Vấn đề sống còn đối với ngành du lịch

An Chi - 12:17, 05/02/2021

TheLEADERGiải pháp để nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch một cách an toàn, bền vững, thích ứng với bối cảnh và xu hướng mới sau dịch.

Vấn đề sống còn đối với ngành du lịch
Ngành du lịch cần thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì kinh doanh

Cấp thiết tái cơ cấu thị trường khách du lịch

Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát tác động trực tiếp và ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến ngành du lịch. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu trong năm 2020 sụt giảm tới 1,1 tỷ lượt. Tổng thu du lịch toàn cầu mất đi 1.100 tỷ USD; khoảng 100-120 triệu lao động trong ngành bị mất việc.

Tại Việt Nam, ngành du lịch cũng không tránh khỏi những tổn thất nặng nề. Từ tháng 3/2020, Việt Nam dừng đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch nội địa. Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80%. Khách nội địa đến hết tháng 11/2020 ước đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2019. 

Cùng với đó, khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%... Tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên tới 530 nghìn tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD). 

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc tới ngành du lịch. Điều này đòi hỏi toàn ngành phải có biện pháp ứng phó kịp thời, phải có sự đánh giá lại, tư duy lại về cách làm du lịch trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đồng thời xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.

Giải pháp phục hồi và phát triển bền vững ngành du lịch
Ông Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch

Ngành du lịch cần thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch là nhanh chóng phục hồi và phát triển một cách an toàn, bền vững, thích ứng với bối cảnh và xu hướng mới sau dịch, ông Hùng nhấn mạnh và đưa ra 4 giải pháp giúp phục hồi ngành du lịch.

Thứ nhất là cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả nhằm vào thị trường chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao, cơ cấu thị trường theo phân đoạn nhu cầu.

Hiện tại, cơ cấu khách du lịch nội địa tại Việt Nam đang gấp gần 5 lần khách du lịch quốc tế. Tổng thu du lịch nội địa chiếm 45%, trong khi tổng thu du lịch quốc tế chiếm trên 55%. Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, cơ cấu này còn nhiều điểm chưa hợp lý chưa, cần hoàn thiện.

Đối với thị trường quốc tế, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) chiếm tới 66,8%; Asean 11,3%, Châu Âu 12%, Bắc Mỹ, châu Đại Dương chiếm khoảng 7%. Một số thị trường khác như Ấn Độ, Trung Đông có tiềm năng nhưng lượng khách còn rất thấp. 

Ông Hùng cho rằng, sự thay đổi cơ cấu khách quốc tế cần hướng tới phát huy được những lợi thế của Việt Nam, đặc biệt sau dịch Covid-19, Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn và được yêu thích lựa chọn.

Theo cơ cấu chi tiêu và thời gian lưu trú thì tỷ lệ khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày còn thấp. Do đó, ở nhiều phân khúc khách du lịch, lượng khách tuy đông nhưng giá trị tổng thu từ khách du lịch chưa cao. 

Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng quyết định hiệu quả của hoạt động du lịch; cần hướng tới thu hút, tăng tỷ trọng khách lưu trú dài ngày, chi tiêu cao, sử dụng dịch vụ cao cấp.

Mặt khác, khách du lịch có nhu cầu cao về các sản phẩm du lịch, dịch vụ có giá trị gia tăng cao nhưng lại chưa được quan tâm đầu tư, khai thác triệt để như du lịch MICE, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe, làm đẹp. Cơ cấu khách theo phân đoạn nhu cầu sẽ là vấn đề then chốt mở ra cách làm du lịch bền vững và hiệu quả.

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, ông Hùng nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh khai thác có hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa, nâng dần tỷ lệ đóng góp của khách du lịch nội địa. 

Đối với thị trường khách quốc tế cần cơ cấu lại theo phân khúc nhu cầu đối với từng loại hình sản phẩm du lịch, tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phù hợp với nhu cầu của từng phân khúc.

Trong bối cảnh dịch Covid 19 hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp du lịch đang đối mặt với nhiều thách thức để duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp nhưng cũng có không ít cơ hội để thay đổi, để vươn lên bằng việc nắm bắt và thích ứng với các nhu cầu mới của thị trường. Khai thác tốt các phân khúc thị trường này sẽ mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững và ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động bên ngoài như thiên tai, bệnh dịch.

Giải pháp thứ hai theo ông Hùng là ngành du lịch cần phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với thị trường

Trên cơ sở nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của khách du lịch sẽ thay đổi sau đại dịch Covid 19, việc phát triển và làm mới các sản phẩm du lịch của Việt Nam, phù hợp với nhu cầu của thị trường và khách du lịch là yêu cầu bức thiết. 

Thực trạng này đòi hỏi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cần có đổi mới sáng tạo, thích ứng để triển khai phát triển nhiều sản phẩm mới. Đặc biệt là những sản phẩm du lịch an toàn, có lợi cho sức khoẻ, liên kết các chuỗi cung ứng và phát huy ứng dụng công nghệ du lịch thông minh.

Chuyển đổi số là vấn đề sống còn trong đại dịch

Theo ông Hùng, trong thời gian qua, khối tư nhân đóng vai trò lớn trong phát triển du lịch, đặc biệt trong việc đầu tư du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, độc đáo, có quy mô và chất lượng quốc tế. Việc đầu tư phát triển các dự án du lịch được thực hiện thuận lợi đã và đang góp phần thay đổi diện mạo của nhiều điểm đến du lịch, đặc biệt là các trọng điểm du lịch và các khu du lịch quốc gia.

Trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không, hãng vận chuyển du lịch đã huy động nguồn lực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài, các hoạt động e-marketing. Cơ chế hợp tác, liên kết công-tư gắn doanh nghiệp với cơ quan xúc tiến điểm đến dần hình thành, tổ chức được những sự kiện du lịch có quy mô, góp phần quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được nêu trên, cơ chế hợp tác công-tư, việc liên kết vùng, địa phương vẫn chưa rõ ràng và chưa được thể chế hoá. Việc huy động nguồn lực từ khối tư nhân trong xúc tiến, phát triển du lịch còn hạn chế; việc liên kết vùng vẫn còn hình thức, chưa hiệu quả.

Do đó, giải pháp thứ ba để phát triển du lịch - ông Hùng cho rằng, cần đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết vùng giữa các địa phương, trong hợp tác đầu tư phát du lịch

Trong thời gian tới một trong những giải pháp trọng tâm cần triển khai trong liên kết là việc ban hành các cơ chế, hành lang pháp lý khuyến khích và phát huy liên kết giữa khu vực công và khu vực tư, giữa các doanh nghiệp, giữa các địa phương trên nguyên tắc các bên cùng có lợi trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Giải pháp thứ tư là đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển du lịch, đặc biệt trong nghiên cứu thị trường, cơ sở dữ liệu và xúc tiến, quảng bá du lịch.

Thực tế cho thấy quá trình chuyển đổi số trong phát triển du lịch, đặc biệt là trong quản lý, kinh doanh, trong nghiên cứu thị trường, trong tiếp thị và bán sản phẩm du lịch là yêu cầu mang tính chất “sống còn”, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 lại càng cần thúc đẩy nhanh hơn nữa. 

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Ứng dụng tổng thể công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch. Trong đề án này nội dung chuyển đổi đang được tập trung triển khai; các ứng dụng, tiện ích trong hoạt động du lịch đang được các doanh nghiệp triển khai rộng khắp.

Các địa phương và doanh nghiệp, đến nay đã có các hoạt động liên quan đến việc chuyển đổi số trong quản lý và thông tin du lịch, thông tin các điểm đến, các sản phẩm du lịch của các địa phương đang dần được số hóa. Các doanh nghiệp du lịch cũng đã chủ động tận dụng các lợi thế của công nghệ thông tin, các mạng xã hội đẩy mạnh hoạt động tiếp thị số và thương mại điện tử, xây dựng các kênh phân phối và bán hàng trực tuyến.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong du lịch thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như nhận thức về chuyển đổi số tại một số địa phương, doanh nghiệp chưa được triển khai thường xuyên; chưa hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử liên thông và có thể được chia sẻ, phục vụ hoạt động du lịch. Việc nghiên cứu thị trường và số hóa cơ sở dữ liệu về thị trường chưa theo kịp yêu cầu và xu thế đồng bộ; nguồn lực đầu tư cho marketing điện tử, thương mại điện tử còn quá ít.

Trong bối cảnh dịch Covid 19, các hoạt động truyền thông du lịch trực tuyến càng cần được coi trọng và đẩy mạnh. Ngành du lịch trong thời gian tới cần xây dựng Đề án chuyển đổi số trong ngành du lịch giai đoạn tiếp theo; tăng đầu tư cho hoạt động e-marketing cũng như tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các hãng công nghệ lớn trên thế giới để có thể cập nhật và ứng dụng được các công nghệ mới nhất phục vụ phát triển du lịch.