Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy bao thầu để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU

Kiều Mai - 17:11, 06/12/2017

TheLEADERPhát biểu về cơ hội xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) cho các doanh nghiệp, ông Quyền Anh Ngọc, Phó Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) khẳng định sản xuất theo chuỗi mới là xu hướng của tương lai và các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy trong bối cảnh mới này.

Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy bao thầu để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU
Ông Quyền Anh Ngọc, Phó Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo.

Từ năm 2000 đến năm 2016, quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã có những bước phát triển tích cực với kim ngạch thương mại song phương tăng gần 11 lần, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng tới 12 lần.

Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Trước những yêu cầu đặt ra với việc thúc đẩy và tận dụng hơn nữa thị trường tiềm năng này, Việt Nam và EU đã tiến hành đàm phán hiệp định thương mại tự do EVFTA. Đầu tháng 12 năm 2015, EVFTA chính thức kết thúc đàm phán và hiện hai bên đang tiến hành rà soát lại văn bản hiệp định. Dự kiến EVFTA sẽ có hiệu lực từ năm 2018.

EVFTA được kì vọng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng cường cơ hội tiếp cận vốn và khoa học công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như nhiều cơ hội khác.

Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy bao thầu để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU
EVFTA là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt thâm nhập sâu vào thị trường EU.

Tuy nhiên, để đạt được những điều này, vẫn còn rất nhiều thách thức mà rủi ro mà các doanh nghiệp Việt phải vượt qua.

Nhằm đánh giá một cách cụ thể hơn những cơ hội, rủi ro của EVFTA cũng như đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp Việt Nam, TheLEADER đã có cuộc phỏng vấn với ông Quyền Anh Ngọc, Phó Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương).

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới khi Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực?

Ông Quyền Anh Ngọc: Tôi cho rằng trong tương lai, Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ mang lại những cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt khi hàng loạt các ngành hàng được đưa về mức thuế suất 0%.

Doanh nghiệp Việt còn có khả năng tiếp cận với các thị trường tương đối rộng mở của các nước thành viên Liên minh châu Âu.

Đặt trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh của chúng ta tại thị trường châu Âu chưa có hiệp định thương mại riêng với EU thì EVFTA được xem là sẽ tạo ra những lợi ích kép cho doanh nghiệp Việt.

Hiện tại thì thương mại Việt Nam vào EU tăng trưởng tương đối tốt và luôn cao hơn tốc độ xuất khẩu trung bình của Việt Nam. Với hiệp định thương mại mà chúng ta được hưởng rất nhiều ưu đãi như thế này thì tôi nghĩ xuất khẩu sẽ có những bước thay đổi, đặc biệt là những bước thay đổi về chất.

Những mặt hàng chúng ta đang xuất khẩu thô thì thuế không thay đổi nhiều nhưng những mặt hàng đã qua chế biến và chế biến sâu thì thuế sẽ chênh lệch nhiều sau khi EVFTA có hiệu lực.

Vì vậy những doanh nghiệp nào càng đầu tư chế biến sẽ càng có giá trị gia tăng cao và càng thu được nhiều lợi nhuận.

Tôi cho rằng trong tương lai không chỉ gia tăng về mặt số lượng mà có khả năng sẽ điều chỉnh cơ cấu những mặt hàng xuất khẩu theo hướng có giá trị gia tăng tốt hơn và bền vững hơn vào thị trường EU.

Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy bao thầu để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU 1
Doanh nghiệp Việt cần chuẩn hóa quy trình sản xuất nếu muốn tận dụng tốt EVFTA.

Hiện nay nhiều chuyên gia và nhiều doanh nghiệp đều thừa nhận rằng đa số doanh nghiệp Việt sẽ chưa thể tận dụng được hết những cơ hội từ hiệp định này mang lại. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Quyền Anh Ngọc: Để tận dụng được hiệp định thương mại này, chúng ta cần rất nhiều yếu tố và ngay từ sự chuẩn bị không chỉ của doanh nghiệp mà của cả những người nông dân, công nhân theo những tiêu chuẩn mới của EVFTA. Và sự chuẩn bị này phải là sự chuẩn bị đồng bộ từ chính phủ, doanh nghiệp đến người sản xuất.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt hiện nay đang có những phản ứng trái chiều đối với điều này.

Một số doanh nghiệp thì đã bắt tay vào chuẩn bị còn một số doanh nghiệp khác lại không mặn mà lắm bởi họ cho rằng họ là các doanh nghiệp gia công, sản xuất ra để bên thu mua khác tiêu thụ, bao thầu đầu ra.

Nhưng theo tôi đây là quan điểm chưa đúng đắn. Các doanh nghiệp cần phải thay đổi dần bởi sản xuất theo chuỗi mới là xu thế của tương lai.

Vậy theo ông, Chính phủ và các doanh nghiệp cần chuẩn bị tnhững gì?

Ông Quyền Anh Ngọc: Tôi nghĩ rằng việc cần thiết trước hết của Chính phủ hiện nay là phổ biến, tuyên truyền về hiệp định, đồng thời cũng phổ biến rõ những yêu cầu kĩ thuật đi kèm một cách đầy đủ để hướng dẫn cho cộng đồng doanh nghiệp biết và thậm chí là những người công nhân, nông dân để họ nắm được.

Tốt nhất là trong từng ngành hàng, Chính phủ phối hợp với Hiệp hội của từng ngành đưa ra bộ quy tắc về sản xuất, trong đó sẽ giới thiệu những ưu đãi mà chúng ta được hưởng từ EVFTA và đi kèm với đó là những gì chúng ta cần phải làm.

Theo tôi, chúng ta cần tiêu chuẩn hóa quá trình, từ đầu vào cho tới đầu ra và tốt nhất là trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm bởi EU yêu cầu phải chiết xuất được nguồn gốc xuất xứ trong toàn bộ chu trình.

Doanh nghiệp Việt phải đảm bảo bất cứ lúc nào phía EU yêu cầu tiếp cận thì đều phải có. 

Tại 28 thị trường thì doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tập trung tốt vào một số thị trường đầu tàu như Anh, Đức, Pháp hay Tây Ban Nha.

Thế nhưng theo khảo sát hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp chưa chuẩn bị đầy đủ chứng từ, hồ sơ khi thời gian có hiệu lực chỉ còn rất ít. Theo ông lý do gì?

Ông Quyền Anh Ngọc: Tôi nghĩ lý do hiện tại là bởi doanh nghiệp cho rằng mình chỉ là mắt xích, một nhà cung cấp hàng cho một đơn vị nào đó. Họ chưa nắm bắt được rõ ràng rằng quy định của EU yêu cầu toàn bộ chu trình phải như nhau. Sau này khi không có đủ chứng từ thì doanh nghiệp sẽ không thể xuất hay nhập khẩu được.

Vấn đề ở đây là doanh nghiệp phải ý thức được mình là một mắt xích quan trọng trong chuỗi đó, bất kì mắt xích nào không đảm bảo thì toàn bộ chuỗi đó đều bị hỏng chứ không phải bán hàng hóa xong là xong.

Doanh nghiệp Việt phải thay đổi tuy duy bởi vì cách tiếp cận của các nhà xuất khẩu và nhập khẩu sẽ thay đổi một khi EVFTA có hiệu lực.

Ông đánh giá như thế nào về tình hình doanh nghiệp Việt tận dụng thị trường xuất khẩu rộng lớn của EU?

Ông Quyền Anh Ngọc: Tại 28 thị trường thì doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tập trung tốt vào một số thị trường đầu tàu như Anh, Đức, Pháp hay Tây Ban Nha. Đây là những thị trường đầu mối chúng ta đưa sản phẩm đến và lan tỏa đi các nước khác.

Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý rằng mỗi thị trường có một đặc điểm riêng. Dù cho 28 nước này có thể liên thông, hàng hóa có thể đi được từ nước này qua nước khác dễ dàng nhưng mỗi nước lại có nhu cầu và sở thích khác nhau.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp của ta chưa phải là doanh nghiệp lớn, chưa thể sản xuất một mặt hàng đi tất cả 28 nước thì việc tiếp cận và khai thác ổn định tại từng thị trường là cách tốt nhất.

Chúng ta hoàn toàn có thể tiếp cận tốt các nước Đông Âu – những thị trường truyền thống của Việt Nam hay hoàn toàn có thể khai thác tiềm năng những khu vực có nhiều người Việt Nam sinh sống.

Ông có thể đưa ra một số rủi ro cụ thể mà doanh nghiệp Việt có thể gặp phải khi EVFTA có hiệu lực?

Ông Quyền Anh Ngọc: Tôi nghĩ rủi ro thứ nhất chính là rủi ro về thông tin khi doanh nghiệp chưa có đầy đủ thông tin để nắm bắt rõ thị trường và để hiểu mình cần phải sản xuất ra những sản phẩm như thế nào.

Rủi ro thứ hai chính là vấn đề tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật cũng như những yêu cầu về môi trường, lao động và các vấn đề sinh thái khác ngày càng tăng. Đây không chỉ là yêu cầu từ thị trường EU mà trong tương lai còn là yêu cầu từ chính những người tiêu dùng.

Vấn đề thứ ba chính là việc lưu trữ hồ sơ không tốt. Việc này sẽ ảnh hưởng không chỉ tới một doanh nghiệp đó mà còn cả các doanh nghiệp khác.

Ngoài những rủi ro trên thì tôi không nhìn thấy nhiều rủi ro lắm về mặt cạnh tranh bởi vì chúng ta cạnh tranh tương đối tốt ở thị trường châu Âu, đặc biệt khi chúng ta có hiệp định thương mại tự do thì cơ hội sẽ lớn hơn.

Xin chân thành cám ơn ông!