Du lịch và bảo tồn: Cặp đôi hoàn hảo

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng - 07:00, 17/02/2021

TheLEADERLâu nay, nhiều người cứ cho rằng Bảo tồn và Du lịch luôn mâu thuẫn. Họ nghĩ đơn giản đã bảo tồn thì không được thay đổi. Ngược lại, hễ làm du lịch là phải đổi thay không ngừng vì sản phẩm du lịch có vòng đời nhất định.

Du lịch và bảo tồn: Cặp đôi hoàn hảo
Bảo tồn và Du lịch cũng không hề mâu thuẫn với Cộng đồng.

Du khách luôn đòi hỏi sản phẩm mới. Cái gì mới thì đối lập với bảo tồn. Có nhà báo từng cắc cớ hỏi “Tiềm năng du lịch Việt Nam có hạn, khách đi hết tour thì làm sao?”. Tôi cười và nhỏ nhẹ: “Đừng lo bò trắng răng. Món ngon của nhân loại được chế biến từ nguyên liệu có sẵn từ bao đời nay, chưa bao giờ hết. Nhờ tài chế biến của từng đầu bếp nên món mới ra đời liên tục”.

Tam giác đều Du lịch – Bảo tồn – Cộng đồng

Cái gì cũng vậy. Từ mỗi con người đến từng hành vi. Cả những hiện tượng tự nhiên. Vấn đề là xử lý mối quan hệ giữa hai mặt khác biệt, giảm thiểu tối đa sự mâu thuẫn. Người chủ giỏi sẽ biến bảo tồn thành lợi thế du lịch, dùng du lịch để bảo tồn bền vững. Bảo tồn cũng rất cần được làm mới, đặc biệt theo nghĩa bóng.

Bảo tồn hiểu nôm na là giữ nguyên. Muốn giữ nguyên thì phải được chăm sóc, tu sửa theo nguyên bản, không tự ý thay đổi. Tối kỵ kiểu làm mới thô thiển, tùy tiện. Để tận dụng hiệu quả, các chủ thể bảo tồn cũng cần không ngừng làm mới, lạ, biến những thứ tưởng chừng vô trí trở nên sống động, có giá trị văn hóa.

Mới, bắt đầu từ cách nghĩ, biểu hiện cụ thể bằng cách làm. Từ việc giới thiệu, trang trí, không gian, tạo hiệu ứng đến việc sắp xếp, quảng bá, tiếp thị, nối kết với những sản phẩm khác,... Càng bảo tồn càng phải có hồn mới hấp dẫn. Nguyên tắc bất di bất dịch của bảo tồn là “Làm gì cũng phải giữ được hồn của chủ thể”, hoàn toàn khác với bảo thủ. Chỉ có bảo tồn cực đoan mới đóng của với du lịch, quay lưng với thế giới hiện hữu.

Bản chất của du lịch là nghỉ ngơi và trải nghiệm. Ngon và đẹp tùy quan điểm và góc nhìn từng người.

Còn lạ dễ thống nhất. Đồ càng cổ càng có giá vì hiếm và lạ. Du lịch luôn đòi hỏi đổi mới, nhưng rất trân quí những giá trị xưa từ chủ thể bảo tồn. Thoạt nghe, có vẻ mâu thuẫn nhưng logic. Chỉ có du lịch ba rọi, chụp giựt mới hủy hoại bảo tồn. Điều này nguy hại hơn cả việc thằn lằn tự ăn đuôi của mình.

Bảo tồn và Du lịch cũng không hề mâu thuẫn với Cộng đồng. Bộ ba này là tam giác đều vững chắc, tác động qua lại, thúc đẩy và hỗ trợ lẫn nhau. Chỉ có mâu thuẫn giữa bảo tồn và du lịch với các nhóm lợi ích.

Du lịch và bảo tồn “cặp đôi hoàn hảo”
Du khách quốc tế trải nghiệm lái đò tại Tràng An, Ninh Bình.

Những điển hình thực tế

Các hội thảo, hội nghị như hiện nay về bảo tồn và du lịch là quá đủ. Vấn đề là cách làm cụ thể và kinh tế là bài toán quyết định. Nếu không tạo được việc làm và thu nhập ổn định thì chỉ bảo tồn cửa miệng hoặc trên giấy. Bảo tồn phải tạo ra của cải, cả vật chất và tinh thần. Không thể có bảo tồn cùng chết đói. Thực tiễn cuộc sống đã khẳng định nhiều điển hình đẹp của cặp đôi bảo tồn – du lịch.

Thành phố Hội An là minh chứng thuyết phục nhất. Nhà, tưởng vô tri nhưng cũng như người, có hồn và sức sống riêng. Tiếng Việt có từ “Nhà tôi” để chỉ một nửa của cặp đôi vợ chồng. Nhà để hoang, chẳng ai ngó ngàng, sẽ nhanh xuống cấp, hư hỏng và đổ sập. Nhờ du lịch, Hội An ngày càng khởi sắc. Nhờ phố cổ, Hội An trở thành di sản thế giới, thành điểm du lịch lý tưởng của năm châu. Nhờ phố cổ và du lịch, các làng nghề Quảng Nam hồi sinh mạnh mẽ.

Cuộc chiến bảo tồn chưa bao giờ dễ dàng. Các kiến trúc cổ luôn đối mặt với áp lực đô thị hóa, phát triển kinh tế và sức nặng của đồng tiền. Mỗi lần về quê mẹ là xót xa vì các nhà cổ, đường xưa cứ ngày mỗi biến mất. Làng nghề ngày càng teo tóp, người theo nghề ít dần. Nếu không có biện pháp cụ thể, làng nồi đất Trù Sơn hơn 700 năm (Đô Lương, Nghệ An) bị xóa sổ đã hiển hiện.

Các làng cổ, làng nghề xưa; từ Nam chí Bắc hiện còn giữ được, dù chưa như ý, đều nhờ du khách đến tham quan, trải nghiệm. Các làng nghề cổ Chăm cả ngàn năm tuổi như gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận) phục hồi tốt và phát triển mạnh là nhờ du lịch. Gần đây, các dự án du lịch cộng đồng chuẩn (gọi như vậy để phân biệt với các dự án chủ quan, thiếu thực tiễn) đã chứng minh, nếu làm đúng, du lịch không chỉ vực dậy bảo tồn mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới, giúp người dân làm giàu chính đáng.

Năm 2005, bản Sin Suối Hồ (người H’ Mong, Lai Châu) báo động có thể bị xóa sổ vì ma túy. Năm 2015, nhờ nỗ lực của cộng đồng, bản đổi thay như có phép lạ. Bản làng vẫn nguyên nét xưa, không nhà lai, không tệ nạn, đường làng tinh tươm; không ai uống rượu, hút thuốc, xe gắn máy đi làm để nguyên chìa khóa trên xe đậu dọc đường cà ngày mà chẳng mất…Dân bản chỉ 750 người nhưng có hàng chục ngàn giò lan, hơn 200 chỗ ngủ chuẩn quốc tế với nệm dày 2 tấc, ga trắng tinh, WC thoáng sạch…

Mai Hịch (người Thái, Hòa Bình), bản nghèo nhất Mai Châu. Nhờ du lịch cộng đồng, bản làng có diện mạo mới, văn hóa Thái được phục hồi và đề cao. Từ nhà cửa, trang phục, các điệu múa, bài hát cho đến phong tục, ẩm thực truyền thống được tận dụng phục vụ du khách. Bản nghèo xưa giờ có tên trên bản đồ du lịch; ở đó có chủ nhân homestay Minh Thơ, được nhiều du khách quốc tế biết tiếng, còn chưa học hết lớp 4. Năm 2019, du lịch cộng đồng Mai Hịch đón hơn 20.000 khách lưu trú, 70% là quốc tế.

Bản Hua Tạt (người H’ Mong, Sơn La) thuộc vùng trọng điểm ma túy. Nhà sàn H’Mong thấp lè tè, vệ sinh nhếch nhác. Để tiết kiệm chi phí, chuyên gia tư vấn đề nghị nâng nhà sàn, làm nhà ăn bên dưới thay vì xây mới. Trưởng bản kiên quyết bảo tồn kiến trúc. Sau cả tuần phân tích, tranh luận với chuyên gia, chủ nhà Tráng A Chu quyết định điều chỉnh không gian, đúc cột bê tông (ốp tre chung quanh) nâng nhà sàn.

Trong 3 năm (2017 – 2020), từ hộ nghèo, homestay A Chu thành điển hình cả nước về tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện môi trường sống, giữ gìn bản sắc. Nếu không nhờ du lịch, văn hóa H’Mong ở Hua Tạt sẽ ngày càng mai một, nói chi được du khách cả trong và ngoài nước biết đến và thích thú như hiện nay. Chỉ điều chỉnh nâng sàn thêm 1,5m, không phá vỡ kiến trúc bản địa là hiệu quả bảo tồn nhãn tiền.

Khi homestay Xuân Diện (người Tày, Lào Cai) đi vào hoạt động từ 2018, chủ trương khuyến khích các em đi học mặc trang phục truyền thống, mấy năm trước khó khăn bỗng trở nên đơn giản. Mỗi tuần 3 ngày hai, tư, sáu; học sinh tiểu học xã Hợp Thành, tự hào với trang phục riêng đến lớp. Cảnh học sinh tan trường, rực rỡ sắc màu càng tôn vẻ đẹp yên bình của làng quê thơ mộng, hớp hồn du khách…

Thay lời kết

Bảo tồn, nếu không có du lịch sẽ chết dần theo năm tháng. Du lịch, nếu thiếu bảo tồn sẽ hụt hẫng, như cây không rễ. Xu thế tìm lại nguồn cội, về với hồn xưa đang trở thành nhu cầu ngày càng ưu tiên của con người, bất kể dân tộc và địa lý.

Cần tránh việc bảo tồn cực đoan, khư khư với cả những lỗi thời cản trở. Biết “gạn đục khơi trong”, chấp nhận thay đổi nhất định để giữ hồn xưa và phát triển, là hành xử khôn ngoan. Chống cách làm bảo tồn tùy tiện khá phổ biến hiện nay và du lịch cực tả, phủ nhận quá khứ, quay lưng với giá trị lịch sử.

Đất nước chỉ phát triểnbền vững khi cái cũ được nâng niu, cái mới được trân trọng. Bảo tồn và du lịchcũng vậy, luôn đồng hành với cuộc sống.