Doanh nghiệp thép kỳ vọng bứt phá

Trần Anh - 15:06, 11/06/2024

TheLEADERCác công ty phân tích đánh giá doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực về sản lượng bán hàng ngay từ quý II cho đến hết năm 2024.

Doanh nghiệp thép kỳ vọng bứt phá
Sản xuất thép tại Hoà Phát. Ảnh: Hoàng Anh

Ngày 6/6/2024, Tập đoàn Hòa Phát công bố chính thức cán mốc kỷ lục 10 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) kể khi đi vào vận hành. Bất chấp những khó khăn do sự cạnh tranh từ thép Trung Quốc, sản lượng của Hòa Phát vẫn tăng lên mức cao nhất hơn hai năm.

Bốn tháng đầu năm 2024, sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép HRC, phôi thép của Tập đoàn Hoà Phát đạt 2,65 triệu tấn. Tập đoàn đã xuất khẩu 952.000 tấn thép các loại; qua đó, hỗ trợ tích cực vào kết quả kinh doanh chung trong bối cảnh thị trường trong nước chưa thực sự khởi sắc.

Không chỉ Hòa Phát, những doanh nghiệp đầu ngành thép như Hoa Sen, Nam Kim cũng báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024 khởi sắc. 

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản lượng tiêu thụ toàn ngành trong tháng 4 đạt 2,6 triệu tấn, tăng 31,5% so với cùng kỳ trong đó thép xây dựng tăng 62% đạt 1,19 triệu tấn. Sản lượng bán tôn mạ đạt 538.500 tấn, tăng 52% nhờ nhu cầu từ xây dựng dân dụng và đẩy mạnh các công trình đầu tư công trọng điểm.

Kênh xuất khẩu cũng rất khả quan. Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu thép bốn tháng đầu năm đạt hơn 3,2 tỷ USD với 4,34 triệu tấn, tăng 28% về giá trị và 33,7% về lượng so với năm trước.

Các công ty phân tích nhìn nhận, ngành thép sẽ tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ trong cả năm 2024. Ngay tháng 4, thị trường cũng ghi nhận tín hiệu “lạ” khi các đại lý tăng cường tích luỹ hàng tồn kho trái vụ.

Thông thường, tháng 12 - tháng 3 hàng năm là giai đoạn tích hàng và tháng 4 sẽ là thời điểm bắt đầu xả hàng tiêu thụ. Việc các đại lý tích hàng trái vụ, phần nào phản ánh nhu cầu cuối đang cải thiện và tồn kho đại lý đang ở mức thấp.

Tín hiệu tăng trở lại của sức mua còn được thể hiện thông qua việc biên độ dao động giảm giá của thép Việt Nam trên thị trường nội địa kể từ tháng 2 - tháng 4/2024 đã siết lại hơn khi so với mức biến động của giá thép Trung Quốc.

Do ngành thép Việt Nam phải nhập khẩu lượng lớn nguyên vật liệu đầu vào nên giá thép nội địa thường biến động tương đương hoặc mạnh hơn giá thép thế giới, đặc biệt là so với Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong giai đoạn từ tháng 2 - tháng 4/2024, theo dữ liệu của chứng khoán BSC, giá thép xây dựng Việt Nam trên thị trường nội địa chỉ giảm 2%, thấp hơn rất nhiều so với mức giảm từ 10 - 15% của giá thép xây dựng trên thị trường Trung Quốc. Đồng thời, các đợt giảm giá vừa qua diễn ra tương đối nhỏ lẻ, chỉ giảm từ 100 - 200 đồng/kg/lần.

Chứng khoán Agriseco dự báo kết quả kinh doanh ngay trong quý II của ngành thép sẽ tăng trưởng cao so với nền thấp cùng kỳ trong bối cảnh sản lượng bán hàng quý II thép tiếp tục phục hồi, ước tính tăng 15% so với cùng kỳ và đạt gần 10,5 triệu tấn.

Cùng với đó, biên lợi nhuận gộp được dự báo sẽ cải thiện so với cùng kỳ nhờ các doanh nghiệp duy trì chính sách hàng tồn kho thấp giúp giá thành diễn biến sát với giá nguyên vật liệu. Cùng kỳ năm ngoái các doanh nghiệp phải chịu hàng tồn kho giá cao trong khi giá bán giảm khiến biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng kỳ vọng các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực về sản lượng bán hàng nội địa trong năm 2024, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối năm.

Trong đó, nhu cầu từ hoạt động xây dựng hạ tầng sau giai đoạn thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, các dự án hạ tầng trọng điểm như: cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai… sẽ cần tiêu thụ thép xây dựng, qua đó là yếu tố hỗ trợ cho thị trường nội địa trong 2024.

Bên cạnh đó, sự phục hồi còn đến từ việc một phần các dự án bất động sản dân dụng và các dự án đầu tư công bắt đầu được đẩy nhanh tiến độ, giúp cải thiện nhu cầu về thép.