Động lực nào cho tăng trưởng trung hạn?

Phạm Sơn - 09:12, 09/01/2023

TheLEADERĐến cuối thập kỷ, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể chỉ đạt 5% hoặc thấp hơn nếu không có giải pháp nâng cao năng suất lao động.

Sau 2 năm Covid-19, nền kinh tế Việt Nam hồi phục đầy ngoạn mục, với mức tăng trưởng GDP 8,02%, cao nhất trong giai đoạn kể từ năm 2011 và cao hơn các dự báo trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế chỉ thực sự tươi sáng trong khoảng 10 tháng đầu năm. Kể từ tháng 11/2022, tình trạng sụt giảm đơn hàng diễn ra đáng kể, dù cuối năm thường là thời điểm đẩy mạnh đơn hàng xuất khẩu. Hệ quả, hàng loạt doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng. Hàng trăm nghìn công nhân đã hoặc đang phải đối diện với rủi ro mất việc làm.

Xu thế này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2023. Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình CBS của Mỹ vào ngày đầu năm mới, bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhận định, kinh tế năm 2023 sẽ còn khó khăn hơn nhiều so với năm 2022, bởi các nền kinh tế lớn, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và EU đều sẽ có dấu hiệu suy giảm.

Áp lưc lạm phát trên toàn cầu năm 2023 được đánh giá là có chiều hướng giảm, tuy nhiên vẫn kéo dài. Theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) của Vương quốc Anh, các ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng khó có thể phục hồi.

Như vậy, trong năm 2023, xuất khẩu rất có thể sẽ không còn là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Việt Nam. Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% vào năm 2023 là thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 8,02% của năm 2022, tuy nhiên cũng sẽ là mục tiêu tương đối thách thức.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam có thể sẽ đến từ nông nghiệp, khu vực được coi là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế và vẫn duy trì mức tăng ổn định trong suốt giai đoạn khó khăn vừa qua. Nông nghiệp góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định của lĩnh vực chế biến, bao gồm chế biến thực phẩm, đồ uống, may mặc, da giày…

Bên cạnh đó, ngành du lịch đang từng bước phục hồi cũng được kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2023.

Trong bối cảnh điều hành chính sách vẫn tương đối áp lực để duy trì ổn định vĩ mô, chính sách tài khóa, đặc biệt là đầu tư công, nếu giải ngân tốt, sẽ là điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Theo ông David Dapice, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Trung tâm Ash thuộc Đại học Harvard, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể vẫn sẽ tăng mạnh và đóng góp tích cực vào tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong xu thế các tập đoàn đa quốc gia đang nỗ đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm hạn chế rủi ro chính sách khi đầu tư tại Trung Quốc.

Với những động lực tăng trưởng kể trên, bức tranh kinh tế vẫn tương đối lạc quan đối với Việt Nam trong năm 2023. Tuy nhiên, ông Dapice nhận xét, thách thực thực sự của Việt Nam là duy trì được động lực trong trung hạn và dài hạn.

Cụ thể, đến cuối thập kỷ, tốc độ tăng trưởng lao động cho khu vực công nghiệp sẽ giảm đi bởi “cạn kiệt lao động nông thôn muốn rời quê hương để làm việc tại các nhà máy”. Thực tế, xu thế này suy giảm này đã diễn ra từ thập kỷ trước cho đến nay.

Lực lượng lao động dồi dào là động lực tăng trưởng quan trọng và cũng là lợi thế giúp Việt Nam thu hút FDI trong thập kỷ qua. Ông Dapice nhận xét, tốc độ tăng trưởng của lực lượng lao động giảm đi có thể khiến nền kinh tế Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng dưới 5% vào cuối thập kỷ.

Trong bối cảnh đó, giải pháp duy trì tăng trưởng nhanh, cũng là bài toán lớn đặt ra cho Việt Nam là nâng cao năng suất lao động.

“Đây là thách thức trung hạn với Việt Nam”, ông Dapice nhấn mạnh.