Định giá tài sản sở hữu trí tuệ: Thiết yếu nhưng còn nhiều thách thức

Hường Hoàng - 13:10, 11/08/2022

TheLEADERCùng với sự phát triển nhanh, mạnh của công nghệ, các tài sản sở hữu trí tuệ giá trị cao xuất hiện ngày càng nhiều và đóng vai trò ngày càng quan trọng. Cùng với đó, định giá tài sản sở hữu trí tuệ trở nên cần thiết. Tuy vậy, do bản chất vô hình và ít công khai của tài sản sở hữu trí tuệ, việc định giá của loại tài sản này có nhiều khó khăn.

Định giá tài sản sở hữu trí tuệ: Thiết yếu nhưng còn nhiều thách thức
Hội thảo Bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0

Ngày 2/8 vừa qua, tại Hội thảo "Bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0", dưới góc nhìn của một công ty kiểm toán, chị Vũ Thị Phương Anh ( Giám đốc công ty tư vấn tài chính PwC) đã trình bày một số vấn đề tổng quát về hoạt động định giá tài sản sở hữu trí tuệ.

Tính thiết yếu của định giá tài sản sở hữu trí tuệ

Mục đích chính của việc định giá tài sản sở hữu trí tuệ đó là nhằm xác định giá cả tham chiếu của tài sản này trong nhiều hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như đảm bảo các yêu cầu về kế toán; M&A, liên doanh; mua bán, cấp phép, chuyển giao công nghệ; hay thậm chí sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ để tài trợ hoặc vay vốn…

Trong khi đó, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thương vụ M&A giữa các công ty công nghệ ngày càng gia tăng. Trong đó, tài sản sở hữu trí tuệ có thể là tài sản có giá trị lớn nhất trong công ty được mua lại, đồng thời có triển vọng mang lại tăng trưởng đột biến, bứt phá, tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho công ty mẹ trong tương lai. Chính vì thế, hoạt động định giá tài sản sở hữu trí tuệ rất quan trọng đối với những trường hợp đặc thù này.

Thêm vào đó, hoạt động định giá tài sản sở hữu trí tuệ còn là yêu cầu của chuẩn mực tài chính. Theo chuẩn mực kế toán của Việt Nam VS và chuẩn mực kế toán quốc tế thế giới IAS, nếu hoạt động M&A đáp ứng được một số tiêu chuẩn kế toán nhất định, VD: công ty mua ít nhất 51% cổ phần trở lên, hai bên sẽ phải tính toán lại rõ ràng giá trị tài sản của bên mua. Đồng thời, những tiêu chuẩn này cũng yêu cầu xác định trị giá tài sản thương hiệu của bên có để tính ra lợi thế thương mại. Đây là chính sách kế toán bắt buộc của Việt Nam và trên thế giới.

Ba phương pháp định giá tài sản trí tuệ

Trong định giá tài sản sở hữu trí tuệ có 3 phương pháp tiếp cận chính bao gồm: định giá theo thị trường, theo chi phí và theo thu nhập.

Phương pháp thị trường là phương pháp sử dụng những giao dịch quá khứ của các loại tài sản sở hữu trí tuệ gần giống hoặc tương đương để ước tính giá trị của tài sản sở hữu trí tuệ đó. Cụ thể, cơ quan kiểm toán sẽ thực hiện một số bước dưới đây. Đầu tiên, xác định những tài sản sở hữu trí tuệ tương đồng và giá của chúng và dựa vào đó để tính hệ số lợi nhuận phù hợp của tài sản (VD: hệ số giá/lợi nhuận) vì hệ số này phản ánh được những lợi nhuận chính mang về cho nhà đầu tư. Tiếp đó, ước đoán lợi nhuận tương lai của sản phẩm. Và cuối cùng là lấy hệ số lợi nhuận nhân với lợi nhuận tương lai thì sẽ được giá của tài sản sở hữu trí tuệ.

Phương pháp thị trường mang tính lí thuyết nhiều hơn là tính thực hành vì tài sản trí tuệ là những tài sản rất đặc thù, rất khác biệt. Và không giống như những thông tin về các vụ mua bán và sáp nhập trên thị trường, những thông tin về định giá tài sản sở hữu trí tuệ gần như không xuất hiện, vì thế thường sẽ không có tham chiếu để xác định giá trị tài sản sở hữu trí tuệ theo cách này. Do vậy, đây là cách ít được sử dụng nhất.

Trong khi đó, phương pháp chi phí lại định giá tài sản dựa trên những chi phí làm ra chúng. Với phương pháp này, cơ quan thẩm định sẽ định giá tài sản sở hữu trí tuệ dựa trên tổng chi phí nghiên cứu, phát triển, xây dựng hay thiết kế một tài sản sở hữu trí tuệ giống hệt hoặc tương đương với tài sản đó.

Tuy vậy, phương pháp này cũng tồn tại một hạn chế lớn: doanh nghiệp có thể đổ rất nhiều tiền ra để đầu tư phát triển ra một tài sản sở hữu trí tuệ, nhưng lợi nhuận từ tài sản đó lại chẳng đáng là bao. Hoặc ngược lại, có nhiều tài sản không được đầu tư nhiều nhưng lại được công chúng đón nhận nồng nhiệt, tạo ra doanh thu lớn.

Cuối cùng là phương pháp phí bản quyền. Phương pháp này là phương pháp định giá tài sản sở hữu trí tuệ phổ biến nhất trên thị trường. Đầu tiên, cơ quan thẩm định sẽ xác định doanh thu tiềm năng từ tài sản sở hữu trí tuệ, từ đó sẽ xác định được riêng doanh thu từ phí bản quyền của tài sản này. Dòng tiền thu được từ phí bản quyền sau tính toán sẽ được trừ đi thuế thu nhập, tạo ra dòng tiền tự do. Cuối cùng, các công ty kiểm toán sẽ chiết khấu dòng tiền này về hiện tại với một tỷ suất thích hợp, trừ đi thuế (nếu có), từ đó có được giá trị của tài sản sở hữu trí tuệ.

Chị Phương Anh cho biết: “Việt Nam và thế giới đang có những điểm chênh trong việc thực hiện định giá tài sản trí tuệ. Vì vậy, PwC sẽ áp dụng các phương pháp khác nhau, những tiêu chuẩn khác để định giá tài sản trí tuệ, phụ thuộc vào mục đích định giá của doanh nghiệp.”

Anh Phan Phương Linh (Giám đốc Công ty tư vấn tài chính PwC) bổ sung: “Với những doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp muốn định giá một tài sản theo quy định của nhà nước Việt Nam, PwC sẽ áp dụng phương pháp được luật pháp Việt Nam công nhận cho tài sản đó. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chỉ muốn định giá để mua bán tài sản qua lại với nhau dựa trên lợi ích, giá trị tiềm năng của tài sản đó sẽ được ưu tiên hơn. Vậy, việc PwC sử dụng phương pháp nào để định giá phụ thuộc rất nhiều vào việc doanh nghiệp định giá là ai và sử dụng với mục đích nào.”

Những khó khăn

Không giống như việc định giá của những loại tài sản khác, hoạt động định giá tài sản sở hữu trí tuệ thường gặp nhiều khó khăn hơn do tính đặc thù của nó.

Thứ nhất, có thể thấy với những tài sản hữu hình, chúng ta có thể dễ dàng xác định được giá trị thị trường của chúng. Trong khi đó, với những tài sản sở hữu trí tuệ, thông tin đại chúng thường rất hạn chế. Để có thể định giá được loại tài sản này, các công ty kiểm toán thường phải có sẵn nguồn thông tin đa dạng hoặc phải tiếp cận với các nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính lớn.

Thứ hai, hoạt động định giá tài sản sở hữu trí tuệ thường bị ảnh hưởng bởi tính chủ quan: bên mua có thể sẽ muốn định giá tài sản thấp, bên bán lại thường kỳ vọng tài sản có giá trị cao, ngoài ra hoạt động định giá còn có thể chịu ảnh hưởng từ những giả định có thể hoặc không xảy ra trong tương lai… Vì vậy, doanh nghiệp cần phân tích tài sản dưới nhiều góc độ khác nhau nhằm cải thiện tính khách quan khi đưa ra giả định.

Thứ ba, hoạt động định giá tài sản sở hữu trí tuệ đôi khi sẽ đòi hỏi một số thông tin phải được kiểm chứng qua khảo sát. Trong khi đó, đây lại là một quá trình tốn kém cả về thời gian và tiền bạc. Do đó, doanh nghiệp cần tiếp cần những chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực định gia để có thể tư vấn những phương pháp định giá phù hợp, tránh tình trạng lãng phí thời gian, công sức.

Thứ tư, giá trị của tài sản trí tuệ có thể sẽ chịu ảnh hưởng bởi nhiều loại tài sản khác. Vì thế, doanh nghiệp nên tổ chức nhiều chương trình trao đổi nội bộ giữa các bộ phận trong doanh nghiệp hoặc tìm kiếm tư vấn các chuyên gia đầu ngành về tài sản sở hữu trí tuệ để có thể nắm bắt được mỗi tương quan của những loại tài sản đó.

Cuối cùng, tài sản sở hữu trí tuệ thường tạo ra giá trị tương lai. Trong khi đó, thị trường lại biến động liên tục, khiến cho giá trị tài sản sở hữu trí tuệ cũng có thể biến đổi nhanh chóng theo nhiều xu hướng khác nhau. Để kiểm soát được điều này, doanh nghiệp cần tiến hành phân tích viễn cảnh trong ngắn hạn và dài hạn, từ đó có được góc nhìn toàn diện và thận trọng trong định giá tài sản sở hữu trí tuệ.