Doanh nhân nữ các thế hệ nắm tay nhau vượt qua đại dịch

Kim Yến - 09:00, 08/03/2020

TheLEADERBên cạnh thế hệ trưởng thành dày dạn kinh nghiệm là lớp phụ nữ trẻ giàu bản lĩnh, có tri thức, có quan điểm sống rõ ràng và tinh thần cống hiến cho cộng đồng. Họ đang kết nối để cùng nhau thành công.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Quản trị thời khủng hoảng và vai trò nữ doanh nhân” do TheLEADER và Hội nữ doanh nhân TP. HCM (HAWEE) tổ chức mới đây nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.

Giúp nhau trong khủng hoảng

Chị Nguyễn Phụng Trân, Tổng giám đốc Công ty sản xuất Constantia Việt Nam nhấn mạnh đến sự kết nối giữa các thế hệ, bè bạn doanh nhân của HAWEE trong dịch Covid-19.

“Tôi rất thấm thía với chia sẻ của các chị đi trước về xây dựng nội lực công ty, nội lực chính mình. Trong cái khó ló cái khôn, thời gian vừa rồi công ty Trân cung cấp bao bì cho các công ty dược phẩm, nhờ có sự kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp bạn bè cùng ngành tại HAWEE như Công ty Newtoyo Việt Nam của chị Nhan Húc Quân nên đã giải quyết được những khó khăn trước mắt, kịp thời phục vụ dược phẩm cho bà con trong tình hình dịch bệnh đang căng thẳng.

Doanh nhân nữ các thế hệ nắm tay nhau vượt qua đại dịch
Chị Nguyễn Phụng Trân, Tổng giám đốc Công ty SX Constantia Việt Nam.

Tôi rất thích cách làm việc trung thực, chất lượng, mang đến nhiều giá trị của các doanh nghiệp bạn bè ở HAWEE, hướng tới làm ăn dài hạn, chứ không tạm thời.

Là doanh nghiệp FDI của châu Âu, cứ 6 tháng chúng tôi phải đánh giá lại rủi ro từ đầu ra đến đầu vào, xác định được rủi ro nguồn cung trong kho để giải quyết, nên chi phí thấp. Với bao bì dược phẩm, rất khó tìm nguồn thay thế vì không phải mua và bán được ngay, phải qua rất nhiều khâu kiểm định. Nếu không chuẩn bị trước 6 tháng thì rất ngụy

Sự đa dạng hoá nguồn cung là điều chúng ta phải nghĩ tới đầu tiên. Trong mấy tháng vừa rồi, khi nguồn cung ách tắc, chúng tôi đã chuyển hướng sang đặt hàng từ châu Âu dù giá rất cao, vì đợt dịch này tạo cơ hội lớn cho các công ty dược, đơn hàng đặt gấp đôi bình thường.

Ngay trong sản xuất, nếu mình khuyến khích, chăm sóc đội ngũ tốt, thì năng suất có thể tăng gấp mấy lần. Lúc trước thay máy mất 4h, giờ phải tìm cách thay trong 2 tiếng thôi. Dù làm việc rất cực nhưng anh em lại thấy kết quả cao hơn nhiều so với trước đây.”

Đại dịch là cơ hội để thấy cần có sức mạnh nội tại

Doanh nhân trẻ Lương Ngọc Tiên, người đang nỗ lực xây dựng cộng đồng sống tỉnh thức bằng những trả giá của chính mình chia sẻ về ý nghĩa của nội lực trong điều kiện khủng hoảng.

“Tôi may mắn được đi du học nước ngoài, trở về nước năm 29-30 tuổi, tôi lại đối diện với khủng hoảng hiện sinh, mâu thuẫn nội tại giữa các giá trị phương Đông và phương Tây trong chính con người mình. Được ăn học đầy đủ, độc lập tự chủ về tài chính, liệu mình có phải đi theo con đường truyền thống là lấy chồng sinh con ngay hay không? Hay phải tạo lập sự nghiệp trước đã?

Doanh nhân nữ các thế hệ, họ đang kết nối để cùng thành công 1
Chị Lương Ngọc Tiên

Tôi đã từng mất cân bằng, lấy người đó tưởng có thể sống với nhau trọn đời, nhưng không phải vậy. Đâu đó trong bản năng tôi cất lên một tiếng nói khác. Bằng sự ham học, tìm hiểu, thực hành quay về bên trong, xây dựng nội lực, tới giờ tôi thấy đời sống của mình rất phong phú, mang lại giá trị cho công việc và cho cộng đồng. Từ đó tôi có động lực mạnh mẽ hơn để xây dựng cộng đồng tỉnh thức trong 8 năm qua, và thấy cuộc đời mình có ý nghĩa hơn

Khủng hoảng Covid-19xảy ra, tự nhiên có nhiều người tìm đến tôi học xây dựng phương pháp xây dựng nội lực. Đa phần mọi người chỉ đến học khi họ đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng thực ra việc xây dựng con người khoẻ mạnh từ bên trong phải là việc làm thương xuyên, mọi lúc, mọi nơi.

Nội lực khoẻ mạnh sẽ giúp ta làm những việc khác tốt hơn, đừng đợi khủng hoảng mới cuống cuồng tìm cách cứu mình. Đây cũng là cơ hội để mọi người thấy cần có sức mạnh nội tại. Với cá nhân tôi, mỗi lần học lại có thêm sức mạnh, sự kiên trì, nhẫn nại, để đưa doanh nghiệp vượt lên.”

Tư duy bằng cái tâm để vận hành doanh nghiệp

Chị Mỹ Linh, chủ doanh nghiệp chuyên về ngành nail (làm móng) lại chia sẻ câu chuyện phá sản của ba mẹ mình, và coi đó như là tấm gương để mình vượt qua giông bão cuộc đời. 

Doanh nhân nữ các thế hệ, họ đang kết nối để cùng thành công 2
Mỹ Linh trao đổi tại Toạ đàm “Quản trị thời khủng hoảng và vai trò nữ doanh nhân”

“Tôi hiểu rất nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới nếu không cầm cự nổi sẽ phá sản. Thực tế này khiến tôi nhớ lại ký ức đau thương của gia đình mình.

Ba tôi trước đây là chủ thương hiệu xe đạp Hữu Nghị, năm 1996 khủng hoảng kinh tế, gia đình tôi phá sản. Lúc ấy tôi 14 tuổi. Từ một cô gái chỉ biết đua xe, đi vũ trường, học hành nổi trội trong trường, tiền cha mẹ mỗi đêm đem về chất đầy giường, đến khi phá sản, gia đình tôi phải bán hết xe, thuê nhà, tôi phải tụt xuống đi bộ.

Lúc ấy, ba tôi phải đi bán bánh bò bánh tiêu ở hương lộ 14, Bình Hưng Hoà, một khu tăm tối không phải như bây giờ, tinh thần ông sụt giảm ghê gớm. Đêm 30 Tết chủ nợ đầy nhà.

Trong nguy nan, chỉ có má tôi là người mạnh mẽ nhất. Má bật dậy bằng gánh hủ tiếu mì gà ngay trước của nhà. Bảy đứa con, đứa phụ mẹ nhặt lông gà, đứa rửa chén, mỗi ngày má nuôi con bằng phao câu, xí quách qua ngày. Rồi má làm bánh bao, phá sản lần nữa vì họ cứ trả gối đầu, đến khi đứt vốn luôn.

Cũng may, từ khi làm bà chủ lớn đến lúc phải bán bánh mì, bánh bao, má luôn giữ được trái tim nhân hậu, thương người, nhẫn nại, bao dung, nên được mọi người thương. Những điều đó cũng giúp hình thành tính cách các con của má, tư duy bằng cái tâm để vận hành doanh nghiệp.

Bản lĩnh phụ nữ Việt Nam

Chị Quyên Phạm, CEO công ty Validus cũng nhấn mạnh vai trò giáo dục, đào tạo ngay trong khủng hoảng.

“Giáo dục vô cùng quan trọng, chúng ta phải biết học từ khủng hoảng, nếu không sẽ không thể tiến bộ.

Tôi nhớ mãi câu chuyện về má mình. Khi gia đình tôi bị lùa đi vùng kinh tế mới theo cha làm giáo viên ở đó, không còn gì ăn, má bắt buộc phải đi. Sau một thời gian bươn chải, thấy kinh tế mới không ổn, các con không được học hành đến nơi đến chốn, má đã tìm mọi cách đưa các con về lại Sài Gòn. Xin về mãi không được, bà đã tìm đến vị cao nhất của xã và ra tối hậu thư: ‘Nếu ông không quyết định cho chồng tôi về Sài Gòn thì tôi và các con sẽ thiêu sống tại đây’.

Bản lĩnh của má ghi sâu trong lòng tôi, vì hành động đó của má mới có mình hôm nay. Người mẹ đã cho mình động lực để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Mình hiểu vai trò giáo dục, tất cả khủng hoảng đều có thể vượt qua nếu đủ bản lĩnh, nếu chịu học hỏi”. 

Mọi mối quan hệ đều cần sự tin tưởng và chân thành

Nguyễn Thị Minh Phương, 24 tuổi, đại diện Công ty Tư Duy Sale cũng chia sẻ rằng, khủng hoảng cá nhân rất thường gặp ở thế hệ doanh nhân trẻ trong kế nghiệp và lập nghiệp.

“Khủng hoảng của tôi đơn giản là sự suy nghĩ khác nhau giữa hai thế hệ cha mẹ và con cái trong thời kì đổi mới. Vấn đề phát sinh khi bậc phụ huynh có định nghĩa về ‘ổn định’ khác với giới trẻ, và quyết định chuyển ngành học là một thứ gì đó rất kinh khủng đối với họ.

Tôi quyết định chuyển ngành trong thời gian nhạy cảm nhất. Học khoa luật của Đại học Luật TP. HCM, tôi những tưởng mình sống chết yêu luật, cứ nghĩ luật sư sẽ ngầu như mấy phim Hồng Kông. Tính cách tôi lúc nào cũng muốn giúp đỡ mọi người, rất ghét bất công.

Đến năm thứ 2, khi được tiếp xúc môi trường nhà tù, trại giam, công an…, tôi nhận ra mình không thích luật, con đường đang đi nghĩ tất sẽ bị sụp đổ. Tôi quyết định học marketing. Khi có biến cố, khủng hoảng, gia đình lại quay lưng, gạt mình qua một bên. Tôi rất hoang mang.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn, tôi còn có ý nghĩ dại dột là muốn tự tử. Nhưng tôi đã tìm cách giải quyết khủng hoảng cá nhân bằng cách đi leo núi, đạp xe, tham gia các hoạt động thể chất khác và kết giao với những người thú vị; cố gắng chứng minh cho ba mẹ rằng mình có thể làm tốt, học tập tốt để đạt thành tích nhất định.

Tôi muốn nhắn nhủ với những bậc làm cha mẹ rằng hãy nghe con mình nói. Mọi cái con nói đều có lý do, và hãy dành một phần tin tưởng, dù rất nhỏ cho con cái mình. Nếu mình không giúp đỡ con cái được nhiều thì hãy tin tưởng nó và là nơi để nó quay về khi nó thật sự cần.

Các bạn trẻ hãy mở lòng với ba mẹ, hãy để họ đồng cảm với những suy nghĩ trong mình. Người lớn nào cũng từng là trẻ con, nhưng có nhiều người lớn không nhớ họ đã từng là trẻ con như thế nào. Mọi mối quan hệ đều cần sự tin tưởng và chân thành”.

Doanh nhân nữ các thế hệ nắm tay nhau vượt qua đại dịch 3
Các nữ doanh nhân chia sẻ tại Tọa đàm “Quản trị thời khủng hoảng và vai trò nữ doanh nhân”

Làm đẹp cho người và làm đẹp cho chính mình

Chị Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Talentnet, Phó chủ tịch HAWEE phụ trách mảng đào tạo đã kết thúc Tọa đàm với phần chia sẻ thú vị.

“Qua trao đổi rất chân thành của các chị, tôi thấy để giải quyết khủng hoảng doanh nghiệp, khủng hoảng gia đình, quan trọng phải có sự kiên định, bình tĩnh. Chị Cao Ngọc Dung rất tỉnh táo nhận định, có dự đoán, dự báo, chiến lược, nhưng không phải phụ nữ nào cũng có bản lĩnh như vậy đâu. Bản lĩnh là phải trui rèn, phải thực tập mỗi ngày mới có được. Phụ nữ bản lĩnh sẽ tạo nên thế giới mạnh mẽ.

Trong cơn đại dịch này, các doanh nghiệp lớn, nhỏ và vừa đều bị ảnh hưởng, mỗi doanh nghiệp có mối nguy và cơ riêng để giải quyết. Trong ngành tư vấn, tôi thấy phải làm sao cho nhân viên có tính linh hoạt, tập trung. Thời điểm này, chúng tôi tập trung đào tạo nâng cấp cho lực lượng nội tại chứ không tuyển quá nhiều người bên ngoài. Làm sao kết nối giúp doanh nghiệp tham gia Hiệp hội cùng nhóm, cùng ngành, chia sẻ các giá trị, cùng gia đình HAWEE tăng cường kết nối nhiều hơn?

Doanh nhân nữ các thế hệ nắm tay nhau vượt qua đại dịch 4
Chị Tiêu Yến Trinh - Tổng giám đốc Talennet

HAWEE chủ trương nâng cao sức mạnh nội lực cho các nữ doanh nhân, với những giá trị trung thực, yêu thương, đoàn kết. Đây là lúc doanh nghiệp hiện thực hoá chủ trương “Người Việt sài hàng Việt”. Các doanh nghiệp Việt nên tìm kiếm đối tác, nhà cung cấp trong nước, tăng cường nội địa hóa chuỗi giá trị.

Khủng hoảng cũng là lúc để chúng ta nhìn lại cả cuộc đời, biết giá trị nào là nền tảng. Xây dựng công ty Talentnet khi má chồng và má ruột mất, sau đó tôi thấy mình yêu cuộc đời ghê lắm, thấy phía trước là phần thưởng, dâng hiến mà không đòi hỏi bất cứ điều gì.

Văn hoá HAWEE là cho đi và chia sẻ rất nhiều, tạo sự kết nối giữa những người phụ nữ. Mỗi phụ nữ cùng có hoài bão đóng góp, chia sẻ, thì trong 5 - 10 năm nữa, Việt Nam sẽ có vị thế cao trong ASEAN, đó là điều chúng ta có thể hy vọng. Hãy sống bằng tấm lòng, quan tâm đến xã hội, làm đẹp cho người và cho chính mình nữa. Phụ nữ lúc nào cũng phải đẹp, phải tự tin, vui vẻ. Tôi tin sự kết nối giá trị của nhiều thế hệ phụ nữ sẽ tạo nên sức mạnh”.