Dự báo những thay đổi lớn nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe năm 2022

Hường Hoàng - 15:20, 15/02/2022

TheLEADERCông nghệ số, đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra những thay đổi lớn đối với lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe.

Dự báo những thay đổi lớn nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe năm 2022

Trong vòng hai năm qua, hàng triệu người trên thế giới đã tử vong, hàng triệu người khác đã và đang phải gánh chịu những tác động hết sức tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tuy vậy, đại dịch cũng đem đến những cơ hội đổi mới nhất định đến một số lĩnh vực trong đời sống, đặc biệt là ngành y tế và chăm sóc sức khỏe.

Đây là quan điểm được đưa ra bởi nhiều chuyên gia, lãnh đạo hàng đầu thế giới trong lĩnh vực y tế tại chương trình nghị sự Davos do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức, với chủ đề về sự thay đổi của ngành y tế, chăm sóc sức khỏe sau 2 năm toàn thế giới đương đầu với đại dịch Covid-19.

Các chuyên gia dự đoán về những thay đổi lớn nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe năm 2022
Đổi mới công nghệ đóng vai trò ngày một quan trọng trong lĩnh vực y tế

Cụ thể, theo ông Frans van Houten, Giám đốc điều hành Royal Philips, “Trọng tâm của quá trình chuyển đổi này là áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào chăm sóc sức khỏe”.

Việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động chăm sóc sức khỏe là trọng tâm của quá trình chuyển đổi trong lĩnh vực y tế. Cho ví dụ: AI có thể hỗ trợ chúng ta trong việc đưa ra những quyết định lâm sàng. Ngoài ra, chuyển đổi số trong hoạt động chăm sóc sức khỏe cũng tạo tiền đề cho hoạt động chăm sóc bệnh nhân từ xa qua hệ thống telehealth.

Ông Geoff Martha, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Medtronic cho biết: “Công nghệ giúp cho hoạt động chăm sóc sức khỏe được công bằng hơn”.

Đại dịch đã tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động chăm sóc sức khỏe. Chính vì thế chúng ta phải tăng cường sử dụng công nghệ để thu hẹp sự bất bình đẳng trong hoạt động chăm sóc sức khỏe giữa các vùng miền, chủng tộc và tầng lớp trong xã hội.

Ví dụ, hệ thống y tế có thể tiếp cận được nhiều bệnh nhân hơn thông qua việc khám bệnh tại nhà và khám sàng lọc từ xa; đồng thời mở các khóa đào tạo trực tuyến để phổ biến các kiến thức chuyên môn cho cán bộ công nhân viên trong ngành.

Với ông Paul Hudson, Giám đốc điều hành công ty Sanofi thì việc tiến hành số hóa trong thử nghiệm lâm sàng là điều vô cùng quan trọng. Số hóa các hoạt động thử nghiệm lâm sàng có thể giúp cho các cơ sở y tế có thể dễ dàng giám sát bệnh nhân từ xa qua việc cho bệnh nhân sử dụng chữ ký điện tử cho đến việc cung cấp các thiết bị y tế theo dõi…. Hoạt động này có thể mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành y tế trong cách thức tiến hành các thử nghiệm lâm sàng, tạo ra cơ hội tìm ra giải pháp đột phá trong điều trị bệnh nhân.

Trong khi đó, ông Iskra Reic, Phó chủ tịch điều hành khu vực công ty AstraZeneca chia sẻ rằng: “Chúng ta cần chuyển đổi mô hình chăm sóc sức khỏe.”

Đại dịch Covid-19 đã phô bày ra những yếu điểm của hệ thống y tế toàn cầu. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải có sự chuyển đổi trong hình thức chăm sóc khỏe để có thể sớm ngăn ngừa, chuẩn đoán và điều trị bệnh. Điều này có thể làm giảm gánh nặng bệnh tật, đảm bảo khả năng phục hồi của hệ thống y tế khi thế giới phải đối mặt với những làn sóng đại dịch tiếp theo trong tương lai.

Hệ thống y tế công và tư cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn. Chúng ta nên tránh tư duy tiết kiệm ngắn hạn, mà thay vào đó cần đầu tư dài hạn vào hệ thống chăm sóc sức khỏe và nền kinh tế.

Ông Greg Reh, Lãnh đạo về Khoa học Đời sống & Chăm sóc Sức khỏe Toàn cầu của công ty Deloitte lại nhấn mạnh về tính bền vững của các giải pháp y tế: “Nền kinh tế toàn cầu nên tập trung vào sự tiến bộ, sự phát triển của con người và sự bền vững của hành tinh.”

Ngoài việc đo lường dấu chân carbon (tổng lượng phát thải khí nhà kính đến từ quá trình sản xuất, sử dụng và cuối vòng đời của một sản phẩm hoặc dịch vụ), một số công ty còn đang tìm cách đo lường “dấu chân sức khỏe”. Công bằng trong hoạt động chăm sóc sức khỏe cũng đang trở thành một tiêu chí quan trọng trong khuôn khổ những quy định về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trên thế giới.

Để chấm dứt tình trạng chênh lệch về chăm sóc sức khỏe, các chính phủ, cộng đồng, các doanh nghiệp và người tiêu dùng nên có sự hợp tác chặt chẽ với nhau.