Du lịch Việt Nam cần tư duy đột phá để bứt phá

Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group - 08:00, 07/03/2022

TheLEADERLợi thế cạnh tranh chống dịch tốt không còn và giờ phải hành động nhanh, đúng và trúng thị trường mục tiêu trong ngắn hạn và trong dài hạn phải tư duy lại.

Cuối cùng, Chính phủ cũng chấp thuận mở cửa du lịch đón khách quốc tế từ 15 tháng 3. Nhưng Việt Nam có nguy cơ không có khách du lịch quốc tế đến rất cao nếu vẫn cách làm như hiện nay. Một số đoàn khách châu Âu của chúng tôi muốn đặt lại tour sau nhiều lần hoãn hủy hai năm qua, họ muốn đi du lịch thăm Việt Nam vào tháng 6 năm nay cho chắc, mà giờ chưa lấy được visa vì đơn giản là Việt Nam chưa cấp lại visa du lịch. Bộ Y tế vẫn yêu cầu cách ly 24 giờ và theo dõi 72 giờ, xét nghiệm 3 lần là những quy định lỗi thời ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế, trong đó có kinh tế du lịch.

Tôi đặt ngôi sao năm cánh cho sự khác biệt độc đáo du lịch Việt Nam trong khu vực là văn hóa, ẩm thực, thiên nhiên, con người và công nghệ thông tin. Chúng ta có các điểm nghẽn cần khơi thông để phát triển kinh tế du lịch là cơ chế chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch và xúc tiến truyền thông. Cơ hội cho các quốc gia là như nhau hậu Covid, các tỉnh thành trong một nước cũng như nhau, nên tỉnh thành nào nhanh chóng thính ứng nhanh sẽ phục hồi và phát triển nhanh chóng và được truyền thông tốt.

Thực tế thì không có virus quốc tế và virus quốc nội, nên chúng ta cũng không nên phân biệt, cá nhân tôi thấy không có lý do gì du lịch Việt Nam chờ đến 15 tháng 3 mới mở của toàn diện. Lợi thế cạnh tranh chống dịch tốt không còn và giờ phải hành động nhanh, đúng và trúng thị trường mục tiêu trong ngắn hạn và trong dài hạn phải tư duy lại. Du lịch Việt Nam cần định vị lại thương hiệu quốc gia, nhắm tới chất hơn lượng, tập trung vào thị trường mục tiêu và bền vững khi mở cửa du lịch quốc tế trở lại.

Cái mà doanh nghiệp mong ngóng là kết nối hàng không, thông tin mở cửa chính thống và chính xác, quy định cụ thể, và cam kết đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Thời hậu Covid, cơ hội như nhau cho các quốc gia, nước nào thích ứng nhanh, chuẩn bị tốt thì sẽ có nhiều cơ hội, còn không trâu chậm thì uống nước đục. Chúng ta đang quá chậm so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam tự đặt ra quá nhiều rào cản và chưa thống nhất được các bộ, ban, nghành.

Du khách luôn có nhu cầu tìm về những điểm đến mới, xanh hơn, thuận thiên, thuận tiện đến dễ dàng hơn, đến vui hơi nhiều trải nghiệm, giầu cảm xúc cho thân, tâm và tuệ. Du khách du lịch chậm lại, họ tìm tòi, mộng mơ, khám phá, thư giãn, tận hưởng, trải nghiệm giầu cảm xúc và hòa mình vào văn hóa và thiên nhiên. Chúng ta phải đặt khách hàng làm trung tâm, thoả mãn họ mọi điểm chạm để khách đi rồi muốn quay lại thay vì một đi không trở lại. Muốn vậy khách đến Việt Nam phải thực sự dễ dàng hơn, đến rồi được tiêu nhiều tiền hơn, thỏa mãn hơn, vui hơn.

Tôi cho rằng, du lịch từ góc độ doanh nghiệp cần định hướng bền vững và có trách nhiệm dựa trên sáu trụ cột: gìn giữ tài nguyên môi trường, trách nhiệm văn hoá xã hội, phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm trả lương ổn định cho người dân địa phương, khách hàng thoả mãn và doanh nghiệp có lợi nhuận. Du lịch có trách nhiệm phải tạo ra điểm đến đẹp hơn để du khách đến thăm quan và trải nghiệm, nơi đáng sống hơn cho người dân địa phương.

Du lịch giờ đây tất cả là điểm đến, trải nghiệm và ký ức. Du lịch Việt Nam hậu Covid 19 cần chất hơn lượng, tới khách cao cấp, khách sang trọng, quan tâm tới di sản văn hoá, ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn như khách châu Âu, Úc, Mỹ. Chúng ta nên tập trung vào chất hơn lượng, nhiều khách hay khách đại trà như trước kia cũng chưa có nhân lực làm ngay và luôn. Du lịch phải bền vững hơn, có trách nhiệm hơn và tuần hoàn.

Du lịch Việt Nam cần tư duy đột phá để bứt phá
Du lịch hướng đến chất lượng khách chứ không chạy theo số lượng

Trong ngắn hạn, muốn chiến lược mở cửa thành công thì chúng ta cần chia nhỏ thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh, bền vững, và đúng mùa du lịch của khách vào mùa hè như khách châu Âu (Đức, Tây Ban Nha, Anh, Pháp), Mỹ, Trung Đông và Úc. Cùng thị trường gần chúng ta trong ASEAN, có thể phục hồi nhanh, và thường có nhu cầu du lịch gần. Trung Quốc có thể lâu hơn, có chăng tập trung vào Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch và Tổng cục Du lịch cần chia thị trường mục tiêu theo ngôn ngữ hiểu văn hoá và hành vi tiêu dùng. Hàng không, lữ hành và điểm đến cùng xúc tiến sẽ tạo hiệu ứng tốt tại thị trường mục tiêu, có khách ngay hè này từ tháng 5-6. Chuẩn bị tốt cho mùa du lịch quốc tế đến tới từ tháng 9. Chúng ta mất ít nhất 4-5 năm mới phục hồi như năm 2019, tuy nhiên không nhất thiết phải sống chết với số lượng năm sau cao hơn năm trước, mà là chất lượng, lấy khách hàng làm trung tâm sự thỏa mãn họ, lắng nghe họ, tạo nhiều trải nghiệm, cơ chế chính sách mới thông thoáng, nhiều chỗ tiêu tiền, để du khách rộng hầu bao chi tiêu nhiều hơn.

Việt Nam có thể trở thành quốc gia du lịch hàng đầu châu Á, về di sản và du lịch biển. Về lâu dài, du lịch Việt Nam cần giải quyết bốn điểm yếu, nút thắt như thể chế chính sách (trong đó phải có Bộ Du Lịch, coi du lịch là nghành kinh tế, có vấn đề visa thân thiện, không quá phụ thuộc quá nhiều vào một vài nguồn khách), nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch và định vị thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam. Cần có nhận diện lại thương hiệu trong du khách quốc tế, nhất là sau Covid, các nước đang làm mới lại thương hiệu quốc gia của họ. Cơ hội phục hồi cho các nước là như nhau hậu Covid-19, nước nào chuẩn bị tốt và nhanh thích ứng sẽ có cơ hội vàng.

Covid-19 đã làm đứt gẫy và sụp đổ nhiều mắt xích quan trọng của ngành du lịch. Việc đứt gãy các chuỗi cung ứng như vận chuyển (nhà xe cần bảo dưỡng, sửa chữa sau hai năm đắp chiếu), khách sạn (không phải tất cả đều mở cửa), hướng dẫn viên, nhân sự du lịch không có... khiến việc hồi phục khó có thể nhanh được, mà chỉ có thể từ từ.

Chúng ta rụt rè, cầu toàn dẫn tới chậm chạp, chậm cả truyền thông ra quốc tế. Trong khi Campuchia, Thái Lan đã mở cửa cả năm qua, thì Việt Nam cần có sự vào cuộc thực sự. Các bộ ngành đã đồng lòng, nhưng cần sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Ngoài ra, vai trò của Bộ văn hóa, thể thao và du lịch là rất quan trọng trong việc quyết định doanh nghiệp nào làm, mở thị trường nào trước để tập trung xúc tiến, chứ không thể nói chung chung. Hiện tại, đại diện của Lux Group tại châu Âu đang làm road-show với hãng hàng không vừa mở đường bay tới Frankfurt để xúc tiến du lịch Việt Nam tại thị trường Đức từ ngày 7 - 8 tháng 3 và ITB Berlin Đức.

Để doanh nghiệp lữ hành hồi sinh, phục hồi và phát triển bền vững, cần giải các nút thắt cổ chai như trên và là điểm yếu cốt tử của du lịch Việt Nam xưa nay, hy vọng vào ngôi sao 5 cánh như đã nói ở trên. Cần có cơ quan chuyên trách phục hồi kinh tế xã hội, trong đó có du lịch, gỡ khó, gỡ rối chính sách theo hướng phục vụ và vướng mắc cho doanh nghiệp bằng đòn bẩy tài chính, cơ chế chính sách. Hà hơi tiếp sức 5% doanh nghiệp đã cầm cự được trong suốt hai năm qua, chứng tỏ họ có sức nội sinh và phục hồi được.

Cái doanh nghiệp du lịch cần lúc này là vốn, nhân lực và chính sách thuận lợi. Giờ là lúc mở tung cơ chế kìm hãm nghành này phát triển thành nghành kinh tế, có hẳn Bộ Du lịch từ Trung ương tới địa phương, thống nhất tới Sở và Phòng Du Lịch, có cơ chế chính sách đúng với nghành kinh tế. Những doanh nghiệp này cùng với các hãng hàng không, du thuyền, khách sạn cùng xúc tiến tại một thị trường mục tiêu, theo ngôn ngữ trường thị trường thì sẽ ra kết quả nhanh và có chất lượng.

Năm 2022, du lịch nội địa vẫn là bình oxy vẫn cho các doanh nghiệp, tiếp tục các xu thế và chiến dịch người Việt Nam du lịch Việt Nam. Các điểm đến mới nổi cũng có cơ hội như nhau, điểm đến nào thích ứng nhanh, linh hoạt, thay đổi tư du làm du lịch theo hướng bền vững sẽ phát triển tốt. Du lịch Việt Nam có thể định vị du lịch biển hay du lịch di sản với nhiều trải nghiệm mới lạ, giầu cảm xúc, hạ tầng cải thiện, chính sách visa thân thiện, du lịch tuần hoàn, bền vững, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia du lịch trong khu vực Đông Nam Á.