'Doanh nghiệp đầu tàu quyết định thành công của chuỗi giá trị nông nghiệp'

Trần Anh - 14:59, 02/05/2019

TheLEADERTrong phiên hiến kế về nông nghiệp tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH đã đưa ra nhiều giải pháp để tạo ra chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò đầu tàu của doanh nghiệp.

Hơn 10 năm qua, Tập đoàn TH đã thành công trong việc đầu tư nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa. Lý giải thành công của tập đoàn, ông Hải cho biết, “chìa khoá vàng” nằm ở ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa, từ đó, tạo thương hiệu có tầm ảnh hưởng trên thị trường, cũng như sản phẩm đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.

“Từ chỗ thành công của tập đoàn, thành công của thương hiệu, chúng tôi đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo, đưa ngành chăn nuôi lên quy mô lớn hơn. Đó là ngành chăn nuôi quy mô cấp nông hộ để tạo ra ngành chăn nuôi phát triển mạnh trong tương lai”, ông Hải chia sẻ.

Tập đoàn TH đã thử nghiệm mô hình nông hộ Hợp tác xã bò sữa ở Lâm Đồng thông qua công ty con là Đà Lạt Milk. Nhắc tới hợp tác xã, người ta hiểu ngay đó là mô hình liên kết chuỗi giá trị. Tuy nhiên, việc hình thành mô hình chuỗi liên kết không đơn giản bởi sự kết nối giữa các thành viên trong chuỗi rất lỏng lẻo, dễ đổ vỡ, đặc biệt là với chuỗi liên kết nông sản, vốn thích tự phát và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như mùa vụ, thời tiết.

Khi triển khai ở Đà Lạt, ông Hải nhận thấy mấu chốt để tạo ra một liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp nằm ở việc chia sẻ lợi ích và rủi ro của các thành viên trong chuỗi. Bản chất của mô hình chuỗi đó là đầu ra công đoạn này phải là đầu vào của công đoạn khác, ai cũng muốn tối đa hóa lợi ích của mình nên mâu thuẫn là tất yếu. Dễ thấy nhất ở đây là vấn đề giá cả. Doanh nghiệp thường có xu hướng chèn ép để mua giá rẻ, còn nông dân lại có xu hướng phá vỡ hợp đồng để bán được giá cao hơn. Nếu không cân bằng được lợi ích giữa các bên thì chuỗi liên kết sẽ sớm sụp đổ

'Muốn chuỗi giá trị nông nghiệp thành công, quan trọng nhất là doanh nghiệp đầu tàu'
Ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH

Đối mặt với vấn đề này, Chủ tịch Tập đoàn TH đưa ra 4 phương án xử lý trong đó doanh nghiệp phải là người đứng ra tạo cơ chế trước.

Đầu tiên, doanh nghiệp phải là đơn vị biết chia sẻ, cam kết không nâng giá bán, nhưng lại sẵn sàng cắt bớt lợi nhuận để hỗ trợ cho đối tác, người nông dân. Doanh nghiệp xây dựng giá thu mua, quy trình cụ thể. Khi doanh nghiệp có lãi chúng tôi đưa ra phương án để hỗ trợ ngược lại cho bà con nông hộ.

Thứ hai, doanh nghiệp phải xây dựng quy chuẩn về chất lượng sản phẩm, ký hợp đồng với nông hộ để người dân căn cứ vào đó giao sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Thứ ba đó là phải thay đổi tư duy của bà con nông dân. Đa phần nông dân Việt Nam sản xuất quy mô nhỏ, tính chuyên nghiệp không cao. Vì vậy, phải làm bà con thay đổi tư duy, đưa mô hình tăng trưởng vào các nông hộ.

“Chúng tôi đưa các trang trại kiểu mẫu để bà con thấy. Ví dụ năm đầu các hộ chăn nuôi 10 con, thì năm sau phải tăng đàn lên 20 con, năm sau nữa là 30, rồi 50 con. Phải phát triển trang trại vì quy mô ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản xuất. Khi nông hộ đã tăng đàn lên 100 con, đến quy mô cỡ lớn rồi, nhu cầu chuyên nghiệp hóa cũng xuất phát. Đó là tính đảm bảo yếu tố bền vững của các chuỗi liên kết”, ông Hải cho biết.

Một yếu tố rất quan trọng khác được Chủ tịch Tập đoàn TH nhấn mạnh đó là đưa công nghệ cao vào chuỗi sản xuất. Đây là điều kiện tiên quyết thúc đẩy mô hình tăng trưởng vì nếu "sản xuất thủ công, lấy công làm lãi thì không thể thúc đẩy bà con phát triển".

Thực tế cho thấy, người nông dân Việt Nam rất sẵn sàng cho sự thay đổi. Khi đưa cho bà con nông dân chip đeo cổ bò, nhiều người đã hoài nghi liệu bà con có đồng ý không. Tuy nhiên, đa phần mọi người đều tỏ ra thích thú với sản phẩm công nghệ mới dù chưa biết hiệu quả như thế nào. Ông Hải cho rằng, cũng như điện thoại thông minh, mọi người dùng nhiều sẽ ‘nghiện’, không thể bỏ được.

Tất nhiên, để phát huy được tối đa sức mạnh chuỗi liên kết, bà con nông dân cũng cần được hướng dẫn, đào tạo các kỹ năng mới để phù hợp với mô hình chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng thành thạo công nghệ,…

Tựu chung lại, theo Chủ tịch tập đoàn TH, để đảm bảo tính bền vững chuỗi, yếu tố quan trọng nhất vẫn là doanh nghiệp đầu tàu để dẫn dắt chuỗi liên kết. Thiếu đi đầu tàu, bà con nông dân ‘mạnh ai nấy làm’ thì không bao giờ thành công.

Doanh nghiệp đầu tàu có thể là đơn vị nắm đầu ra, hoặc chỉ là đơn vị nắm sản phẩm trung gian, miễn là đảm bảo điều kiện về tiềm lực tài chính, đủ sức tạo ra ảnh hưởng mạnh tới người nông dân.

Tiếp đó, doanh nghiệp phải đảm bảo tính chuyên nghiệp, chẳng hạn như mua nông sản phải có kế hoạch thu mua bao nhiêu, thu mua thời điểm nào, tuyệt đối không để phát triển kiểu bày đàn, thấy ai làm được cũng làm, phá vỡ tính liên kết và gây khủng hoảng thừa. Doanh nghiệp càng chuyên nghiệp, chuỗi liên kết càng phát huy được sức mạnh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu tàu cũng phải là đơn vị phải có thương hiệu có tầm ảnh hưởng lớn, để nói lên 1 cái là các thành viên phải 'động lòng', sẵn sàng nghe theo.

Cuối cùng, doanh nghiệp phải đảm bảo tính chính trực. Họ phải làm việc vô tư, không cố mang lại lợi ích cho chính mình nhiều hơn, đảm bảo minh bạch.

"Để làm được điều này, Nhà nước cũng nên đặt ra những quy chuẩn đạo đức cho doanh nghiệp, quy chuẩn đạo đức doanh nhân, ví dụ như phải cống hiến, phụng sự đất nước", ông Hải kiến nghị.