Doanh nghiệp gia đình: Băn khoăn bài toán chuyên nghề hay đa ngành?

Minh Anh - 08:43, 04/01/2018

TheLEADERKinh doanh đa ngành hay chuyên nghề luôn là câu hỏi lớn đặt ra đối với không ít doanh nghiệp, nhất là khi những doanh nghiệp này đã phát triển đến một quy mô nhất định. Tuy nhiên, đây vẫn còn là một bài toán gây nhiều tranh cãi do tiềm ẩn không ít rủi ro.

Doanh nghiệp gia đình: Băn khoăn bài toán chuyên nghề hay đa ngành?
CEO Đào Hồng Thắm và các doanh nhân đang bàn luận trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công

Thực tế tại Việt Nam đã cho thấy không ít doanh nghiệp trở nên lớn mạnh khi mở rộng kinh doanh ra nhiều lĩnh vực, xung quanh sản phẩm cốt lõi của doanh nghiệp. Những thành công của Vingroup, Sovico Holdings, T&T, TTC Group... như những điển hình về việc mở rộng kinh doanh đa ngành. 

Không ngại những bài học đắt giá về hậu quả từ việc đầu tư dàn trải của nhiều doanh nghiệp tên tuổi trong quá khứ, Vingroup đã liên tục lấn sân sang các ngành kinh doanh mới với quyết tâm xây dựng một đế chế tại Việt Nam. 

Từ thế mạnh ban đầu là phát triển các dự án bất động sản, Vingroup đã và đang phát triển song song nhiều lĩnh vực kinh doanh khác như giáo dục, bệnh viện 5 sao, thời trang, thương mại điện tử, bán lẻ và mới đây nhất là ô tô. Hầu như ở lĩnh vực nào, tập đoàn này cũng đạt được những thành công nhất định, được người tiêu dùng đón nhận.

Hay với Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group), giữa năm 2017, một thông tin được giới đầu tư hết sức quan tâm là việc tập đoàn này chính thức đặt chân vào ngành điện mặt trời. Mục tiêu tham vọng mà TTC đề ra là xây dựng 20 nhà máy điện mặt trời để đến năm 2020 và đưa ngành này trở thành mảng đóng góp lớn nhất cho Thành Thành Công.

Nổi tiếng là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành mía đường, kế hoạch nói trên có thể xem là động thái hoàn thiện mảnh ghép quan trọng, giúp Thành Thành Công chuyển mình, từ vai trò nhà thương mại - nhà sản xuất sang nhà đầu tư đa ngành chuyên nghiệp, phát triển thành tập đoàn đa ngành với 5 lĩnh vực chủ lực là bất động sản là bất động sản, năng lượng, mía đường, giáo dục và du lịch.

Tuy nhiên, bên cạnh một số doanh nghiệp phát triển thành công thì không ít đã chuốc lấy thất bại, thậm chí còn triệt tiêu những thành quả có được từ trước đó. Việc kinh doanh đa ngành cũng giống như con dao hai lưỡi. Các tên tuổi như EVN, Mai Linh, Vinacomin là những ví dụ điển hình khi "ôm" về một khoản lỗ lớn cho tập đoàn, đẩy doanh nghiệp đứng trước bờ vực buộc phải tái cơ cấu, thậm chí đóng cửa.

Nắm bắt được thực tế này, Chương trình Chìa khoá thành công số 37, 38 của VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam ) đã đặt ra chủ đề "Doanh nghiệp gia đình - Chuyên nghề hay đa ngành" để cùng phân tích về vấn đề này.

Chương trình đặt ra tình huống của một cửa hàng làm bánh biscuit đầu những năm 1980. Sau 35 năm phát triển, đến nay, doanh nghiệp này đã trở thành một tên tuổi lớn trên thị trường bakery, sở hữu một chuỗi của hàng ở nhiều vị trí đắc địa và đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ở một khu công nghiệp.

Cùng với quy mô phát triển của thị trường và các mối quan hệ kinh doanh sẵn có, CEO của doanh nghiệp này nhận thấy công ty có thể mở rộng kinh doanh ra các lĩnh vực xung quanh cốt lõi của doanh nghiệp như cung cấp nguyên liệu sản xuất bánh, mở trường dạy nghề, kinh doanh đầu tư khu công nghiệp.

Theo CEO này, đã đến lúc doanh nghiệp cần mở rộng kinh doanh bằng cách đầu tư ra các lĩnh vực xung quanh mảng kinh doanh cốt lõi. Trên cơ sở tận dụng dựa trên những thế mạnh tiềm năng sẵn có của mình như tên tuổi, các mối quan hệ, tài chính để phát triển.

Tuy nhiên, khi CEO đưa ý tưởng ra đã không nhận được sự ủng hộ của các thành viên HĐQT khác trong gia đình. HĐQT phản đối vì cho rằng, đây là ý tưởng mạo hiểm bởi doanh nghiệp không có đủ hiểu biết và kinh nghiệm cũng như nhân lực ở những lĩnh vực mới. Tốt nhất là không nên đầu tư dàn trải mà cần tập trung làm tốt những gì đã là thế mạnh của doanh nghiệp.

Vậy đâu là giải pháp và sự lựa chọn phù hợp cho doanh nghiệp sản xuất bánh ngọt này nói riêng cũng như các doanh nghiệp gia đình đang muốn mở rộng sản xuất kinh doanh trên thị trường hiện nay? 

Câu trả lời sẽ có trong chương trình Chìa khoá thành công số 38 với chủ đề: Doanh nghiệp gia đình - Chuyên nghề hay đa ngành (phần 2). 

Bà Đào Hồng Thắm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng hợp Lâm Khang tham gia chương trình CEO - Chìa khóa thành công trong vai trò CEO cùng với hai vị khách mời trong vai trò cổ đông HĐQT là ông Hoàng Tùng, Giám đốc Công ty CP Pizza Home và ông Tạ Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty CP Thương mại và dịch vụ Quốc Phong sẽ cùng tranh biện và phân tích xung quan chủ đề của chương trình.

Chương trình Chìa khoá thành công số 38 được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (7/1) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (8/1) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

CEO – Chìa khóa thành công là một chương trình chính luận, kinh tế chuyên biệt của Đài Truyền hình Việt Nam. Ra đời từ năm 2005, chương trình có sứ mệnh “Đồng hành doanh nghiệp, nâng tầm doanh nhân” trong thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập.

Bắt đầu từ năm 2017, bên cạnh các chương trình phát sóng trên VTV, CEO – Chìa khóa thành công sẽ tổ chức chuỗi các hội thảo dành riêng cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp theo các chủ đề hữu ích và thời sự về kinh doanh. TheLEADER.vn là đơn vị bảo trợ thông tin cho chương trình này.

Chương trình được tổ chức định kỳ hai tháng một lần các hội thảo, tọa đàm, workshop, với nội dung xoay quanh các vấn đề nan giải mang tính chiến lược về thương hiệu, phát triển, nhân sự, tài chính của các doanh nghiệp. Qua đó, đồng hành, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, giúp họ tiếp tục định hướng phát triển.