'Doanh nghiệp đầu tư đa ngành hiện nay 99% sẽ thất bại'

Thu Phương - 07:46, 13/01/2018

TheLEADERĐó là khẳng định của ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin trước bài toán kinh doanh đa ngành hay chuyên nghề của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

'Doanh nghiệp đầu tư đa ngành hiện nay 99% sẽ thất bại'
Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin

Như thông tin TheLEADER đã đăng tải trong số trước, kinh doanh đa ngành hay chuyên nghề luôn là câu hỏi lớn đặt ra đối với không ít doanh nghiệp, nhất là khi những doanh nghiệp này đã phát triển đến một quy mô nhất định.

Thực tế tại Việt Nam thời gian gần đâu cũng cho thấy không ít doanh nghiệp trở nên lớn mạnh khi mở rộng kinh doanh ra nhiều lĩnh vực, xung quanh sản phẩm cốt lõi của doanh nghiệp. Những cái tên như Vingroup, Sovico Holdings, T&T, TTC Group là những ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, việc kinh doanh đa ngành cũng giống như con dao hai lưỡi. Không ít doanh nghiệp đã chuốc lấy thất bại, thậm chí còn triệt tiêu những thành quả có được từ trước khi "ôm" về một khoản lỗ lớn cho tập đoàn, đẩy doanh nghiệp đứng trước bờ vực buộc phải tái cơ cấu, thậm chí đóng cửa.

Do đó, câu hỏi kinh doanh đa ngành hay chuyên nghề đối với mỗi doanh nghiệp vẫn còn là một bài toán gây nhiều tranh cãi do tiềm ẩn không ít rủi ro.

Nêu ra ý kiến nhận định về việc vấn đề này, tại Chương trình Chìa khoá thành công số 38 của VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam ) với chủ đề "Doanh nghiệp gia đình - Chuyên nghề hay đa ngành", ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin nhận định, trong lịch sử thế giới đã chứng minh rất nhiều doanh nghiệp đa ngành thành công.

Tuy nhiên, thế giới càng chuyên nghiệp hoá thì công ty đa ngành lại càng bé, càng thu hẹp lại. Hiện nay, trên thế giới việc tìm được các công ty đa ngành là cực kỳ hiếm hoi bởi xã hội cũng như nền kinh tế của họ đã quá chuyên nghiệp đến từng chi tiết.

Do đó, họ đòi hỏi các doanh nghiệp hoạt động trong từng lĩnh vực cũng phải chuyên ngành. Ngay cả những thị trường ngách cũng cần có những nhà phân phối rất chuyên nghiệp, ông Kỳ cho hay.

Nhìn nhận về bối cảnh hiện tại của nền kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Secoin cho rằng, thị trường Việt Nam mới bước đầu bước vào nền kinh tế thị trường, ở lĩnh vực nào cũng còn thiếu và yếu.

Do đó, một số công ty thành công ở lĩnh vực cốt lõi của mình, họ có tài chính thì đã lập tức nghĩ ngay đến việc kinh doanh đa ngành. Tại thời điểm đó ở Việt Nam ngành đó còn đang quá thiếu nên tỷ lệ thành công của họ sẽ rất cao.

Ông Kỳ lấy ví dụ tại một số công ty sản xuất, kinh doanh gỗ, gạch, taxi là những ngành có lợi nhuận cao cách đây 15 năm, họ đã lập tức đầu tư ngay vào các lĩnh vực khác như bất động sản, ngân hàng và đa số họ đều thắng lớn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nền kinh tế thị trường của Việt Nam đã hình thành, tính chuyên nghiệp hoá ngày càng cao, việc cạnh tranh diễn ra mạnh mẽ không chỉ đối với các doanh nghiệp nội địa mà với cả các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, đặt câu chuyện đa ngành trong thực tế hiện nay là vô cùng nguy hiểm.

Bài học vô cùng lớn là các công ty thời gian trước đây phát triển đa ngành, hiện nay đã phải chuyển về chuyên nghề và chuyên nghề nhỏ hơn nửa, tức là cốt lõi của cốt lõi, tập trung phát triển những lĩnh vực mạnh nhất của doanh nghiệp. Có như vậy, doanh nghiệp mới tạo được sức mạnh để cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, phải tuỳ vào tiềm lực của doanh nghiệp cũng như tình hình thị trường ở thời điểm cụ thể, doanh nghiệp mới có thể đưa ra quyết định kinh doanh chuyên nghề hay đa ngành một cách sáng suốt nhất, ông Kỳ nhận định.

Chủ tịch Secoin khẳng định: "Riêng quan điểm của cá nhân tôi với kinh nghiệm 30 năm điều hành doanh nghiệp, tôi cho rằng, có lẽ với hoàn cảnh đất nước như hiện nay, nếu doanh nghiệp lựa chọn đầu tư đa ngành, 99% sẽ thất bại. Khả năng thành công là rất khó". 

Nếu phát triển đa ngành, doanh nghiệp nên cố gắng đa ngành theo ngành dọc (tức là phát triển thêm các nhánh liên quan đến lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình) như vậy sẽ tốt hơn là phát triển đa ngành theo chiều ngang vào các ngành thuộc lĩnh vực khác, ông Kỳ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Tùng, Giám đốc Pizza home cũng cho rằng, khó có thể phân định đa ngành là đúng hay sai. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là làm thế nào để phát triển đa ngành mà doanh nghiệp không bị loãng đi bản sắc của mình.

Phát triển đa ngành phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và lợi ích cho doanh nghiệp chứ không phải theo cảm hứng của CEO. Do đó, khi lựa chọn phát triển, doanh nghiệp phải giải được bài toán ránh rủi ro, điều này ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp bắt buộc phải phát triển theo hướng tốt lên, nếu không phát triển, doanh nghiệp sẽ chết, ông Tùng cho biết.

Doanh nghiệp đầu tư đa ngành, 99% sẽ thất bại” 1

Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp trước câu hỏi kinh doanh đa ngành hay chuyên nghề, ông Mai Viết Hùng Trân, Phó tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam cho rằng, vấn đề không phải là nên làm hay không nên làm mà là việc kinh doanh phải dựa trên chiến lược phát triển hiện tại, gắn liền với hoạt động và năng lực nội tại của doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, cần cân nhắc các rủi ro về tài chính, phân phối nguồn lực con người, máy móc, cơ sở hạ tầng trước khi mở rộng kinh doanh đa ngành.

Theo ông Trân, trước tiên doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh cụ thể, xem xét lại năng lực của mình xem doanh nghiệp có đủ khả năng để phát triển đa ngành để cạnh tranh với thị trường hay không.

"Về cá nhân tôi, tôi không khuyến khích các doanh nghiệp chuyển hướng đa ngành trong đối cảnh cạnh tranh quốc tế đang mạnh mẽ như hiện nay mà nên tập trung vào ngành nghề cốt lõi của mình, đồng thời hợp tác với các doanh nghiệp lớn trên thế giới để phát triển lớn mạnh hơn, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam cho hay.

Chương trình CEO - Chìa khoá thành công số 40 với chủ đề "Doanh nghiệp gia đình - Đầu tư tài chính hay thâu tóm" sẽ tiếp tục là một chủ đề nóng về kinh doanh của các doanh nghiệp. 

Chương trình được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (14/1/2018) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (16/1) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

CEO – Chìa khóa thành công là chương trình chính luận, kinh tế chuyên biệt của Đài Truyền hình Việt Nam. Ra đời từ năm 2005, chương trình có sứ mệnh “Đồng hành doanh nghiệp, nâng tầm doanh nhân” trong thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập.

Bắt đầu từ năm 2017, Tạp chí điện tử TheLEADER (theleader.vn) là đơn vị đồng hành bảo trợ thông tin cho chương trình này.