Đóng băng giao dịch đất đai tại các đặc khu kinh tế

An Chi - 16:37, 11/06/2018

TheLEADERQuyết định lùi thời gian thông qua luật đặc khu kinh tế nhiều khả năng sẽ khiến giao dịch mua bán đất tại các địa phương này đóng băng dài hạn.

Giao dịch nhà đất đóng băng

Trao đổi với TheLEADER, một số sàn giao dịch tại Quảng Ninh và Khánh Hòa cho biết, giao dịch nhà đất tại các địa phương đặc khu kinh tế tương lai như Vân Đồn, Bắc Vân Phong gần như đóng băng kể từ tháng 5/2018. 

Tháng 5/2018 cũng là thời điểm chính quyền tại ba địa phương Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang đồng loạt ra chỉ đạo tạm dừng việc chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất nông nghiệp, đất rừng nhằm ngăn chặn tình trạng sốt đất ảo trước thực trạng giá đất tăng chóng mặt tại các 3 đặc khu tương lai.

Giao dịch sẽ tiếp tục "đóng băng" sau lệnh lùi thời gian thông qua luật đặc khu
Bà Nguyễn Như Ý, Tổng giám đốc Real Home

Theo bà Nguyễn Như Ý, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Nhà Thực (Real Home), kể từ cuối năm 2017, hoạt động mua bán, giao dịch nhà đất tại Vân Đồn đã diễn ra rất sôi nổi với hy vọng đầu tư sinh lợi khi luật đặc khu kinh tế được thông qua.

Tại Quảng Ninh, ngay sau khi chính quyền tỉnh có quyết định tạm dừng việc giao dịch, chuyển nhượng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện Vân Đồn, các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã tháo chạy khỏi thị trường, hoạt động mua bán, giao dịch trên thị trường bất động sản Vân Đồn đã dừng từ thời điểm đó.

Trong khi đó, tại Bắc Vân Phong, theo ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa, các giao dịch tại đây cũng có xu hướng chững lại và giảm rõ rệt. Đặc biệt là các giao dịch, chuyển nhượng mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp trái pháp luật.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, ngay từ khi có quyết định tạm dừng giao dịch mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm điều tiết thị trường bất động sản, "cắt cơn" sốt đất ảo, việc giao dịch mua đi bán lại đất trái quy định tại các địa phương gần như đã chấm dứt hoàn toàn.

Riêng đối với Vân Đồn, chính quyền địa phương tại đây đã tạm dừng toàn bộ các giao dịch từ nên gần như không có hoạt động mua bán. Tại Bắc Vân Phong trong thời gian tới chắc chắn cũng không có giao dịch, ngoài việc các nhà phát triển dự án bắt đầu vào nghiên cứu đầu tư, ông Đính cho biết thêm.

Trước thực trạng này, ông Đính cho rằng, quyết định của Quốc hội trong việc lùi thời gian thông qua luật đặc khu kinh tế sẽ càng khiến cho hoạt động mua bán đất đai ngoài các dự án cũng như giao dịch chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái pháp luật bị hạn chế hoàn toàn.

Đối với các dự án được phát triển đúng quy hoạch, đặc biệt là các dự án của các thương hiệu chủ đầu tư uy tín sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi vẫn duy trì được lượng khách tiềm năng. Tuy nhiên, thời gian tới, giao dịch sẽ trở về giá trị thực, không có hiện tượng chênh giá như thời gian vừa qua.

Đóng băng giao dịch đất đai tại các đặc khu kinh tế  1
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam

Đồng quan điểm, ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa cũng cho rằng, tại các đặc khu kinh tế, việc lùi thời gian thông qua dự thảo luật đã ảnh hưởng rất lớn đến các đối tượng nhà đầu tư nhỏ lẻ, đầu cơ lướt sóng, tranh thủ khi luật chưa thông qua để mua đất nhằm kiếm lợi.

Song do dòng tiền của các nhà đầu tư này đa phần đều mang tính chất ngắn hạn, nên khi thị trường đóng băng, họ sẽ bị thiệt hại rất nặng nề.

"Đây là một bài học cảnh tỉnh đối với các nhà đầu tư lướt sóng. Khi những dự án trọng điểm của Chính phủ, quốc gia còn chưa thông qua, thì việc đi tắt đón đầu, mua đi bán lại, mua trước không những không mang lại lợi lộc gì cho bản thân mà còn gây hậu quả rất lớn. Các nhà đầu tư muốn kiếm tiền nhanh gọn cần tránh đi theo vết xe đổ này", ông Quý cho hay.

Cũng theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa, đặc khu chỉ thực sự phát triển khi xây dựng được một thể chế thu tốt, hút được các nhà đầu tư chiến lược lớn đến đầu tư. Còn nếu không, bàn thân nó mãi mãi là như vậy, không thể phát triển được. Do đó, khi mọi việc còn chưa có gì chắc chắn, các nhà đầu tư cần hết sức cảnh tỉnh đối với các thông tin của cò mồi môi giới không chính xác để có lựa chọn đầu tư sinh lời đúng đắn.

Nên "mở cửa" cho các giao dịch đúng pháp luật

Theo bà Nguyễn Như Ý, hiện trên thị trường bất động sản Vân Đồn chỉ còn các nhà đầu trường vốn, dài hạn có kinh nghiệm trong phát triển bất động sản.

Chính vì vậy, bà Như Ý cho rằng: “Với quyết định của Chính phủ trong viêc lùi lại thời gian thông qua luật đặc khu, các nhà đầu tư này vẫn đầy lạc quan và niềm tin vào thị trường. Bởi họ đã nhìn thấy sự tích cực của Chính phủ trong việc dừng lại đển điiều chỉnh, hoàn thiện dự thảo luật cho phù hợp hơn với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay và an ninh quốc phòng".

Đặc biệt, với chủ trương phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, cùng với việc quy hoạch phát triển du lịch, các khu đô thị đồng bộ khép kín, bà Như Ý và các nhà đầu tư vẫn rất tin tưởng vào bất động sản Vân Đồn sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Về vấn đề này, ông Trần Đình Quý cũng cho rằng, các nhà đầu tư lớn sẽ không tháo chạy khỏi thị trường bất động sản tại các đặc khu. Bởi, khi các nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp muốn đầu tư vào vùng kinh tế nào, đặc khu nào, chắc chắn họ đã khảo sát, nghiên cứu rất kỹ thị trường. "Do đó, khi Chính phủ cân nhắc về luật trước khi phê duyệt đặc khu, bản thân tôi cho rằng đấy là tín hiệu tích cực đối với nhà đầu tư".

Đóng băng giao dịch đất đai tại các đặc khu kinh tế  2
Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa

Trong thời gian qua, thị trường bất động sản tại các đặc khu quá nóng, bây giờ thị trường bình lặng, ổn định, các nhà đầu tư lướt sóng không có cơ hội gây rối loạn thị trường, điều này sẽ tạo tâm lý tốt cho các nhà đầu lớn, ông Quý cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đính, việc lùi thời gian thông qua luật đặc khu trong kỳ họp lần này đã ít nhiều tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư, bởi họ vẫn hy vọng dự thảo luật được thông qua trong tháng 6 này. Song hiện nay, dự thảo luật chưa được thông qua thì chính quyền địa phương cũng nên có sự điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với tình hình thị trường.

Bên cạnh việc tiếp tục ngăn chặn các giao dịch trái pháp luật, kiểm soát các giao này để tránh xảy ra tình trạng sốt đất như thời gian trước thì đối với các giao dịch đúng quy định, Phó chủ tịch Hội Môi giới cho rằng, chính quyền địa phương nên “mở cửa” để người dân, các nhà đầu tư có nhu cầu thực được giao dịch nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của họ theo đúng pháp luật.