Định đoạt số phận của 5 dự án nhiệt điện than tỷ đô

Nguyễn Cảnh - 08:44, 05/06/2023

TheLEADERQuy hoạch điện VIII đã xác định thời hạn triển khai cụ thể đối với 5 dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông thu xếp vốn. Đồng thời, 7 trường hợp khác đang trong gấp rút hoàn thành xây dựng để đi vào vận hành theo tiến độ.

Định đoạt số phận của 5 dự án nhiệt điện than tỷ đô
Đích hoàn thành dự án chưa cụ thể nhưng những thiệt hại, đền bù của PVN (đền bù cho PM) thì đã hiển hiện, tại dự án nguồn điện "đầu tay" của PVN từ những năm 2010 (ảnh: Nhiệt điện Long Phú, nguồn: scigroup.vn)

Theo quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt, 5 dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông thu xếp vốn gồm: Công Thanh (600MW), Nam Định (1.200MW), Quảng Trị (1.320MW), Vĩnh Tân III (1.980MW) và Sông Hậu II (2.120MW).

Quy hoạch điện VIII nêu, Bộ Công Thương làm việc với các nhà đầu tư các dự án nêu trên, cho phép kéo dài đến tháng 6/2024 mà không triển khai được thì phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật.

Như vậy, thông tin nêu trên không có khác biệt so với quan điểm của Bộ Công thương thể hiện trong tờ trình dự thảo hồi tháng 11/2022. Khi đó, trước thực trạng gặp khó trong triển khai, gian nan thu xếp vốn nhiều năm qua của 5 dự án nhiệt điện than (6.800MW), Bộ Công thương nêu quan điểm giữ lại trong quy hoạch điện VIII để tránh rủi ro pháp lý, đền bù nhà nước.

Trong số này, chỉ duy Nhiệt điện Công Thanh do doanh nghiệp trong nước (Công ty CP Nhiệt điện Công Thanh) làm chủ đầu tư, còn lại đều là dự án BOT (chủ đầu tư nước ngoài).

Được cấp chứng nhận đầu tư hoặc giao đầu tư từ nhiều năm trước (có trường hợp từ năm 2011), các dự án này đều khó khăn trong triển khai, thu xếp vốn. Tuy nhiên, không chủ đầu tư nào tự nguyện dừng dự án. Theo quan điểm của Bộ Công thương, cần tiếp tục để các dự án này trong Quy hoạch điện VIII, nhất là các dự án BOT, để tránh rủi ro pháp lý và đền bù nhà nước.

Ngoài 5 dự án gặp khó nêu trên (đều xác định triển khai giai đoạn 2021-2030), 7 dự án còn lại (khoảng 7.000MW) đang xây dựng, gồm: Thái Bình 2, Long Phú 1, Quảng Trạch 1, Vân Phong 1, Vũng Áng 2, An Khánh và Na Dương 2.

Một số trường hợp đã thu xếp được vốn, đang xây dựng và được khẳng định chắc chắn sẽ vào vận hành (Thái Bình 2, Quảng Trạch 1, Vân Phong 1, Vũng Áng 2), Long Phú 1 đang đàm phán với tổng thầu để triển khai tiếp. An Khánh Bắc Giang và Na Dương 2 đã có phương án vay vốn trong nước để triển khai tiếp.

Điểm chung của 7 dự án nêu trên là đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Ngoại trừ Na Dương II có công suất thấp (110MW), các trường hợp còn lại đều mang công suất trên 500MW. Đồng thời, theo tìm hiểu, một số dự án ghi nhận chặng đường long đong kéo dài từ thời điểm được khai sinh đến nay.

Điển hình là trường hợp nhiệt điện Long Phú 1. Thuộc danh mục dự án trọng điểm của PVN, khởi động từ hơn 12 năm trước, nhiệt điện Long Phú 1 (trị giá hơn 29.000 tỷ đồng) cuối năm 2022 vẫn nằm chờ xử lý hòa giải và đền bù giữa các bên.

Gồm 2 tổ máy 2x600MW, Nhiệt điện Long Phú 1 thuộc Quy hoạch điện VI, và là 1 trong 3 nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Long Phú (tổng công suất khoảng 4.400MW). Nhiệt điện Long Phú 1 là dự án khởi công xây dựng đầu tiên tại trung tâm điện lực này, có nhiệm vụ cung cấp điện năng lên lưới điện quốc gia, phục vụ chủ yếu cho phụ tải khu vực phía Nam và cho cả nước thông qua hệ thống lưới truyền tải 220/500KV Bắc – Nam.

Long Phú 1 là nhà máy nhiệt điện đầu tiên của Việt Nam có quy mô công suất 1.200MW sử dụng công nghệ có hiệu suất cao và thân thiện với môi trường. Nhà máy sử dụng loại than có chất lượng tốt được nhập khẩu từ Indonesia và Australia. Hợp đồng khung mua than dài hạn cho dự án đã được ký kết với các nhà cung cấp.

Theo tiến độ hợp đồng EPC, dự án phát điện thương mại tổ máy 1 vào tháng 10/2018 và tổ máy 2 vào tháng 2/2019. Nguồn vốn cho dự án được huy động 30% từ vốn đầu tư phát triển của PVN, 70% từ vốn vay, trong đó chủ yếu là vay tín dụng xuất khẩu (ECA).

Năm 2019, sau khi thông báo chấm dứt hợp đồng EPC (với lý do bất khả kháng vì bị Chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vào tháng 1/2018) và rút khỏi dự án, PM (Power Machine- nằm trong liên danh tổng thầu EPC dự án cùng PTSC, đơn vị thành viên của PVN) đệ đơn khiếu kiện PVN và PTSC lên Trung tâm trọng tài kinh tế Singapore vào tháng 8. Phiên xét xử dự kiến diễn ra vào đầu năm 2023, sau nhiều lần gia hạn. Từ tháng 3/2019 đến nay, tiến độ dự án vẫn không đổi (đạt 77,6%).

Cập nhật mới đây cho biết, PVN đồng thời tiến hành các nhóm việc như: bảo quản vật tư, thiết bị; đàm phán hòa giải ngoài tố tụng với PM; Theo đuổi vụ kiện và tiếp tục triển khai dự án.

Với diễn biến giằng co giữa các bên hơn 3 năm qua, Nhiệt điện Long Phú 1 tới cuối năm 2022 vẫn ở thế bế tắc. Đích hoàn thành dự án chưa cụ thể nhưng những thiệt hại, đền bù của PVN (đền bù cho PM) thì đã hiển hiện, tại dự án nguồn điện "đầu tay" của PVN từ những năm 2010.

Trường hợp thứ 2 đáng chú ý, là nhiệt điện BOT Vũng Áng 2. Nhiệt điện Vũng Áng 2 (tại Khu kinh tế Vũng Áng - tỉnh Hà Tĩnh) do Công ty CP Nhiệt điện Vũng Áng 2 (VAPCO) làm chủ đầu tư, với tổng công suất 1200 MW (2x600 MW). Theo kế hoạch, nhà máy sẽ vận hành thương mại tổ máy số 1 vào năm 2021, vận hành thương mại tổ máy số 2 vào năm 2022. Năm 2017, EVN và VAPCO đã ký tắt PPA.

Được nhen nhóm từ trước 2010, đây được coi là một trong những dự án nhiệt điện than BOT có tuổi đời ‘già’ nhất trong danh mục hiện hữu. 10 năm sau khi được Bộ Công thương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (năm 2011), dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng 2 vẫn chưa tiến hành khởi công và đang trong giai đoạn sơ khởi.

Đồng thời, 2 năm trước, dự án này từng vấp phải không ít phản đối khi mức phát thải dự kiến là 6,6 triệu tấn mỗi năm, và lên tới 200 triệu tấn trong vòng đời hoạt động 30 năm, trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ từ nhiệt điện than sang năng lượng sạch trên thế giới.

Năm 2009, Văn phòng Chính phủ có văn bản giao Công ty CP Nhiệt điện Vũng Áng 2 (VAPCO) là nhà đầu tư phát triển dự án, với các cổ đông ban đầu gồm: OneEnergy Asia Limited (OneEnergy), Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) và Công ty CP Cơ điện lạnh (REE). Dự án được Bộ Công thương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào năm 2011, với hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao. Tới năm 2018, VAPCO được chuyển đổi thành Công ty TNHH Một thành viên (Công ty BOT).

Thời điểm 2018, trong tổng vốn đầu tư của dự án gần 2,2 tỷ USD, VAPCO (khi này chỉ còn OneEnergy là cổ đông duy nhất) dự kiến góp khoảng 555 triệu USD. Cơ cấu tài chính của dự án thể hiện: bên cạnh phần vốn góp của VAPCO, các khoản còn lại đến từ vốn vay nhà đầu tư thứ cấp (do OneEnergy hoặc các công ty có quan hệ sở hữu của OneEnergy) cung cấp và các khoản vay cao cấp.

Số tiền của các khoản vay cao cấp được xác định gồm: Một khoản vay USD trực tiếp có thời hạn cấp bởi JBIC (Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản) và một khoản vay USD cấp bởi các bên cho vay thương mại sẽ được bảo đảm bằng Bảo lãnh rủi ro chính trị mở rộng (JBIC EPRG).

Được biết, OneEnergy (thành lập năm 2006 tại Quần đảo Cayman với mục đích duy nhất là đầu tư vào dự án) gián tiếp sở hữu bởi Mitsubishi Corporation (Nhật Bản) và CLP Power Asia Limited (Hong Kong), mỗi bên nắm 50% cổ phần. Năm 2020, Tập đoàn điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã rót 189 triệu USD mua lại 40% cổ phần từ CLP sau khi doanh nghiệp này rút khỏi dự án, kéo theo tham gia của Samsung và Doosan Heavy Industries với vai trò nhà thầu kỹ thuật, mua sắm và xây dựng.

Tháng 7/2021, Bộ Công thương có công văn 4550/BCT-ĐL đề xuất chấp thuận việc thay đổi cổ đông sở hữu nhà đầu tư OneEnergy Asia Limited. 2 tháng sau, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có kết luận tại cuộc họp về việc thay đổi cổ đông sở hữu nhà đầu tư OneEnergy Asia Limited trong dự án BOT nhà máy điện Vũng Áng 2. 

Theo đó, hợp đồng BOT và bảo lãnh Chính phủ (GGU) của Dự án nhiệt điện Vũng Áng 2 đã được Bộ Công thương ký kết với nhà đầu tư OneEnergy Asia Limited ngày 15/12/2020. Đồng thời, theo chỉ đạo liên quan của Thủ tướng (hồi tháng 4/2021), yêu cầu Bộ Công thương chịu trách nhiệm đánh giá năng lực của các cổ đông mới sở hữu nhà đầu tư OneEnergy Asia Limited trong dự án này.