Doanh nghiệp tìm cách 'sống chung' với Covid-19

Quỳnh Chi - 16:27, 18/09/2021

TheLEADERĐể vượt qua khó khăn và ổn định sản xuất, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tìm kiếm cơ hội, ý tưởng, đổi mới tư duy và cách làm.

Doanh nghiệp tìm cách 'sống chung' với Covid-19
Doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ mùa Covid

Kỳ vọng…

Dragon Capital đánh giá, số liệu vĩ mô tháng 8 và quý III/2021 có thể là xấu nhất trong rất nhiều năm trở lại đây khi phản ánh gần như tất cả mọi ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 lên nền kinh tế.

Khảo sát từ 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tiến hành mới đây cho thấy, có 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, trong đó 72,3% doanh nghiệp tư nhân và 74,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc giãn cách không thể mãi diễn ra và khi tỷ lệ tiêm chủng được đẩy mạnh trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải dần sống chung với dịch, nền kinh tế phải sớm thích nghi.

Do đó, Dragon Capital tin rằng các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng là đầu tàu kinh tế sẽ phục hồi trở lại vào quý IV và tăng trở lại mạnh mẽ vào năm 2022.

Trong báo cáo mới được công bố, Dragon Capital đã có những đánh giá về triển vọng kinh tế khi tiêm chủng được đẩy nhanh và nới lỏng giãn cách. Điều này cho thấy thị trường khá vững vàng trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và chịu nhiều ảnh hưởng của việc tăng cường giãn cách với hoạt động kinh tế xã hội.

Nhà đầu tư dường như đang hướng kỳ vọng vào một quý IV tích cực hơn so với quý III, khi tình trạng giãn cách sẽ được nới lỏng dần. Tuy nhiên, diễn biến giằng co cho thấy thị trường vẫn còn khá dè chừng. Việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng sẽ giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư.

Theo Phó tổng giám đốc đầu tư Dragon Capital Lê Anh Tuấn, không phủ nhận sự thật rằng đã có một cú sốc kinh tế lớn nhưng nền kinh tế Việt Nam đã được chứng minh là rất bền bỉ và năng động. 

Doanh nghiệp muốn thành ‘cổ thụ’ thì phải chịu được bão
Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư Dragon Capital

Ông Tuấn lấy dẫn chứng, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới vào năm 2020 ghi nhận mức tăng trưởng dương, trong đó tất cả các nước khác trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, đều có nền kinh tế bị tăng trưởng âm.

Ngân hàng thế giới nhận định, nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch Covid-19 bùng phát hiện nay. Bên cạnh đó, tuy rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5 - 7% từ năm 2022 trở đi.

…cần đi kèm với hành động

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT U&I Group đánh giá, nền kinh tế có thể phục hồi khoảng 60 - 70% vào cuối năm sau. 

So với khối doanh nghiệp nhà nước, khối doanh nghiệp tư nhân có sức phục hồi nhanh hơn vì họ tự quản nguồn tiền, có thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng về những kế hoạch sắp tới trong thời gian nghỉ dịch. Ngay khi được mở cửa trở lại, họ sẽ có hướng đi khác, thậm chí có sự dấn thân lớn hơn nữa, sẽ có sự khác biệt lớn sau dịch.

Doanh nghiệp muốn thành ‘cổ thụ’ thì phải chịu được bão 1
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT U&I Group

Tuy nhiên ông Tín lưu ý, khả năng tuyển lại nhân sự sẽ cực kỳ khó, vì vậy, nếu các nhà máy vẫn tiếp tục cách làm cũ và không thay đổi về mặt công nghệ thì sẽ ảnh hưởng đến việc phục hồi. 

Theo ông Tín, trước đây, các doanh nghiệp thường phải mất ít nhất hai năm để phục hồi sau khủng hoảng, nhưng lần này sẽ mất thời gian lâu hơn.

Về vấn đề này, ông Albert Antoine, CEO & Co-founder Avaiga.com, các nước châu Á và các nước đang phát triển đang đi ngược lại với châu Âu. Trong khi châu Âu đầu tư tài chính và chỗ ở để người dân vùng khác đến công xưởng của họ làm việc thì những nước đang phát triển có xu hướng “thắt lưng buộc bụng” trong đại dịch, phải tiết kiệm để đi đánh trận khác chứ không đầu tư vào nguồn nhân lực.

Ông Albert Antoine cho biết thêm, vấn đề cần được giải quyết ở Việt Nam là chuyển đổi số còn ở châu Âu và Singapore thì yêu cầu đặt ra là phải tăng tốc để tối ưu hóa quy trình hoạt động.

Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực tìm kiếm cơ hội, ý tưởng, đổi mới tư duy và thực hiện chuyển đổi công nghệ sớm.

Ông Lê Trí Thông, CEO Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) nhận định: “Bão đổ qua thì chắc chắn sẽ có cây nhỏ đổ rạp, nhưng các cây nhỏ muốn trở thành cổ thụ thì phải chịu đựng cơn bão”.

Trong sự kiện OpenTalks được Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, IBP, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và S-World phối hợp tổ chức, ông Thông đã đưa ra lời khuyên 3T dành cho doanh nghiệp. 

Một là “tỉnh táo” để thoát ra khỏi những hào quang trong quá khứ, không ngủ quên trong những trận đánh thắng đại dịch vào những đợt bùng phát trước. Hai là “tài năng”. Doanh nghiệp cần tìm ra nhân tài trong đội ngũ, vì nhân viên là tài sản quan trọng nhất tạo nên bộ rễ của cây. Ba là “tái tạo”. Sau đại dịch, doanh nghiệp sẽ không thể đi theo con đường như cũ nên phải khởi động lại và tái cơ cấu doanh nghiệp.

Theo ông Thông, sau cơn bão, đất sẽ rộng hơn nên lượng “hữu cơ” sẽ tăng lên.

Doanh nghiệp muốn thành ‘cổ thụ’ thì phải chịu được bão 2
Ông Lê Trí Thông, CEO Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)

Liên quan đến câu chuyện tái cấu trúc, ông Tuấn lưu ý bốn yếu tố mà doanh nghiệp cần chú ý. Một là việc truyền tải thông điệp đến cộng đồng. Hai là tình hình tài chính hiện tại của doanh nghiệp (vốn ở đâu, hợp tác ở với ai, làm rõ dòng tiền, tìm kiếm huy động vốn, phát hành vốn, tầm nhìn). Ba là nguồn nhân lực, kỳ vọng vào quản lý nhân sự. Bốn là sản phẩm, với các yếu tố như giá bán, phân phối, dịch chuyển từ mua bán trực tiếp qua mua bán trực tuyến

Dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại, và triển khai một cách thận trọng và bài bản theo lộ trình. Tại nhiều thị trường quốc tế, các hoạt động kinh tế có xu hướng phục hồi mạnh mẽ ngay thời điểm kinh tế mở cửa và các chuyên gia kỳ vọng nhìn thấy điều tương tự ở Việt Nam.