Doanh nghiệp nước ngoài cam kết đồng hành với mục tiêu khí hậu
Hồng Ánh
Thứ năm, 21/03/2024 - 10:57
Việt Nam là điểm đến sáng giá cho chuỗi cung ứng bền vững nhờ vào những cam kết và hành động mạnh mẽ về giảm nhẹ khí thải nhà kính, đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Tập trung vào kinh tế xanh và phát triển bền vững là giải pháp hiệu quả nhất để đảm bảo nền tảng phát triển của Việt Nam trong tương lai, theo ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham).
Ông Gabor Fluit cho biết, nhiều tập đoàn đa quốc gia ở châu Âu đã đặt ra mục tiêu bền vững, bao gồm mục tiêu dài hạn là đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Các tập đoàn này đang coi Việt Nam là điểm đến ưa thích cho chuỗi cung ứng bền vững nhờ cam kết và động thái mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thời gian qua.
Một số tập đoàn đã mạnh dạn đầu tư lớn, tiêu biểu như dự án nhà máy trung hòa carbon trị giá 1 tỷ USD của ông lớn Lego đến từ Đan Mạch.
Tuy nhiên, đại diện Eurocham cho biết, quá trình thực hiện hóa cam kết này rất thách thức, bởi kinh tế xanh, giảm nhẹ phát thải đòi hỏi khoản đầu tư lớn cũng như đảm bảo nguồn cung ứng minh bạch từ các nhà cung ứng trong nước.
Do đó, Việt Nam cần sớm có những giải pháp về tài chính cũng như khung pháp lý và phát triển nguồn nhân lực phục vụ các hoạt động kinh tế giảm nhẹ khí thải.
Thông tin tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2024, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Quý Kiên cho biết, thực hiện hóa cam kết khí hậu, Bộ Tài nguyên và môi trường đã yêu cầu gần 2 nghìn doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính. Dự kiến, danh sách doanh nghiệp kiểm kê khí thải bắt buộc sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai.
Việc kiểm kê khí thải nhà kính là nền tảng để triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm nhẹ khí thải, giúp doanh nghiệp ứng phó với các tiêu chuẩn liên quan đến tính bền vững, tiêu biểu như cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM) của EU cũng như xây dựng thị trường tín chỉ carbon.
Thứ trưởng cho biết thêm, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến thị trường giao dịch tín chỉ carbon sẽ được vận hành thí điểm vào năm 2025, tiến đến vận hành chính thức vào năm 2028. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia đứng thứ năm thế giới về cung cấp tín chỉ carbon với hơn 100 doanh nghiệp được cấp tổng cộng hơn 41 triệu tín chỉ carbon.
Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon, ông Muto Shiro, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Nhật Bản (JCCI), cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản cam kết đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trên hành trình cắt giảm khí thải.
“Doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng đóng góp cho công cuộc kinh tế xanh thông qua ứng dụng công nghệ giảm nhẹ khí thải, cung cấp các khoản đầu tư”, ông Muto Shiro nói.
Đồng tình với Eurocham về những thách thức Việt Nam đang gặp phải trên con đường hướng đến cam kết “net zero”, ông Muto Shiro khuyến nghị, Việt Nam cần có biện pháp tăng cường năng lực của các doanh nghiệp nội trong việc thiết lập chuỗi cung ứng bền vững.
Bên cạnh đó, đại diện JCCI cũng đề nghị Việt Nam tập trung phát triển năng lượng tái tạo thông qua đảm bảo tiến độ triển khai Quy hoạch điện VIII, sớm nới lỏng điều kiện cho cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và tận dụng hiệu quả nguồn lực tài chính từ cơ chế chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Mỗi tín chỉ carbon từ Đề án “phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” sẽ được bán với đơn giá 10USD.
Tín chỉ carbon là sân chơi dành cho những tay chơi chuyên nghiệp, bởi đầu tư một dự án tạo và thương mại hóa tín chỉ carbon cần không chỉ nhiều tiền mà còn nhiều kiến thức và kinh nghiệm.
Trong khuôn khổ các nhóm đối tác công – tư ngành nông nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp có nhiều đóng góp tích cực giúp ngành nông nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hiệu quả, tạo ra những giá trị mới.
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.