Doanh nghiệp và NGO hợp tác tốt hơn sẽ làm được nhiều điều ý nghĩa hơn

Kim Yến - 16:18, 05/12/2017

TheLEADERDoanh nghiệp phải thể hiện trách nhiệm xã hội (CSR) như thế nào trong nội bộ công ty, trong kinh doanh, trong quan hệ với cộng đồng, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ (NGO) như thế nào, là chủ đề của cuộc hội thảo: “CSR và phát triển bền vững của doanh nghiệp” do tổ chức LIN và Công ty GIBC tổ chức mới đây tại TP.HCM.

Doanh nghiệp và NGO hợp tác tốt hơn sẽ làm được nhiều điều ý nghĩa hơn
Ảnh minh họa.

CSR không thể thiếu trong phát triển bền vững

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch CLB Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) và là Chủ tịch Quỹ Saigon Times, chương trình học bổng Phạm Phú Thứ, người nhiều năm dành tâm huyết để thúc đẩy phát triển trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) trong cộng đồng doanh nghiệp cho biết: Nhìn lại 30 năm đổi mới và phát triển, kinh tế tư nhân mới hình thành được 20 năm, hành lang pháp lý cho phát triển bền vững vẫn còn đầy thách thức. 

Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đang hình thành nên ba nhóm. Nhóm đầu là các doanh nghiệp niêm yết, có thương hiệu mạnh, mong muốn phát triển ra toàn cầu; nhóm thứ hai là một số công ty đã có thương hiệu lâu dài có triển vọng phát triển tốt; và nhóm thứ ba là 96% số công ty còn lại đều là nhỏ và vừa. Cả ba lực lượng này đều có đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Kinh tế càng phát triển, vị thế của khu vực này càng được nâng cao và do vậy các doanh nghiệp càng phải chú trọng đến làm thương hiệu và xây dựng tốt quan hệ cộng đồng/khách hàng.

Trong xu thế hội nhập toàn cầu và xu hướng phát triển chung của nhân loại, vấn đề CSR của doanh nghiệp đang ngày càng trở nên quan trọng trong từng doanh nghiệp, trong quản trị công ty hiện đại. CSR được khẳng định sẽ giúp doanh nghiệp có mục tiêu rõ ràng hơn, biết cân đối giữa ngắn hạn và dài hạn.

Kinh doanh phải tuân thủ luật pháp, tuân thủ trách nhiệm đạo đức, sản xuất kinh doanh phải có định hướng, không làm ra sản phẩm khiến người dùng phải đi chữa bệnh. Do vậy, marketing khi đưa một sản phẩm ra xã hội cũng phải gắn với CSR, từ đó cách nhìn, cách tiếp cận và cách làm đều phải có yếu tố CSR.

Đồng quan điểm này, bà Huỳnh Thị Xuân Liên, Phó tổng giám đốc cấp cao Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam cho rằng, mỗi tổ chức, doanh nghiệp phải có nhìn nhận rõ về CSR. Giống như câu chuyện thay vì cho người đi nhặt rác, hãy giáo dục hoặc làm thay đổi ý thức để mọi người đừng xả rác, tức là phải nhìn xa hơn thông qua việc mình làm, cách mình hành xử trên thị trường. Đây chính là CSR giúp kinh doanh của doanh nghiệp có mục tiêu rõ ràng hơn.

Theo bà Liên, với Suntory PepsiCo các chương trình như phát triển tài năng trẻ và bảo vệ môi trường, gần đây là chương trình “vòng tay nhân ái”, đều là những hoạt động CSR hướng đến mục tiêu cộng đồng một cách dài hạn và tầm nhìn đó không phải là cái bảng thành tích để gắn lên tường, mà phải được thấm vào trong mỗi nhân viên, trong từng hành động trong toàn công ty.

Ở một góc nhìn khác, ông James Galvin, Giám đốc Vsourse cho rằng sự đa dạng về thiên hướng, về tính dục, về tuổi tác là một vấn đề rất lớn trong bình đẳng giới và đối với doanh nghiệp cần được nhìn nhận đầy đủ trong quản lý nhân sự và kinh doanh.

Ông nói: “Trước đây chúng tôi đưa ra quyết định tuyển dụng nhân sự mới dựa trên những tiêu chí quen thuộc, theo thiên hướng nghề nghiệp chuyên môn, nên chưa giúp cho nhân viên cảm thấy có ý nghĩa, không mang tính liên kết. Trong hoạt động hàng ngày, mọi người đều bận rộn với công việc của mình, các lãnh đạo thì hay đi công tác, lo chuyện lớn của doanh nghiệp… khiến hoạt động CSR trở nên thiếu vắng và có thực hiện cũng chưa mang lại ý nghĩa thực sự. Với sự giúp đỡ của Trung tâm LIN, chúng tôi đã tiến hành đánh giá lại chiến lược CSR của công ty, xem lại lợi ích, tầm nhìn, và đưa ra cam kết về CSR và sự bền vững. Mỗi năm phải vượt hơn năm trước về tác động xã hội, và phải được đo lường rõ ràng. Từ đó khiến cho mọi người trong tổ chức đều thấy có trách nhiệm cao hơn, thấy vai trò ý nghĩa hơn”.

Hợp tác chặt chẽ để làm được nhiều việc lớn hơn

Việt Nam chưa có luật về hoạt động cộng đồng nên doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận nhiều khi gặp khó trong việc hợp tác triển khai CSR. Ba nguồn lực là doanh nghiệp-nhà nước-các tổ chức NGO/xã hội dân sự cần hợp tác chặt chẽ với nhau để thúc đẩy các hoạt động phát triển cộng đồng.

Mặc dù vậy, từ góc nhìn của các tổ chức NGO, bà Ngân là người điều hành tổ chức phi lợi nhuận “Bạn trẻ em đường phố” nhận xét: Trước đây các doanh nghiệp hầu như không có chiến lược gì cho CSR cả, chủ yếu tài trợ cho từ thiện, cho tiền một lần rồi rút đi, hơn là giải quyết những khó khăn cho cộng đồng và xã hội như tại sao người dân ở đó thiếu nước sạch, làm thế nào để người dân tại đó có nước sạch sử dụng lâu dài? Trong khi đó, thực sự CSR phải là một chuỗi hoạt động mang lại các tác động xã hội sâu rộng và bền vững chứ không chỉ để giải quyết một vấn đề hay một hoạt động đơn thuần.

Tuy nhiên bà Ngân cũng bày tỏ mối băn khoăn của mình trong việc làm sao tạo được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa các tổ chức NGO như của bà với các doanh nghiệp bởi theo bà, các hoạt động CSR của doanh nghiệp thực chất gắn liền với các hoạt động của NGO.

Bà Ngân kể lại những lần tiếp cận rất khó khăn với các doanh nghiệp để tìm kiếm các nguồn tài trợ cho các dự án phát triển cộng đồng của tổ chức.

“Có lần, tôi đã tưởng sẽ có được một khoản tiến khá lớn cho dự án của “Bạn trẻ em đường phố”, nhưng doanh nghiệp lại đòi hỏi chúng tôi phải giúp họ thực thi một chiến lược marketing hiệu quả mới trao tiền, mà chúng tôi thì không có kinh nghiệm marketing, nên đã rất lúng túng…”, bà Ngân chia sẻ.

Theo bà Ngân, có một thực tế rất đáng quan ngại là các nguồn lực của xã hội dành cho các hoạt động cộng đồng còn rất phân tán, khiến cho CSR chưa tác động sâu rộng đến cộng đồng. Bà Ngân cho rằng: “Doanh nghiệp cần phải hiểu phát triển dịch vụ, sản phẩm gì tốt cho cộng đồng một cách đa dạng hơn. Nếu chúng ta cùng phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, sẽ tìm ra những giải pháp bền vững hơn. Chương trình phát triển cộng đồng do chính những nhân viên của công ty đóng góp, thực hiện vẫn đạt được những mong muốn cần thiết khi chung tay với người khác. Đó là cách tiếp cận để tạo nên sự thay đổi lớn hơn”.

Thông hiểu nỗi trăn trở của bà Ngân, vị lãnh đạo của Suntory PepsiCo chia sẻ với tổ chức “Bạn trẻ em đường phố”: Khi tiếp xúc với doanh nghiệp, bạn phải nói được điều mà tổ chức của bạn muốn hướng tới thì họ sẽ không có lý do để đòi hỏi cái mà mình không có. Tôi cho rằng trước khi làm việc với công ty nào phải tìm hiểu kỹ công ty đó có phù hợp với sứ mệnh của tổ chức mình hay không?

“Có một tổ chức phi chính phủ đã đến với Suntory PepsiCo, nói với tôi rằng tổ chức của họ muốn phát triển một thế hệ marketing tương lai. Đó cũng là CSR của chúng tôi, và tôi đã OK liền”, bà Liên kể lại.

Ông Trần Khắc Tùng, Giám đốc tổ chức ICS, một tổ chức chuyên hoạt động về các quyền của người đồng giới, cũng đưa ra nhận xét: Qua tiếp xúc nhiều với doanh nghiệp, ban đầu tôi cứ nghĩ các ông chủ chịu áp lực về lợi nhuận rất lớn, rất khó để tiếp cận. Nhưng sau khi tìm hiểu, tôi thấy rõ ràng còn có nhiều điều khác để chia sẻ. Một điều chắc chắn là doanh nghiệp hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ là hỗ trợ chính mình, mang lại lợi ích cho nhân viên. Rõ ràng là CSR trong doanh nghiệp phải được lãnh đạo cao nhất hiểu rõ và quyết định.

Với dự án của “Bạn của trẻ em đường phố”, ông Tùng cho rằng nên có sự hợp tác với các NGO khác hoặc tổ chức có chuyên môn khác để triển khai. Nhưng cũng cần hiểu rằng mối quan hệ giữa đơn vị kinh doanh với tổ chức phi lợi nhuận phải là win- win. Bởi đây không chỉ với doanh nghiệp mà còn với toàn xã hội vì những giá trị mà hoạt động CSR đó mang lại.

“Thực sự với tôi, khi mua một sản phẩm cũng phải xem kỹ xem doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đó có dựa trên giá trị CSR không”, ông Tùng bật mí.

Đồng thuận với ý kiến này, bà Trần Vũ Ngân Giang, Giám đốc Trung tâm LIN nhấn mạnh thêm, do Việt Nam chưa có luật về hoạt động cộng đồng nên doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận nhiều khi gặp khó trong việc hợp tác triển khai CSR. Ba nguồn lực là doanh nghiệp-nhà nước-các tổ chức NGO/xã hội dân sự cần hợp tác chặt chẽ với nhau để thúc đẩy các hoạt động phát triển cộng đồng.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, là người đã từng xây dựng thành công chiến lược CSR cho PepsiCo khi còn đảm nhận vai trò CEO của tập đoàn này nhận xét: quan điểm cần thay đổi cách tiếp cận với CSR của doanh nghiệp, và huy động được các tổ chức NGO trong sự hợp tác của các doanh nghiệp sẽ giúp tăng sức mạnh của cả cộng đồng, góp phần đưa tiếng nói của cộng đồng đến với các tổ chức chính phủ, và cùng chính phủ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững là cách làm hay và sẽ mang lại hiệu quả thiết thực.