Doanh nghiệp gia đình và bài toán trường tồn

Đặng Hoa - 10:00, 28/01/2020

TheLEADERChủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải cho rằng, các doanh nghiệp gia đình cần chuẩn bị từ sớm để vừa đảm bảo gìn giữ và bảo tồn được những giá trị cốt lõi của thế hệ sáng nghiệp, đồng thời thoả mãn hoài bão ngày càng lớn của giới trẻ.

Theo ông, vai trò của doanh nghiệp gia đình được xác định như thế nào trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam?

Ông Nguyễn Tuấn Hải: Các doanh nghiệp gia đình sẽ đóng vai trò then chốt cho sự phát triển của Việt Nam, ít nhất trong 20 năm nữa bởi số lượng doanh nghiệp gia đình, bao gồm các hộ gia đình làm kinh tế, chiếm tỷ trọng quá lớn với khoảng trên 90% tổng số doanh nghiệp.

Doanh nghiệp gia đình và bài toán trường tồn
Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải.

Đặc biệt, doanh nghiệp gia đình là nền tảng của các bước phát triển tiếp theo, là nền móng cho sự ra đời của các công ty đại chúng lớn. Không có doanh nghiệp đại chúng nào không xuất phát từ nền tảng là doanh nghiệp gia đình.

Ông đánh giá như thế nào về góc nhìn của xã hội đối với các doanh nghiệp gia đình hiện nay?

Ông Nguyễn Tuấn Hải: Phải thừa nhận là một số công ty nhỏ chưa được trang bị đầy đủ ý thức và kiến thức về tuân thủ, môi trường cũng chưa quyết liệt bắt tuân thủ, dẫn đến đôi chỗ có sai sót. Nhưng tỷ lệ nhỏ của số đông vẫn là đông nên xã hội đang cho rằng doanh nghiệp gia đình đóng góp nhỏ, không minh bạch. 

Tuy nhiên, nếu nói không đóng góp được nhiều thì chưa đúng vì riêng việc giải quyết việc làm cho người lao động rất tốt, giảm áp lực cho xã hội và có những đóng góp rất vô hình. Cả thế giới đang chứng kiến bước đi thần kỳ của nền kinh tế Việt Nam những năm vừa qua, trong đó có sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp gia đình.

Đôi khi là sự linh hoạt lại bị cho là không minh bạch. Cái gì cũng cần có quy trình. Khi chưa có đường to thì sẽ tìm nhiều cách để đi bằng các con đường nhỏ vì cuối cùng vẫn phải đi. Nhưng khi ra đường cao tốc là phải tuân thủ hết. Muốn làm được, cần có thời gian, phải kiên nhẫn. Thời gian qua, Chính phủ liên tục tổ chức các sự kiện để lắng nghe và chỉnh sửa luật. Hôm Thủ tướng gặp doanh nhân Sao Đỏ có nói một câu rất hay, trong bối cảnh kinh tế cạnh tranh toàn cầu, doanh nghiệp cần kiên cường đi lên.

Cần thay đổi suy nghĩ về doanh nghiệp gia đình, tạo điều kiện thuận lợi trong đăng ký kinh doanh để các hộ gia đình phát triển lên doanh nghiệp.

Đâu là những giá trị tốt đẹp của gia đình có thể áp dụng trong câu chuyện quản trị doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Tuấn Hải: Có ba giá trị quan trọng của gia đình cần nhấn mạnh. Thứ nhất là yếu tố niềm tin, người trong gia đình luôn tin tưởng nhau và cùng hướng về một mục tiêu. Thứ hai, những giá trị của gia đình sẽ giúp hạn chế sự đố kị lẫn nhau để có thể hợp lực phát triển doanh nghiệp. Thứ ba là chia sẻ được với nhau khi ốm đau, khó khăn...

Đó là lý do chúng ta thấy nhiều doanh nghiệp chú trọng xây dựng văn hoá gia đình ở công ty. Người lao động sẽ luôn cảm thấy gần gũi, được chia sẻ để cảm nhận là một thành viên trong gia đình, để đến lúc sếp có mắng cũng không giận hờn mà coi là sự bảo ban từ một người anh, người chị. 

Với những giá trị này, doanh nghiệp gia đình có thể giữ chân nhân sự giỏi gắn bó từ những ngày đầu thành lập. Dù thu nhập có giảm đi khi các lão thành lui về làm cố vấn thay vì nắm giữ các vị trí chủ chốt, song sự tôn trọng là đại lượng không ngừng tăng lên.

Các doanh nhân từng khởi nghiệp ở Đông Âu rất thành công, nhiều người trở thành tỷ phú đô la, vì ngày xưa phải xuất sắc lắm mới được cử đi, toàn là những người xuất chúng từ bé, toàn tinh thần vượt khó ở những vùng quê nghèo, nhờ học hành mà đi lên".
Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải

Có một câu hỏi được đặt ra là “Nếu thành viên gia đình kinh doanh không đạt kế hoạch hoặc gây thiệt hại thì xử lý như thế nào?”, ông có đáp án cụ thể không?

Ông Nguyễn Tuấn Hải: Tôi phải công nhận đó là một điểm yếu của doanh nghiệp gia đình. Nếu một thành viên trong gia đình mắc lỗi thì không thể kỷ luật được, mọi thứ kỷ luật đều chỉ là hình thức vì nếu kỷ luật có nghĩa là coi trọng tiền hơn tình.

Vì vậy, người đã quyết định xây công ty gia đình phải thật tỉnh táo về điểm yếu này ngay từ đầu, đừng giao những việc người người trong gia đình có thể mắc lỗi. Hoặc là giao những việc thành viên gia đình làm được, hoặc phải chuẩn bị được cả một bộ máy chuyên nghiệp để khắc phục được điểm yếu của họ, đồng thời chuẩn bị hệ thống quản trị giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất những quyết định mang tính cá nhân.

Ngoài ra, doanh nghiệp gia đình còn có yếu điểm nào khác?

Ông Nguyễn Tuấn Hải: Một điểm yếu khác là các thành viên trong gia đình đôi lúc can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh và không tuân thủ theo những nguyên tắc của hệ thống.

Những điểm mạnh đôi lúc cũng có thể trở thành điểm yếu. Ví dụ như giải quyết theo cảm tính, dựa trên tình cảm, nhân nhượng lẫn nhau và làm ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Sự kết hợp cũng có thể gây những chia rẽ sâu sắc hơn bình thường bởi yêu nhau lắm cắn nhau đau. Nếu không phải quan hệ gia đình thì nói với nhau những câu khó nghe chưa chắc đã chấp, nhưng anh em trong gia đình sẽ dễ bị tổn thương, mất ăn mất ngủ.

Theo ông, đâu là những yếu tố để các doanh nghiệp chuyển giao kế nghiệp thành công?

Ông Nguyễn Tuấn Hải: Đầu tiên vẫn liên quan đến môi trường xã hội, phải phân tích được môi trường kinh tế vĩ mô để có sự chuẩn bị sớm và phù hợp. Tiếp đến, phải có định hướng tương lai cũng như xác định được mục tiêu của đời sau để chuyển giao cho phù hợp với sự phát triển cũng như mong muốn của thế hệ kế cận. Đời trước là con nợ của đời sau, làm để trả nợ cho đời sau chứ không phải ngược lại.

Mọi người đang lý giải nguyên nhân chuyển giao sự nghiệp cho con cháu thất bại là do công ty lớn quá, con cái không kế thừa nổi. Nhưng có một lý do khác đúng hơn nhiều lần là công ty bé quá hoặc lĩnh vực kinh doanh khó tạo đột phá dẫn đến con cái không thèm làm vì không thoả được hoài bão ngày càng lớn của giới trẻ. Một mặt thì nói phải có ước mơ, phải làm nên đột phá nhưng một mặt thì bảo là tại sao không nối tiếp trong khi cái cũ không giúp người trẻ thoả được ước mơ.

Đặc biệt, muốn con học giỏi thì phải dạy dỗ tốt, kinh doanh cũng thế, phải đào tạo tốt mới làm được còn thời cơ chỉ là một phần. Nên có lộ trình từ khi các con còn bé.

Các doanh nghiệp cũng có thể tham khảo thêm yếu tố tử vi khi lựa chọn lĩnh vực kinh doanh cho phù hợp với câu chuyện chuyển giao. Chẳng hạn, nếu tử vi của con cho thấy không thể làm các công việc liên quan đến nước thì tốt nhất không nên mở nhà máy bia, hoặc nếu hợp với các công việc liên quan đến đất thì có thể chọn lựa làm bất động sản. Thực ra cái này rất đúng nhưng chẳng mấy người nói ra.

Vậy các doanh nghiệp gia đình cần phải đào tạo thế hệ kế nghiệp những gì?

Ông Nguyễn Tuấn Hải: Phải đào tạo toàn diện. Đặc biệt, cần trang bị được nhiều kỹ năng mềm bởi yếu tố này quyết định 40% sự thành công, các kiến thức ở nhà trường chỉ mới trang bị được 40% và 20% thuộc về may mắn.

Còn nhân cách và đạo đức là điều đương nhiên, là thứ có sẵn trong mỗi con người và phải tìm cách khơi dậy và rèn giũa để có thể đào tạo một thế hệ lãnh đạo kế cận có tâm và tài, có bản lĩnh nhưng cũng có trái tim cùng nhịp đập với cộng đồng. Trong kinh doanh, tiền là yếu tố quan trọng nhưng phát triển cần mang tính bền vững.

Một trong những thứ giúp rèn luyện ý chí và bản lĩnh cho thế hệ sau chính là những khó khăn và thử thách. Thử thách cần được xem là gia vị, là ớt, là chanh để bát phở được ngon chứ không phải là rào cản. Các doanh nhân từng khởi nghiệp ở Đông Âu rất thành công, nhiều người trở thành tỷ phú đô la, vì ngày xưa phải xuất sắc lắm mới được cử đi, toàn là những người xuất chúng từ bé, toàn tinh thần vượt khó ở những vùng quê nghèo, nhờ học hành mà đi lên.

Đó là các yếu tố cần thiết để chuẩn bị cho việc chuyển giao. Vậy yếu tố mang tính chất quyết định trong quá trình chuyển giao là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Tuấn Hải: Có một điều quan trọng cần lưu ý là quá trình chuyển giao phải được thực hiện một cách quyết liệt, phải đúng nghĩa rời bỏ bởi có nhiều gia đình chuyển giao nhưng con cái không vượt qua được cái bóng của cha mẹ.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của thế hệ kế nghiệp hiện nay?

Ông Nguyễn Tuấn Hải: Thế hệ F1 là những người đã đặt nền móng, thế hệ sau không chỉ tiếp nối phát triển sự nghiệp của gia đình mà phải nghĩ đến tầm vươn ra thế giới để làm nên các thương hiệu quốc gia, phát triển bền vững và trường tồn, từ đó góp sức tạo nên một Việt Nam hùng cường. Những thương hiệu lớn trên thế giới mới có thể thoả được khát vọng và hoài bão quá quá lớn của tuổi trẻ hiện nay.

Theo ông, thế hệ kế nghiệp ở Việt Nam hiện nay có cơ hội như thế nào để chinh phục khát vọng đó?

Ông Nguyễn Tuấn Hải: Thế hệ trẻ có nền tảng tốt hơn, môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Vị trí và tâm thế của doanh nhân trong xã hội dần được nâng cao, được coi trọng chứ không như ngày xưa toàn bị gọi là buôn gian bán lận, bị coi là con buôn, con phe. Và khi nghề nào được tôn vinh thì họ sẽ có động lực để làm tốt hơn, phát triển hơn.

Đặc biệt, số lượng người tự ti trong lớp trẻ bây giờ đã ít hơn rất nhiều. Với thế hệ chúng tôi lúc còn trẻ đã có khối người tự ti, nhìn gì cũng thấy u ám. Lớp trẻ cũng có điều kiện được đi đây đi đó, mở rộng quan hệ mang tầm quốc tế cũng như được mở rộng tầm nhìn, được những công nghệ đột phá hỗ trợ.

Vậy theo ông đâu là những điều kiện mà người trẻ cần đáp ứng để làm nên những doanh nghiệp trường tồn, vươn tầm quốc tế?

Ông Nguyễn Tuấn Hải: Đầu tiên là phải có khát vọng và có lòng tự trọng. Tự trọng về gia đình và công việc mình làm giúp doanh nghiệp vươn ra thị trường và lòng tự trọng dân tộc giúp người trẻ có động lực đưa doanh nghiệp đi ra thế giới. Từ đó, Việt Nam mới có thể hùng cường, để cầm quyển hộ chiếu tự hào là người Việt Nam.

Cần dám nghĩ và dám làm. Nghĩ thì nhiều, mưu thì nhiều, châm chích thì nhiều còn làm thật thì không nhiều vì làm không dễ, càng ngày càng khó. Nên ước mơ và hoài bão là một chuyện, còn có hoài bão và dám dấn thân hay không là một chuyện khác.

Xin cảm ơn ông!