Đối sách nào cho Việt Nam khi nhân dân tệ hạ giá giữa thương chiến Mỹ - Trung

Trang Nguyễn - 20:05, 06/08/2019

TheLEADERCác chuyên gia cho rằng đồng VND vẫn còn dư địa để chống chọi với các tác động từ bên ngoài nhưng cần thận trọng với việc Mỹ có thể đưa Việt Nam vào danh sách nhóm các nước thao túng tiền tệ.

Đối sách nào cho Việt Nam khi nhân dân tệ hạ giá giữa thương chiến Mỹ - Trung
Trong ngày thứ Hai (5/8), đồng NDT đã mất giá hơn 1,3% so với đồng USD, xuống mức thấp nhất từ năm 2009.

Tác động dây chuyền

Trong ngày 5/8, đồng nhân dân tệ đã mất giá hơn 1,3% so với đồng USD, xuống mức thấp nhất từ năm 2009, đưa cặp tỷ giá USD/CNY vượt ngưỡng tâm lý hỗ trợ quan trọng 7,0. Trước phiên giao dịch này, đồng Nhân dân tệ mất giá khoảng 0,5% kể từ đầu năm.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (NHTW) điều chỉnh tỷ giá trung tâm trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước gây chấn động thị trường bằng đe dọa áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ 1/9, đột ngột phá vỡ lệnh tạm ngưng ngắn ngủi trong cuộc chiến thương mại. 

Sau khi công bố tỷ giá trung tâm cao hơn 227 điểm vào ngày 5/8, NHTW Trung Quốc đã liên kết đà mất giá của nhân dân tệ với đà leo thang của chiến tranh thương mại, đồng thời khẳng định không thay đổi chính sách tiền tệ và rằng biến động hai chiều của đồng Nhân dân tệ là bình thường.

Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh vốn và tiền tệ tại Ngân hàng HSBC Việt Nam, nhân dân tệ lao dốc kéo theo rất nhiều đồng tiền khác trong khu vực. 

Đồng đô la Úc, thường có mối tương quan chặt chẽ với nhân dân tệ, mất giá 0,35%. Tương tự, các đồng tiền từ thị trường mới nổi chịu sự mất giá nặng nề hơn. Đồng won Hàn Quốc giảm 1% xuống mức thấp nhất ba năm, đồng đô la Đài Loan giảm 0,7%, đồng peso Mexico giảm 1% trong khi đồng rúp Ấn Độ giảm 1,2%.

“Trong bối cảnh như vậy, đồng VND cũng chịu ảnh hưởng. Tỷ giá trung tâm tăng 10 đồng lên mức cao kỷ lục 23.100 VND/USD (trong ngày 5/8). Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND mở cửa cao hơn 60 đồng so với tuần trước, giao dịch trong mức 23.260 - 23.280, tương đương mức mất giá nhẹ khoảng 0,24%”, ông Khoa nói.

Đồng VND, như ông Khoa chia sẻ với TheLEADER, thể hiện xu hướng dao động trong biên độ ổn định bất chấp những biến động mạnh trên thị trường quốc tế, đồng thời tâm lý thị trường không bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng vẫn được đáp ứng kịp thời, đầy đủ.

Sang ngày 6/8, tỷ giá USD/CNY bắt đầu hạ nhiệt sau khi sau khi Bắc Kinh đưa ra một số biện pháp nhằm làm chậm đà suy yếu mạnh của đồng nhân dân tệ khiến chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố Trung Quốc đang thao túng tiền tệ.

Cũng trong ngày hôm nay, Trung Quốc tuyên bố sẽ phát hành tín phiếu tại thị trường Hong Kong, một động thái hút bớt thanh khoản thị trường nhằm ngăn ngừa trạng thái bán khống đồng nhân dân tệ. Nước này cũng công bố tỷ giá trung tâm ở mức 6,9683 CNY/USD, cao hơn mức kỳ vọng 6,9871 CNY/USD. 

Mặc dù ở mức thấp hơn mức kỳ vọng của thị trường (dưới 7,0), song cặp tỷ giá được làm “mềm” đã phần nào giúp nó ổn định quanh mức 7,05 trên thị trường tiền tệ.

Tại thị trường ngoại hối Việt Nam, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục công bố tỷ giá trung tâm ở mức cao kỉ lục 23.115, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng có dấu hiệu hạ nhiệt trở lại từ mức đỉnh ngày hôm qua 23.270 - 23.290 (mua vào - bán ra) xuống mức 23.260 - 23.270 với tâm lý giao dịch ổn định, theo ông Khoa.

Lợi và hại đối với Việt Nam

Đồng nhân dân tệ mất giá là hệ lụy của chiến tranh thương mại leo thang, kéo theo các đồng tiền khác bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo ông Khoa, căng thẳng thương mại có thể sẽ đẩy nhanh tiến trình Trung Quốc đa dạng hóa các đối tác thương mại, vì vậy các quốc gia Châu Á, đặc biệt trong khối ASEAN bao gồm Việt Nam, nhờ lợi thế về địa lý và văn hóa, sẽ có cơ hội phát triển thương mại với Trung Quốc.

“So với một thập kỷ trước, quan hệ thương mại của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới đã tăng vượt bậc. Cụ thể, thương mại với các nền kinh tế ASEAN tăng từ 8% lên 13%. Trung Quốc sẽ cố gắng khắc phục những hệ lụy từ việc bị Mỹ áp thuế thông qua việc mở cửa nền kinh tế thông qua chuyển hướng xuất khẩu sang các quốc gia khác ngoài Mỹ”, ông Khoa nói.

Dù đồng VND không chịu quá nhiều sức ép phá giá, việc Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc có thể phần nào tạo nên lo lắng Việt Nam sẽ bị Mỹ tiếp tục để ý trong danh sách 21 nước thuộc diện theo dõi.

Theo tiến sỹ Cấn Văn Lực, Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV, Việt Nam là quốc gia có khả năng khá cao bị chuyển sang nhóm các nước thao túng tiền tệ nếu không có biện pháp phù hợp, quyết liệt. 

Lý do được ông Lực đưa ra là Việt Nam đã chạm hai ngưỡng (cán cân thương mại với Mỹ thặng dư trên 20 tỷ USD và thặng dư cán cân vãng lai trên 2%GDP), việc mua ròng ngoại tệ liên tục của NHNN cũng đã gần chạm ngưỡng (1,7% GDP so với ngưỡng 2% GDP). Đây là rủi ro đối với Việt Nam trong những lần rà soát tiếp theo của Bộ Tài chính Mỹ mà gần nhất là tháng 9/2019.

Ông Lực khuyến nghị Việt Nam cần hết sức bình tĩnh, không để bị cuốn vào dòng xoáy chiến tranh tiền tệ (nếu có) và không nên phá giá đồng tiền vì điều chỉnh tỷ giá liên quan đến nhiều mặt của nền kinh tế (không chỉ liên quan đến xuất khẩu, mà còn nhập khẩu, nợ ngước ngoài, áp lực lạm phát…) và có thể tăng rủi ro bị Mỹ gắn thao túng tiền tệ.

"Thay vào đó, Việt Nam cần kiên định chính sách tỷ giá chủ động, linh hoạt, tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối, kết hợp với truyền thông một cách hiệu quả nhằm kiểm soát yếu tố tâm lý, rủi ro lan truyền”, ông Lực chia sẻ.

Thêm vào đó, các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý nghiêm hành vi đội lốt thương mại, đội lốt đầu tư để ‘lách thuế’ từ Mỹ, bởi Việt Nam đã bị ông Trump cho là nước ‘lợi dụng chiến tranh thương mại tốt nhất’ trong thời gian qua. 

Có thể thấy rõ thái độ cứng rắn của Mỹ về vấn đề thương mại và Mỹ không ngại sử dụng các biện pháp trừng phạt lên các quốc gia vi phạm. Trên thực tế, việc Mỹ quyết định tăng thuế đối với một số sản phẩm bị cáo buộc thay đổi xuất xứ để né thuế, như áp thuế mức 456,23% đối với một số loại thép nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc Hàn Quốc và Đài Loan là một điển hình.

Tỷ giá duy trì xu hướng ổn định?

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trước khó khăn từ thương mại với Mỹ, Trung Quốc sẽ ít nhiều có động lực để cho nhân dân tệ giảm giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu nhưng nước này hoàn toàn không muốn một kịch bản giảm giá mạnh của đồng nội tệ. 

Lý do là Trung Quốc không muốn kích hoạt một làn sóng rút vốn nước ngoài mạnh hơn nữa, gây thêm bất ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời làm xói mòn dự trữ ngoại hối như đã từng diễn ra trong giai đoạn 2014 - 2015.

“Với Việt Nam, tỷ giá USD/VND tính đến cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm ngoái nên NHNN vẫn đang còn khá nhiều 'dư địa' để điều hành trước diễn biến mới của đồng Nhân dân tệ. BVSC cho rằng, dù có thể chịu sức ép giảm giá theo nhân dân tệ nhưng NHNN sẽ có các giải pháp điều hành, không để VND giảm giá quá sâu (trên 3%) nhằm tránh rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ”.

Còn theo ông Khoa, NHNN kiên trì theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Nếu tính chung từ đầu năm tới nay thì tiền đồng chỉ mất giá nhẹ 0,3% và tiếp tục duy trì xu hướng ổn định. 

Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận các biến động trên thị trường thế giới hiện nay là rất khó lường, như chiến tranh thương mại leo thang, kết quả Brexit và tăng trưởng thế giới chậm lại.

“Dự trữ ngoại hối Việt Nam theo số liệu công bố tiếp tục được tăng lên mức 68 tỷ USD đến hết quý 2. Thặng dư thương mại cùng dòng vốn FDI ổn định. Bức tranh kinh tế vĩ mô tích cực tiếp tục là điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài”, ông Khoa nhận định.