Doanh nhân Sao Đỏ: 'Không xin tiền, chỉ xin hỗ trợ về thể chế'

Đặng Hoa - 15:31, 08/05/2020

TheLEADERCải cách về thể chế, theo các doanh nhân Sao Đỏ, chính là sự hỗ trợ quan trọng và khả thi nhất dành cho cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn rất đặc biệt hiện nay.

Là lãnh đạo một tập đoàn quy mô nhân sự 36.000 người, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT xác định hiện nay, có ba loại vi-rút rất nguy hiểm đang tồn tại cần tiêu diệt. Thứ nhất là vi-rút gây ra dịch Covid-19 có thể kéo dài trên toàn cầu trong vòng 18-24 tháng, thứ hai là vi rút sợ hãi và thứ ba là vi rút tiêu dùng tối thiểu đều kéo dài từ 3-5 năm.

Ông Bình cho biết, FPT coi mình là lính cứu hỏa, nhìn xa nhưng phải làm ngắn, xác định điểm đau sống còn để giải quyết ngay lập tức từng điểm nhỏ. Doanh nghiệp này đã chuyển sang chế độ doanh nghiệp thời chiến cho toàn bộ cán bộ nhân viên. Theo ông, trong giai đoạn này, mạng sống con người quan trọng nhất, sự an nguy của công ty là số 1, phải xây dựng văn phòng như pháo đài, nhân viên như chiến sỹ và xác định hình thức làm việc như trước đây không thể duy trì trong bối cảnh này.

Trong buổi thảo luận mở do Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ tổ chức mới đây, lãnh đạo FPT cũng cho rằng khi đầu cầu kinh tế rút về tối thiểu, cả nền kinh tế sẽ không phát triển. Chính vì vậy, cần chiến đấu song song trên cả ba mặt trận: chống dịch, chống suy thoái doanh nghiệp và chống thất nghiệp.

Ông Bình nhìn nhận, đây là cơ hội để xem lại và tháo gỡ những nút thắt của cơ chế, phải xác định “sống chung với lũ”. Trên thực tế, thế giới đã thay đổi, Covid- 19 chỉ là cú hích, cần phải xây dựng được thể chế phù hợp.

Doanh nhân Sao Đỏ: 'Không xin tiền, chỉ xin hỗ trợ về thể chế'
Các doanh nhân Sao Đỏ nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách thể chế trong việc phục hồi nền kinh tế và các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng cho biết, cho dù đã và đang gặp muôn vàn khó khăn vì đại dịch, nhưng cộng đồng doanh nghiệp Sao Đỏ không kiến nghị Nhà nước hỗ trợ về tiền, mà chỉ kiến nghị hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc đẩy mạnh cải cách về thể chế, chính sách, môi trường đầu tư – kinh doanh, để làm sao bớt đi nhiều điểm tắc nghẽn không đáng có, góp phần tạo nên những đột phá mới cho nền kinh tế hậu dịch Covid-19.

Ông Quyết cho rằng đây chính là sự hỗ trợ quan trọng và khả thi nhất mà Đảng, Chính phủ cũng như ban, ngành các cấp có thể dành cho cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn rất đặc biệt hiện nay.

“Chúng ta đã có Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 hoạt động rất hiệu quả vì vậy rất cần có Ban chỉ đạo quốc gia về chống suy thoái kinh tế và thất nghiệp có sự tham gia của Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động. Ban chỉ đạo sẽ đưa ra các quyết sách đặc thù và đặc biệt không hồi tố, hành động như thời chiến”, ông Trương Gia Bình nói.

Trong bản đề xuất, hiến kế gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 7/5/2020, Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ cho rằng, các doanh nghiệp đang lớn hiện điều hành doanh nghiệp theo đúng mô hình phát triển bền vững với cả ba mục tiêu gồm: ứng phó tốt nhất với tác động của dịch bệnh, đưa ra các giải phát phục hồi và tái khởi động sản xuất kinh đoanh, và bám sát mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.

Để các doanh nghiệp có thể triển khai hiệu quả mô hình điều hành kinh doanh này, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phục hồi kinh tế do Covid-19 là điều có ý nghĩa hết sức to lớn khẳng định sự đồng hành và quyết tâm của Chính phủ.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý cần theo hướng giải quyết nhanh gọn, cắt giảm và đơn giản hóa hơn nữa. Thực tế, dù cấp trên đã tháo gỡ, thông suốt về chủ trương nhưng cấp dưới vẫn xuất hiện nhiều khó khăn, vướng mắc. Đây chính là một nút thắt lớn ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại. Những dự án đang triển khai trước dịch nên cho phép khởi động lại. Thậm chí có cơ chế vừa làm, vừa hoàn thiện thủ tục nếu chưa hoàn thiện.

Về thuế và lãi suất, các doanh nhân Sao Đỏ cho rằng, cần phải làm ngay và luôn việc giãn và hoãn các khoản nợ cho các phần vốn đã vay từ trước dịch đến nay cũng như các khoản nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội vì các doanh nghiệp đang bị mất cân đối dòng tiền, cần nhà nước cùng các tổ chức tín dụng gia hạn nợ và bơm thêm vốn cho các doanh nghiệp tốt.

Các loại thuế nên giảm đồng đều cho tất cả các doanh nghiệp mà không cần phải chờ báo cáo mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp tránh được cơ chế “xin – cho”. Thêm nữa, cho phép doanh nghiệp chậm đóng thuế, được phép gộp thuế 2019 và 2020.

Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương giảm lãi suất, song việc thực hiện còn phụ thuộc vào từng ngân hàng, chi nhánh. “Sức khoẻ” doanh nghiệp bây giờ tính bằng ngày nên biện pháp thiết thực nhất, theo các doanh nhân Sao Đỏ, là cắt giảm lãi suất toàn diện, không phân biệt để cứu doanh nghiệp trước. Sau đó, những doanh nghiệp nào ảnh hưởng nặng do dịch bệnh sẽ tiếp tục làm thủ tục xin hỗ trợ tiếp.

Việc thúc đẩy nhanh chóng hoàn thiện thể chế, tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng cũng được đánh giá là rất quan trọng để đón bắt xu thế cơ cấu lại chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Cần đẩy nhanh quy hoạch mới các khu công nghiệp quy mô lớn để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam.

Bên cạnh đó, Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp có vốn nhà nước nắm giữ dưới 30% để tạo sự chủ động hơn nữa cho doanh nghiệp phát triển, huy động tối đa các nguồn tiền đang ngủ trong dân.

Cần thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, tăng cầu của xã hội, đẩy mạnh cuộc vận động người Việt dùng và yêu hàng Việt. Ngoài ra, cần tạo đường dây nóng, kênh trực tuyến để tiếp nhận các thắc mắc, hiến kế, những tiêu cực, nhũng nhiễu, thiên vị, làm sai... so với quy định nhà nước.

Doanh nghiệp phải tự tìm đường cho mình

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nhìn nhận, các doanh nghiệp phải “sống chung với lũ” trong bối cảnh hiện nay, ông mong muốn các doanh nghiệp tốt phải “sống” vì còn ảnh hưởng đến nhiều người lao động. Bên cạnh các hỗ trợ của Chính phủ, ông Đoàn cho rằng doanh nghiệp cũng phải tự tìm đường cho mình và người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp.

Đây là cuộc khủng hoảng lần thứ ba mà ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco trải qua trong quãng đời làm doanh nhân của mình. Ông Tiền xác định, còn người là còn của, có thể mất hết tất cả nhưng có con người là có thể phát triển được.

Từ đầu mùa dịch, Geleximco áp dụng tinh thần người lính chỉ tiến, không lùi, áp dụng chính sách luân chuyển thay vì cắt giảm nhân sự, tiết kiệm được khoảng 30 tỷ đồng mỗi tháng. Ông Tiền cho biết, đây là tiền dành để làm đòn bẩy cho những năm sau.

Không chỉ đặt mục tiêu vượt qua khủng hoảng, nhiều doanh nhân Sao Đỏ còn cho rằng cần tìm cơ trong nguy, hướng đến việc phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Ông Nguyễn Thành Phương, CEO Tập đoàn Kangaroo khẳng định, chắc 100 năm nữa Kangaroo cũng không có cơ hội phát triển như đại dịch vừa qua. Dịch bệnh đã khiến Kangaroo phải thay đổi tầm nhìn, chiến lược, mục tiêu; áp dụng văn phòng điện tử báo cáo theo từng giây, rà soát, thanh lý toàn bộ tài sản không sinh lời.

Khi các siêu thị, cửa hàng đóng cửa, sản phẩm của Kangaroo lại được đưa vào 12 nghìn điểm mới thuộc hệ thống nhà thuốc, cửa hàng thực phẩm. Trong lúc doanh nghiệp khác ngủ đông thì doanh nghiệp này hoạt động hết công suất, riêng trong quý I/2020 tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch CenGroup nhìn nhận, khi chuỗi cung ứng Trung Quốc đứt gãy có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản tập trung vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, ông Vũ cho rằng Trung Quốc đã có những doanh nhân giỏi nhất thế giới, vì vậy, không chỉ chào đón Hàn Quốc và Nhật Bản mà còn phải chào đón cả Mỹ và Trung Quốc.

Về định hướng tương lai của CenGroup, ông Vũ cho biết sẽ tập trung vào hậu cần, kho bãi, khu công nghiệp, căn hộ cho thuê dài hạn. Mục tiêu sang năm 2021 tăng trưởng gấp hai, gấp ba thay vì giữ cái nhìn bi quan về dịch bệnh.