Doanh nghiệp kiệt sức chờ 'ngấm' chính sách trợ lực

Phương Linh - 10:59, 18/07/2023

TheLEADERPGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, các chính sách luôn có độ trễ nên một số giải pháp bây giờ mới thực hiện khó có thể tạo ra bước tăng trưởng đột phá trong 6 tháng cuối năm.

Doanh nghiệp kiệt sức chờ 'ngấm' chính sách trợ lực
Nhiều doanh nghiệp đang cạn kiệt dòng tiền. Ảnh: Hoàng Anh

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá nền kinh tế đang đối diện thực trạng rất ảm đạm. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ năm 2020. Mức tăng trưởng GDP quý II/2023 chỉ đạt 4,14% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Thiên, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tình hình thế giới. Kinh tế thế giới đang trải qua "thập kỷ mất mát", không có tăng trưởng. Thời kỳ dòng tiền dễ, sôi động đã qua, hiện dòng tiền đầu tư trên toàn thế giới đang thắt chặt, cùng với đó là xung đột địa chính trị giữa các nước và suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động rất lớn đến Việt Nam.

Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở rất lớn, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, ở trong nước, nội lực của nền kinh tế, sức khoẻ của các doanh nghiệp nội rất yếu càng làm trầm trọng thêm những khó khăn thách thức.

Ông Thiên đánh giá, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm có thể vẫn có những dấu hiệu tích cực, nhưng chủ yếu là khối các doanh nghiệp nước ngoài. Còn các doanh nghiệp trong nước đang "kiệt sức", khát vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh thu hẹp, đình trệ, phá sản do thị trường ngày càng khó khăn.

Trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng lên, trong khi đó số mới gia nhập giảm so với cùng kỳ. Theo Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm 2023, cả nước có 75.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; gần 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,4%; 60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. 

Khoảng 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%.

Bên cạnh đó, chỉ số sử dụng lao động trong 6 tháng đầu năm cũng giảm mạnh, đặc biệt ở các tỉnh phát triển công nghiệp chế biến chế tạo như Bình Dương giảm 12,4%, Bắc Ninh giảm 8%, Thái Nguyên giảm 9,8%.

"Thực tế sức khoẻ của các doanh nghiệp cho thấy, rất khó để Việt Nam hoàn mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023. Trong 6 tháng cuối năm, nền kinh tế khó có những khởi sắc như mong đợi, có thể sẽ vẫn có sự tươi tỉnh hơn trong sự "kiệt sức" của doanh nghiệp, nhưng tươi sáng hơn để phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng là điều không thể”, ông Thiên nhìn nhận.

Mặt khác, theo vị chuyên gia này, các chính sách luôn có độ trễ. Nhìn các giải pháp gỡ khó cho kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm có thể dự đoán được tăng trưởng 6 tháng cuối năm. Nhiều giải pháp bây giờ mới bắt tay vào thực hiện thì rất khó để có thể tạo được chuyển biến tích cực trong thời gian ngắn, nếu có, có thể sẽ bắt đầu từ đầu năm 2024.

"Hiện nay, tâm lý bi quan đang bao trùm nền kinh tế và các doanh nghiệp và phải thừa nhận rằng, với tâm lý bi quan này, rất khó để phục hồi kinh tế", ông Thiên nhận định.

Để chính sách ngấm vào đời sống doanh nghiệp

Một trong những nguyên nhân khiến các tâm lý bi quan đang đè nặng theo vị chuyên gia này là do các chính sách tháo gỡ khó khăn chưa thể ngấm sâu vào đời sống doanh nghiệp. 

Thời gian qua, Chính phủ đã liên tục và rất quyết liệt trong việc đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. 

Tuy nhiên, theo ông Thiên, vấn đề là tại sao chính sách rất mạnh mẽ nhưng lại chưa thể ngấm sâu vào cuộc sống và nếu không nhìn rõ nguyên nhân, sẽ không thể thực thi chính sách một cách hiệu quả.

"Phải chăng là do nguyên nhân sâu xa từ cấu trúc thể chế của nền kinh tế, cấu trúc đầu cơ, mô hình đầu cơ quá nặng, tồn tại trong suốt một thời gian dài, làm suy yếu hệ thống. Điều này tồn tại trong thời gian quá dài đến lúc gỡ không được, người bệnh nhân yếu quá rồi, không chữa được", ông Thiên nhận định.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, các chính sách từ Chính phủ ban hành rất đột phá, kịp thời, tháo gỡ nhanh những khó khăn của doanh nghiệp, nhưng khâu thực thi ở các bộ ngành, địa phương lại khác. Tâm lý sợ sai, sợ trách nghiệm vẫn đè nặng khiến lãnh đạo các bộ, ngành địa phương "chùn tay" trong thực thi.

Mặc dù các chính sách tốt cho các doanh nghiệp và nền kinh tế nhưng các cơ quan quản lý lại e ngại thực thi, sợ trách nhiệm trong bối cảnh các luật đang được sửa đổi, hành lang pháp lý chưa rõ ràng, cũng rất khó để các chính sách này ngấm vào cuộc sống.

Đó là lý do khiến thời gian vừa qua, Chính phủ liên tục ban hành các nghị định, thông tư, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế, những tác động tích cực về mặt tâm lý là có, những tác động vào thực tế sản xuất kinh doanh vẫn chậm.

Trong khi đó, muốn đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, khó khăn của các doanh nghiệp cần sớm được tháo gỡ. Ông Thiên cho rằng, cần tìm mọi cách tiếp tục đẩy nhanh việc đưa chính sách vào cuộc sống, hoạt động của doanh nghiệp.

Trên tinh thần đổi mới, bảo vệ những người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, cần có cơ chế chuẩn chỉ, rõ ràng, can đảm bảo vệ những người dám làm những điều mới, đột phá.

"Tại thời điểm nền kinh tế đang chịu tổn thương rất lớn, chúng ta cần những giải pháp khác thường và cần tập trung đi sâu vào cấu trúc thể chế, bộ máy hoạt động. Nếu không sẽ rất khó tạo được bước đột phá trong hồi phục và phát triển", ông Thiên nhấn mạnh.