Định kiến xã hội cản trở nữ giới trong lĩnh vực STEM

Phạm Sơn - 18:01, 19/05/2021

TheLEADERRào cản liên quan đến tâm lý và định kiến xã hội đang khiến nữ giới ít tham gia vào lĩnh vực STEM (nhóm ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).

Định kiến xã hội cản trở nữ giới trong lĩnh vực STEM
Nữ giới hoàn toàn không thua kém nam giới về năng lực trong lĩnh vực STEM.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chương trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo quốc gia được xem là mũi nhọn để tìm ra giải pháp nâng cao năng suất lao động, tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững.

Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho nền kinh tế số và văn hóa đổi mới sáng tạo, lĩnh vực STEM cũng được đẩy mạnh đưa vào ngành giáo dục ở mọi cấp độ, từ mầm non, tiểu học cho tới đại học, cao đẳng.

Tuy nhiên, thực trạng phổ biến ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực STEM là sự “vắng bóng” của nữ giới. Nói cách khác, các chuyên ngành về khoa học, kỹ thuật như cơ khí, hóa học, công nghệ thông tin thường được biết đến như thế mạnh của nam giới, ít có sự tham gia của nữ giới.

Điều tưởng chừng là hiển nhiên này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cụ thể, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc làm liên quan đến khoa học, công nghệ ngày càng được xem trọng và được trả lương cao. Do đó, sự thiếu hụt nữ giới trong ngành STEM có thể làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng giới tính.

Mặt khác, “bỏ quên” nữ giới cũng tương tự như lãng phí mất một nửa nguồn nhân lực của để phục vụ cho nền kinh tế số hóa, công nghệ cao.

Theo GS. Lê Anh Vinh, Viện Khoa học giáo dục, xã hội luôn có suy nghĩ nam giới có thế mạnh hơn trong các ngành khoa học, kỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu và thống kê chỉ ra nữ giới không hề thua kém về tư duy cũng như khả năng tiếp thu và xử lý các vấn đề thuộc lĩnh vực STEM.

Thậm chí, ở các cấp học thấp, các nữ sinh còn có kết quả học tập trong các môn STEM cao hơn so với bạn nam nhờ đức tính cẩn thận, tỉ mỉ.

“Không có hơn kém về năng lực nhưng chính khác biệt về mức độ quan tâm và sự tự ti lại đang là nguyên nhân của sự mất cân bằng giới trong lĩnh vực STEM”, ông Vinh nhận định.

Lý giải cho hiện tượng này, theo ông Vinh, thành kiến xã hội tạo ra ảnh hưởng đến sự quan tâm, động lực cũng như thiên hướng lựa chọn nghề nghiệp của nữ giới khi luôn gán cho phụ nữ những khuôn mẫu về sự đoan trang, chỉn chu ngay từ khi còn nhỏ, khiến họ thu mình trong vùng an toàn, mất đi tính chủ động sáng tạo vốn rất cần thiết trong lĩnh vực STEM.

Bên cạnh đó, kể cả khi lựa chọn theo đuổi ngành nghề STEM, phụ nữ cũng gặp không ít cản trở tại môi trường học tập và làm việc. Theo một nghiên cứu của Mỹ, có tới khoảng 50% phụ nữ làm việc trong ngành STEM bị phân biệt đối xử thông qua các hình thức như bị trả lương thấp hơn nam giới; bị coi thường năng lực vì giới tính và ít nhận được sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo.

Một lý do khác là thiếu hình mẫu thành công của nữ giới trong lĩnh vực STEM. Những nhà bác học hay tỷ phú nổi tiếng khắp thế giới về khoa học, kỹ thuật thường là đàn ông, vô tình cổ xúy cho định kiến coi lĩnh vực này là sân chơi dành riêng cho nam giới.

Xóa bỏ rào cản về giới trong lĩnh vực STEM

Hiện nay, nhiều nhóm giải pháp đã được đưa ra nhằm tạo động lực cho các bạn trẻ tham gia học tập, nghiên cứu và theo đuổi lĩnh vực STEM. Những giải pháp đã phần nào phát huy hiệu quả, tạo ra môi trường học tập, tìm hiểu, nghiên cứu về STEM rất sôi động ở các cấp học.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, cần có thêm nhiều giải pháp hướng tới nữ giới để “không để các bạn nữ bị thiệt thòi”, từ chính sách tổng thể mang tính vĩ mô cho tới cơ chế tuyển sinh, tuyển dụng ở mỗi trường học và doanh nghiệp.

Năng lực, kỹ năng giáo dục STEM cho nữ giới cũng cần được trang bị cho các thày, cô giáo, làm sao để không chỉ truyền đạt kiến thức kỹ năng mà còn phải tiếp thêm động lực để các bạn nữ dám vượt qua định kiến xã hội, dám theo đuổi lĩnh vực mình yêu thích.

Để làm được điều này, đội ngũ cần khơi dậy sự tìm tòi, khám phá của học sinh nữ. Đây là yếu tố cốt lõi bởi “giáo dục là làm thế nào để ngày hôm nay trẻ em tò mò hơn ngày hôm qua, ngày mai trẻ em tò mò hơn ngày hôm nay”.

Câu chuyện về những người phụ nữ thành công trong STEM cũng là phương tiện hữu ích để tiếp thêm động lực cho các nữ sinh. Một nghiên cứu của Microsoft chỉ ra, các học sinh, sinh viên nữ thường bị ảnh hưởng rất nhiều từ tấm gương, hình mẫu truyền cảm hứng. Khi được tiếp xúc với những câu chuyện này, các bạn nữ tỏ ra tự tin hơn đối với lĩnh vực mà mình theo đuổi.