND thành phố Hạ Long. Các địa phương khác cũng có tỉ lệ tương tự. 

Điều đáng nói là ngày 1/4/2017, phí tham quan vịnh Hạ Long đã được điều chỉnh tăng khủng, như vậy chỉ hơn một năm mà 2 lần tăng phí, lần nào cũng “chóng mặt”. Phí tăng nhưng chất lượng không đổi, thậm chí vệ sinh môi trường còn giảm như đặc thù khuyến mãi … “Một đi không trở lại” của du lịch Việt Nam.

Phí tham quan ở Việt Nam, chỉ có tăng và tăng, chưa bao giờ giảm với điệp khúc "Tăng, tăng nữa, tăng mãi" vô hồi. Hai địa phương đang quyết liệt giành ngôi quán quân tăng phí tham quan là Hạ Long và Ninh Bình. Trước áp lực của xã hội, ngày 1/8/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh tuyên bố “Chưa tăng phí tham quan Hạ Long”.

Chưa, có nghĩa là sẽ, vấn đề là thời gian và thời cơ. Không tăng lấy gì bù ngân sách? Mà đâu riêng gì Hạ Long và ngành du lịch mới tăng đột biến? Tạm thời lùi một bước để tiến hai bước. Phó Ban quản lý vịnh Hạ Long Phạm Đình Huỳnh còn cho rằng tăng như vậy vẫn rẻ hơn ở Trung Quốc, Campuchia, Indonesia. 

Phí tham quan Angkor 37 USD vì quần thể này rộng 420 km2, với hàng trăm đền đài, được xem là kỳ quan nhân tạo số 1 của thế giới về điêu khắc và kiến trúc. Các di sản thế giới khác như đền Preak Vihear (Preak Vihear), quần thể Sambok Preikuk (Kampong Thom) phí chỉ 10 USD. Người Khmer hoặc sinh ra tại Campuchia được miễn phí tham quan các di sản của tổ tiên họ để lại.

Ước gì việc chăm bẵm và chờ thời cơ tăng phí của Hạ Long và du lịch Việt Nam được thay thế bằng chuyện bàn cách nâng cấp dịch vụ và nâng chất phục vụ. Cho trước rồi mới nhận. Tăng phí tham quan vịnh Hạ Long chỉ là phần ngọn của vấn đề, bài toán phải được giải quyết từ gốc. Quản lý theo ngành dọc chứ không thể hình chéo ngôi sao như hiện nay. Nếu không thay đổi, chuyện tăng phí thường xuyên đột biến như lâu nay sẽ trở nên rất bình thường, không có gì mà ầm ĩ.

Hãy bớt tự hào về những con số 

Năm 2017, du lịch Việt Nam đạt gần 13.000.000 lượt khách quốc tế, 74.000.000 lượt khách nội địa, chưa kể khoảng 8.000.000 lượt người Việt ra nước ngoài. Doanh thu ước đạt 510.000 tỉ đồng. 

Những con số khá ấn tượng, có lãnh đạo ngành phấn khích tuyên bố là kỳ tích, là kỷ lục và dự báo 3 năm nữa sẽ đuổi kịp Singapore và 10 năm nữa đuổi kịp Thái Lan (với điều kiện mấy nước đó không được tăng trưởng và Việt Nam phải tăng đều như hai năm qua). 

Phấn khích là phải, từ tăng 0,9% năm 2015, nhảy lên 26% năm 2016 đã là ngoạn mục, nhưng năm 2017 tăng 29,1%. Tuy nhiên, năm 2010, du lịch Việt Nam tăng tới 34,8% sau đó thoái trào đến 2015 và nhảy vọt vào 2016 .

Tăng trưởng tốt, ai chẳng vui nhưng thử nhìn ra khu vực để biết mình đang ở đâu trong năm 2107.

Thái Lan : Diện tích 513.000 km2. Dân số 70.000.000 người. Đón khách 32.600.000 lượt (1 người dân đón 0,46 khách).

Malaysia : Diện tích 330.000 km2. Dân số 30.000.000 người. Đón khách 27.000.000 lượt (1 người dân đón 0,9 khách)

Singapore : Diện tích 722 km2. Dân số 5.700.000 người. Đón khách 18.000.000 lượt (1 người dân đón 3,158 khách)

Việt Nam : Diện tích 332.000 km2. Dân số 94.000.000 người. Đón khách gần 13.000.000 lượt (1 người dân đón 0,14 khách).

Campuchia : Diện tích 181.000 km2. Dân số 16.000.000 người. Đón khách 5.600.000 lượt (1 người dân đón 0,35 khách).

Lào: Diện tích 231.000 km2. Dân số 7.500.000 người. Đón 4.200.000 lượt (1 người dân đón 0,56 khách )

Xếp thứ tự theo lượng khách, Top đầu là Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia (Việt Nam xếp thứ 5). Xếp theo hiệu quả trên đầu người dân thì Top đầu là Singapore, Malaysia, Lào, Thái Lan, Campuchia (VIệt Nam xếp thứ 6). Du lịch Lào, dù không có biển vẫn đạt hiệu quả bất ngờ.

Phần số liệu các tỉnh năm 2017, cũng chỉ ra nhiều thứ. Xếp thứ tự theo lượng khách (số liệu của Tổng cục Thống kê và các địa phương), Quảng Ninh đón 4.300.000 khách nước ngoài, có cửa khẩu quốc tế, có vịnh Hạ Long di sản thế giới mà hiệu quả kém hơn Bình Thuận. Vùng đất nắng gió khô cằn này chỉ đón 600.000 khách quốc tế nhưng doanh thu đầu người cao hơn Quảng Ninh. Cần Thơ và Hải Phòng đều ở nhóm 1, khách đông, chi tiêu ít. Gần 2/3 địa phương có doanh thu du lịch dưới 1.000 tỉ đồng hoặc bình quân khách chi tiêu chưa tới 500.000 đồng. Tỉnh Đồng tháp đón 3.300.000 khách nhưng chỉ đạt 197.000 đồng mỗi khách..

Dù bình quân chung cả nội địa lẫn quốc tế là khả quan, nhưng phải thừa nhận là hiệu quả quá khiêm tốn. Ngược với bức tranh màu xám về doanh thu đầu người của nhiều tỉnh, mỗi khách đến các homestay trong hệ thống CBT như A Chu (Hua Tạt, Vân Hồ, Sơn La); Minh Thơ (Mai Hịch, Mai Châu, Hòa Bình)… đều chi bình quân trên 500.000 đồng khi lưu trú qua đêm. Khách đều đặn quanh năm, đầu tư ít mà hiệu quả, dù đó là những vùng sâu, lâu nay ít ai nghe biết, nói chi làm du lịch.

Mục tiêu của kinh doanh là làm giàu chính đáng, hiệu quả được đo bằng lợi nhuận theo những qui luật tự nhiên. Trái với cách làm phong trào, chỉ cần khí thế rầm rộ và số lượng ngất trời để “tự sướng” theo chủ quan của mình với các lễ hội hoành tráng.

Đã đến lúc du lịch Việt Nam phải chuyển hướng mạnh mẽ, đoạn tuyệt tư duy lễ hội hào nhoáng và những tổng kết cuối năm hả hê, phấn khởi với số liệu nhảy múa. Phải thật sự quan tâm đến hiệu quả doanh thu trên mỗi đầu khách, trên mỗi ngày lưu trú và đặc biệt là số lần khách quay trở lại.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours