Doanh nghiệp thụ động, nông sản ùn tắc cửa khẩu

Phạm Sơn - 10:17, 05/03/2022

TheLEADERTheo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong xuất khẩu nông sản, doanh nghiệp là người trực tiếp bị ảnh hưởng nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp tỏ ra thờ ơ với thị trường, thụ động tìm kiếm thông tin thị trường mà “chỉ lo đi buôn bán”

Doanh nghiệp thụ động, nông sản ùn tắc cửa khẩu
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: VGP.

Nói về thực trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu hiện nay, bà Đoàn Thu Hà, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn cho biết, sự vào cuộc của Chỉnh phủ và các bộ, ngành, cơ quan địa phương hết sức tích cực đã giúp khơi thông luồng nông sản trước dịp Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, sau tết, hiện tượng ùn ứ xuất hiện trở lại. Tính đến sáng ngày 4/3, riêng tại các cửa khẩu của Lạng Sơn đang có khoảng 1.400 xe hàng chờ xuất khẩu, trong đó 800 xe nông sản. Hiện tại, Lạng Sơn phải tạm ngừng tiếp nhận hoa quả tươi đến cửa khẩu Lạng Sơn cho đến 15/3.

Dự kiến, trong giai đoạn tiếp theo là từ 15/3 – 20/4, sẽ có khoảng 2.000 xe nông sản xuất khẩu được đưa lên cửa khẩu Lạng Sơn, thậm chí có thể tăng cao hơn nữa khi nông sản vào chính vụ.

“Năng lực thông quan chưa được cải thiện, trong khi hàng hóa vẫn tiếp tục lên cửa khẩu, do đó tình trạng ùn ứ nông sản sẽ tiếp diễn trong thời gian tới”, bà Hà cho biết.

Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, ùn tắc hàng hóa ở cửa khẩu không phải là hiện tượng mới. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn do Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “zero Covid-19”.

Nhiều giải pháp đã được triển khai, đem lại một số kết quả tích cực nhưng việc thông quan vẫn chưa thực sự triệt để.

Đi tìm giải pháp căn cơ

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan hồi tưởng lại, cách đây 3 – 4 năm, hiện tượng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu thời điểm trước và sau tết vẫn xảy ra.

Những lúc đó, các nguyên nhân được đưa ra mổ xẻ, nhiều câu hỏi được đặt ra cho ngành nông nghiệp như tại sao lại lệ thuộc vào một thị trường lớn? Tại sao không phát triển thị trường trong nước với quy mô 100 triệu dân? Tại sao không tăng cường chế biến hàng hóa? Tại sao không xuất khẩu chính ngạch, không phát triển logistics?...

Tuy nhiên, sau mỗi lần đặt ra những câu hỏi, theo Bộ trưởng, chúng ta lại “hay quên”, chỉ tập trung tháo gỡ hiện tượng trước mắt, bỏ bê những giải pháp lâu dài.

Đến ngay cả thời điểm hiện tại, những giải pháp như thông báo bà con nông dân không đưa hàng lên cửa khẩu, theo Bộ trưởng Hoan, cũng chỉ là đang “làm phần ngọn” chứ chưa tính đến phần gốc.

“Cách làm vẫn mù mờ về cung và cầu, đôi khi giống như buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung cầu”, lãnh đạo ngành nông nghiệp thẳng thắn nhìn nhận.

Nguyên nhân được chỉ ra, tiếp tục lại là câu chuyện về “tư duy sản lượng” đã được ông Hoan nhiều lần nhắc đến. Tư duy đó khiến ngành nông nghiệp “say sưa với thành tích xuất khẩu”, “hồ hởi với báo cáo kết quả xuất khẩu hàng năm” mà không nhìn nhận, đánh giá rủi ro, dù rủi ro luôn hiện hữu ngay trước mắt.

Ông Hoan nhấn mạnh, đây là dịp quan trọng để không chỉ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mà cả Bộ Công thương, các hiệp hội ngành hàng nông sản cùng đặt câu hỏi, đưa ra giải pháp để chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Đây cũng chính là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho các bộ, ngành trước tình trạng ùn tắc nông sản.

Chúng ta nghĩ ngắn quá rồi khi gặp vấn đề lại trách thị trường khó tính, để ùn ứ. "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", nhiều khi chính chúng ta phải xem lại mình trước.
Ông Lê minh hoan
Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Bên cạnh sự vào cuộc của các bộ ngành, sự chủ động, tích cực đến từ phía cộng đồng doanh nghiệp cũng hết sức quan trọng. Trong câu chuyện xuất khẩu nông sản, doanh nghiệp là người trực tiếp bị ảnh hưởng nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp tỏ ra thờ ơ với thị trường, thụ động tìm kiếm thông tin thị trường mà “chỉ lo đi buôn bán”.

Đồng quan điểm với ông Hoan, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) nhận xét, nhiều doanh nghiệp vẫn đi theo lối mòn, vẫn coi Trung Quốc là thị trường dễ tính, dễ xâm nhập, vẫn “thích” xuất khẩu tiểu ngạch.

Có thể nói, doanh nghiệp đang “dễ dãi” với bản thân mình. Chính bởi vì sự dễ dãi ấy, đến khi thị trường Trung Quốc có sự thay đổi là doanh nghiệp rơi ngay vào tình trạng “trở tay không kịp”.

Đặt kỳ vọng vào việc doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, chủ động hướng dẫn bà con nông dân canh tác theo nhu cầu thị trường, lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng đề nghị Vinafruit và các hiệp hội ngành hàng hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương trong việc tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại thị trường.

“Đây là giải pháp căn cơ và Bộ chấp nhận làm lại gần như từ đầu về một hệ sinh thái, một chuỗi ngành hàng nông nghiệp”, ông Hoan nhấn mạnh.