Doanh nghiệp đề nghị tổ chức đối thoại về dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường

Phạm Sơn - 10:17, 24/10/2021

TheLEADERSau cuộc họp với Bộ Tài nguyên và môi trường sáng ngày 18/10, nhiều điều bất cập trong dự thảo nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 vẫn chưa được ban soạn thảo tiếp thu.

Hiện tại, dự thảo nghị định hướng dẫn thực thi Luật Bảo vệ môi trường đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện để kịp trình Chính phủ phê duyệt, dự kiến sẽ có hiệu lực ngay từ năm 2022.

Tuy nhiên, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ chuyên gia, dự thảo nghị định vẫn bao gồm nhiều nội dung bất cập, phi thực tế, phi khoa học, thậm chí là làm trái với quy định của pháp luật. 

Các nội dung này nếu được ban hành sẽ không tạo ra hiệu quả bảo vệ môi trường nhưng lại làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, phát sinh thủ tục hành chính không đáng có, tác động tiêu cực tới môi trường kinh doanh.

Trước thực trạng đó, mới đây, 13 hiệp hội doanh nghiệp đã gửi thư kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà, đề nghị rà soát lại và tổ chức cuộc họp với đại diện doanh nghiệp để hoàn thiện dự thảo nghị định theo hướng phù hợp nhất.

Trong thư kiến nghị, nhóm hiệp hội khẳng định luôn ủng hộ và cam kết tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, không chỉ trên tinh thần thượng tôn pháp luật mà còn phục vụ lợi ích của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cũng như thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường và cộng đồng.

Trước đó, 11 hiệp hội doanh nghiệp đã gửi thư kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và môi trường về các nội dung bất cập trong dự thảo nghị định.

Tại buổi họp sáng ngày 18/10, một số kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng như ban soạn thảo tiếp thu và có ý kiến chỉ đạo, đặc biệt có một số chỉ đạo vô cùng quan trọng như bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR; hoàn thiện khung pháp lý để tạo ra sự bình đẳng, công bằng; triệt để cải cách thủ tục hành chính…

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, ban soạn thảo vẫn chưa thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng trong 7 nhóm vấn đề, liên quan đến cơ chế thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); thực hiện cải cách thủ tục hành chính…

13 hiệp hội khẳng định, một cuộc họp nữa giữa Bộ Tài nguyên và môi trường với cộng đồng doanh nghiệp là điều cần thiết để có được một nghị định khả thi, hiệu quả, hài hòa giữa mục tiêu bảo vệ môi trường với lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, phù hợp với quốc tế.

13 hiệp hội ký tên vào bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường bao gồm: Hiệp hội Thực phẩm minh bạch; Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam; Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Hiệp hội Sữa Việt Nam; Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam; Hiệp hội Lương thực thục phẩm TP.HCM; Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; Hiệp hội Chè Việt Nam; Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN; Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam; Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam; Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam.

Chi tiết thư kiến nghị xem tại đây.