Doanh nhân Việt quyết tâm vươn mình sau đại dịch

Đặng Hoa - 09:39, 15/10/2020

TheLEADERCovid-19 là chất xúc tác để các doanh nghiệp thay đổi, tìm kiếm cơ hội cũng như đẩy mạnh liên kết cùng vượt qua khủng hoảng và tìm cơ hội phát triển mạnh mẽ, đưa nền kinh tế Việt Nam "cất cánh" sau đại địch.

Doanh nhân Việt quyết tâm vươn mình sau đại dịch
Các doanh nhân phát biểu tại buổi gặp mặt Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình

Hơn 20 doanh nhân thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Câu lạc bộ Doanh nhân Sao đỏ quây quần tại Văn phòng Chính phủ chờ gặp mặt Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhân kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam 13/10.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường trên thế giới, các doanh nhân Việt cảm thấy may mắn vì có thể tụ họp vào đúng ngày truyền thống của mình khi Việt Nam về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh.

Các doanh nhân tiêu biểu phấn khởi bàn với nhau về nội dung đề xuất lên Phó thủ tướng. Ai cũng kỳ vọng về một sự phục hồi của nền kinh tế sau một thời gian dài đối mặt với khủng hoảng do Covid-19 gây ra, kỳ vọng về sự vươn mình trỗi dậy của các doanh nghiệp, doanh nhân toàn quốc trong bối cảnh bình thường mới.

Nhìn ở mặt tích cực, Covid-19 diễn ra thúc đẩy sự liên kết giữa cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn. Như góc nhìn của doanh nhân trẻ Nguyễn Ngọc Mỹ, thành viên HĐQT Alphanam Group, trong khó khăn luôn tìm thấy điểm sáng. Đó là sự đoàn kết của các doanh nghiệp được nâng cao với sự liên doanh, liên kết đặc biệt ở khối doanh nghiệp nội địa.

“Nếu tiếp tục cùng nắm tay nhau qua khủng hoảng và tiếp tục đoàn kết thì sau khi dịch bệnh được khống chế, doanh nhân Việt Nam sẽ có thời kỳ vàng để phát triển vươn ra tầm quốc tế với các sản phẩm mang dòng máu, sự tự hào mang tên gọi Việt Nam”, Ngọc Mỹ nói.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, Hội cùng với hơn 10.000 hội viên luôn nỗ lực, đồng hành với Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận nguồn vốn, cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Hội Doanh nhân trẻ còn tư vấn, hỗ trợ hội viên thông qua các chương trình tọa đàm trực tuyến, chia sẻ khó khăn và đưa ra các giải pháp, truyền cảm hứng giúp doanh nghiệp hội viên vượt qua khủng hoảng.

Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ cũng nhận định, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch và hàng không, nhưng các doanh nhân vẫn giữ tinh thần không ngừng mệt mỏi vươn lên, hợp tác song phương và đa phương để cùng vượt qua khó khăn.

Bên cạnh đó, Covid-19 cũng mang lại một chất xúc tác để tạo nên sự thay đổi trong các doanh nghiệp ở Việt Nam và toàn cầu. Theo ông Trần Anh Vương, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Bắc Việt, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trẻ đã coi Covid-19 là cơ hội để thay đổi.

“Có vẻ như Covid-19 sinh ra làm cho các đối tượng yếu thế trở nên có cơ hội. Nếu không có Covid, không biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ liệu có thoát được sự lệ thuộc vào một số nền kinh tế lớn hay không”, ông Vương trên cương vị Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam nói.

Doanh nhân Việt quyết tâm vươn mình sau đại dịch
Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hoà Bình và các doanh nhân

Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng

Để có thể sớm phục hồi nền kinh tế mà trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; có cơ chế giám sát triển khai các gói hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ thu mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ thông qua việc chi trả bằng ngân sách; xây dựng gói kích cầu để đưa ra ngay sau khi khống chế được dịch bệnh Covid-19 thay vì gói hỗ trợ mang tính chừng mực như hiện nay.

Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ cũng đề nghị Chính phủ đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đi vào thực tiễn để sớm phục hồi, đồng thời rà soát hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh. 

Theo ông Hồng, các quy định liên quan đến đất đai, xây dựng, đầu tư công… mặc dù đã có những hoàn thiện, nhưng vẫn còn chồng lấn, không thống nhất, gây khó khăn cho việc triển khai các dự án đầu tư.

Trong khi đó, ông Vương đề xuất rằng cần nhắc đến vai trò của kinh tế tư nhân một cách mạnh mẽ hơn nữa. Theo lãnh đạo Thép Bắc Việt, kinh tế nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo nhưng trong các vấn đề an ninh kinh tế như an ninh lương thực, năng lượng, dân sinh… Còn các mảng về đột phá thì nên để tư nhân thực hiện.

“Muốn cho kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng, nếu nói quan trọng chưa đủ mà là then chốt, thì phải đưa kinh tế tư nhân vào nghị quyết của Đại hội Đảng. Như vậy mới có cơ sở để triển khai vai trò của kinh tế tư nhân. Nếu kinh tế là một đội bóng thì kinh tế nhà nước giữ vị trí hậu vệ còn kinh tế tư nhân giữ vai trò tiền đạo”, ông Vương nói.

Bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP quản lý và khai thác Cảng quốc tế Long An kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến vùng đồng bằng sông Cửu Long vì đây là vựa lúa của cả nước nhưng đang chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, quan tâm đến việc phát triển hạ tầng đường thủy để thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, bà Huệ cho rằng cần quan tâm hơn nữa vào ngành kho vận (logistics) vì đây là ngành ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực của nền kinh tế nhưng chi phí logistics còn cao, chiếm tới 20% GDP, trong khi con số này ở Singapore chỉ 8%. Bà Huệ cho rằng đây cũng là lý do khiến sức cạnh tranh của hàng hoá của Việt Nam còn kém.

Dù vậy, nữ doanh nhân này nhìn nhận đây cũng là cơ hội phát triển của ngành logistics. Bà Huệ đề nghị Chính phủ có nghị định riêng cho ưu đãi và phát triển ngành logistics để tăng lợi thế cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ hàng hoá đến từ Việt Nam.

Là một người dành nhiều tâm huyết đối với các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group bày tỏ sự lo lắng đối với thực trạng các mô hình kinh doanh mới, nổi bật là nền kinh tế chia sẻ, dù mang lại nhiều lợi ích về kinh tế nhưng lại chưa có cơ chế pháp luật tương ứng nên có thể đối mặt với nhiều rủi ro.

“Tôi đầu tư vào Luxstay nhưng mới đây bộ xây dựng và UBND tỉnh, thành phố cấm cho thuê theo giờ, đó là rào cản lớn. Mô hình kinh tế chia sẻ trên thực tế đã chứng minh rất hiệu quả. Nên tham vấn ý kiến để có chấp thuận tạm thời thử nghiệm theo mô hình sandbox”, ông Hưng nói.

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các doanh nhân. Ông khẳng định, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đặc biệt tập trung phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước.

Doanh nhân Việt quyết tâm vươn mình sau đại dịch 2
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chúc mừng các doanh nhân nhân ngày 13/10

Về vướng mắc thể chế, Phó thủ tướng cho biết, các phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ luôn dành thời gian để đánh giá, giải quyết các khó khăn cho các doanh nghiệp, cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Chính phủ xác định tháo gỡ thể chế, cải cách thể chế để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Đối với đề xuất của bà Phạm Thị Bích Huệ về nghị định cho ngành logistics cũng như các vướng mắc khác, Phó thủ tướng đề nghị các hiệp hội kiến nghị, đề xuất, vướng ở chỗ nào cần có chính sách tháo gỡ. Ông nhấn mạnh, không đề xuất chung chung mà phải đưa ra được đề án cụ thể.

Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cũng cho rằng, bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay đòi hỏi doanh nhân, doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản phẩm, dịch vụ của mình, giúp Việt Nam tự tin hội nhập với thế giới.

“Chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, do đó phải nhận thức đúng và đầy đủ về tiềm năng, lợi thế mà cuộc cách mạng này mang lại, là cơ hội để chúng ta cạnh tranh và vươn lên với các quốc gia khác, đưa đất nước hội nhập và phát triển mạnh mẽ hơn nữa với nền kinh thế giới”, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.

Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần phải sẵn sàng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin, nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt cơ hội, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho những trạng thái "bình thường mới" để kịp thời ứng phó với những thay đổi không lường trước được, đưa kinh tế Việt Nam phát triển ổn định và "cất cánh".